Chủ Nhật, 05/08/2018 | 10:32

Hiện nay, giữa Việt Nam và thế giới có khoảng cách rất lớn về dịch vụ y tế tiêu hoá gan mật cũng như khoảng trống trong nghiên cứu các bệnh lý chuyên khoa để phục vụ việc hoạch định chính sách và thực hành lâm sàng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này phóng viên báo Sức khoẻ & Đời sống đã gặp gỡ GS. TS. Đào Văn Long, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thành viên hội đồng sáng lập Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hoá gan mật.

Dịch vụ y tế và nghiên cứu tiêu hoá gan mật: Cần lấp đầy những  “khoảng trống”…GS.TS. Đào Văn Long.

Phóng viên: Được biết hiện nay các bệnh lý về gan, mật có xu hướng gia tăng ở nước ta. GS có thể lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

GS.TS. Đào Văn Long: Hiện nay ở nước ta một số bệnh lý tiêu hoá gan mật gia tăng nhanh, điển hình là các bệnh như sỏi túi mật, gan nhiễm mỡ, viêm gan C, trào ngược dạ dày – thực quản. Các bệnh lý có liên quan đến rối loạn chức năng đường tiêu hoá như hội chứng ruột kích thích, các bệnh lý viêm gan không do virus như viêm gan do rượu, viêm gan do thuốc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thay đổi lối sống, chúng ta ăn nhiều hơn, ăn nhiều chất hơn, đặc biệt là các thực phẩm chứa nhiều cholesterol. Thêm vào đó, Việt Nam là một nước sử dụng rượu, bia vào loại cao trong khu vực châu Á…

PV: Thực trạng các dịch vụ y tế trong việc chữa trị các bệnh  lý này ở nước ta hiện nay ra sao, thưa GS.?

GS.TS. Đào Văn Long: Thời gian gần đây hệ thống y tế của chúng ta nói chung, trong đó có lĩnh vực tiêu hoá gan mật nói riêng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành Y tế đã có bước tiến lớn trong tất cả các mặt, đặc biệt là trang thiết bị, trình độ đội ngũ thầy thuốc, chất lượng dịch vụ y tế… Trong lĩnh vực tiêu hoá, trước đây chỉ một số trung tâm y tế lớn mới có dịch vụ nội soi tiêu hoá thì nay dịch vụ này đã phổ cập ở nhiều bệnh viện tuyến huyện. Một số tuyến cao đã trang bị máy hiện đại hơn như máy nội soi phóng đại gấp 300 lần, có phần mềm ảo nhuộm giúp dễ dàng phát hiện sớm ung thư tiêu hoá. Nhiều cơ sở y tế đã có khả năng trang bị máy chụp cộng hưởng từ, máy nội soi siêu âm, thậm chí là máy PET/CT, máy đo nhu động và pH dạ dày, thực quản giúp cho công tác chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tiêu hoá gan mật đạt tiến bộ lớn. Tuy nhiên so với nhu cầu chúng ta vẫn còn những khoảng trống rất lớn trong dịch vụ y tế tiêu hoá gan mật, có khoảng cách lớn so với thế giới.

Nguyên nhân là do mô hình bệnh tật ở nước ta hiện nay đã thay đổi nhưng một số cán bộ vẫn chưa cập nhật các kiến thức, kỹ thuật mới. Có những bệnh lý tiêu hoá gan mật khá nguy hiểm nhưng lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Điển hình là gan nhiễm mỡ không do rượu. Bệnh này chiếm tới 30% dân số và có thể tiến triển thành viêm gan, xơ gan, ung thư gan nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Trước đây vấn đề suy dinh dưỡng được đặt ở vị trí hàng đầu thì nay thừa cân béo phì đã khá phổ biến trong xã hội. Những người thừa cân béo phì đa số không được tư vấn và chữa trị bài bản, mà chủ yếu chữa theo lời mách bảo, uống thuốc, thực phẩm chức năng chưa đúng cách…

Thứ hai là bất cập trong điều trị, chúng ta chưa có hiểu biết thấu đáo, đặc biệt vấn đề cá thể hoá trong điều trị, thay vì áp dụng các phác đồ điều trị cố định, vấn đề này cần có hiểu biết tốt về gen và sinh học phân tử.

Chúng ta cũng chưa có mạng lưới quản lý và theo dõi người bệnh từ cấp cơ sở lên cao. Phần lớn bệnh nhân có bệnh đến khám và được kê đơn điều trị mà chưa có sự theo dõi, tư vấn liên tục, lâu dài của thầy thuốc.

Mạng lưới dịch vụ y tế tiêu hoá gan mật hiện còn nhiều bất cập về trang thiết bị, cách thức tổ chức, nguồn nhân lực. Theo khảo sát bước đầu, hiện nay kỹ thuật nội soi tiêu hoá ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của người dân trong cả nước.

Trong điều trị chúng ta mới quan tâm đến thuốc, vấn đề ăn uống và chế độ sinh hoạt phần lớn chưa được hướng dẫn một cách khoa học, cả bác sĩ và người bệnh chưa coi đây là một trong những biện pháp hỗ trợ điều trị thực sự.

Công tác nghiên cứu trong lĩnh vực tiêu hoá gan mật chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa cung cấp được những dữ liệu khoa học đáng tin cậy cho việc hoạch định chính sách, cung cấp các bằng chứng mang đặc điểm của Việt Nam phục vụ cho công tác điều trị.

Đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực tiêu hóa gan mật cũng thiếu hụt lớn, các bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá thiếu trầm trọng, đặc biệt là các chuyên gia lành nghề cả đối với bác sĩ, điều dưỡng, và kỹ thuật viên.

PV: Vậy đâu là giải pháp cho những khoảng trống này, thưa GS.?

GS.TS. Đào Văn Long: Trước tiên cần phải có một kế hoạch tổng thể phát triển các dịch vụ y tế tiêu hoá gan mật, trong đó một số bệnh lý cần phải trở thành những chương trình lớn như quản lý bệnh nhân viêm gan B, C, viêm gan do rượu, do thuốc. Vấn đề tuyên truyền và giáo dục sức khoẻ trong tiêu hoá, gan mật cũng cần phải chú trọng hơn; nên kết hợp chương trình phòng chống HIV với phòng chống viêm B, C vì các virus này đều có chung một đường lây nhiễm. Thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc-xin viêm gan b cho trẻ nhỏ và những người có nguy cơ cao; nêu ra những tác hại của bia rượu, giúp người dân cẩn trọng hơn trong việc sử dụng thuốc cả thuốc tây y lẫn đông y…

Cần có nghiên cứu về mô hình bệnh tật tiêu hoá gan mật giai đoạn hiện nay ở nước ta, mới có thể  đưa ra cách thức tổ chức mạng lưới khám chữa bệnh hiệu quả.

Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo liên tục đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực tiêu hoá gan mật, đặc biệt là các bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá gan mật, cấp chứng chỉ hành nghề tiêu hoá gan mật.

Các bác sĩ trong lĩnh vực tiêu hoá gan mật phải cập nhật hoá các kiến thức, kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị.

Dịch vụ y tế và nghiên cứu tiêu hoá gan mật: Cần lấp đầy những  “khoảng trống”…Nội soi tiêu hoá đang dần được phổ cập tại Việt Nam.

PV: Để giúp người dân có một sức khoẻ gan mật tốt, GS. có lời khuyên gì?

GS.TS. Đào Văn Long: Chế độ ăn uống, sinh hoạt, lối sống có vai trò hết sức quan trọng đối với sức khoẻ nói chung, trong đó có sức khoẻ tiêu hoá gan mật. Đối với người Việt Nam có thể cụ thể hoá thành mấy điểm sau:

Đặc tính của người Việt chúng ta là ăn mặn, vì vậy nên hạn chế ăn mặn, điều này có lợi không chỉ cho sức khoẻ tiêu hoá gan mật mà còn rất tốt đối với tim mạch;

Không lạm dụng bia, rượu; Nên ăn nhiều bữa và trọng tâm vào bữa sáng. Các thực phẩm trong mỗi bữa ăn phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được chế biến khoa học từ thực phẩm sạch và tươi; cân đối giữa các thành phần đạm, béo, tinh bột, trong đó cần phải ưu tiên cho rau và hoa quả tươi;

Thận trọng trong việc sử dụng thuốc, cả thuốc tây y và đông y.

Cần khám sức khoẻ định kỳ. Người trên 40 tuổi cần kiểm tra để phát hiện có polyp đường tiêu hoá, có nhiễm Hp (helicobacter pylori) hay không…; Mỗi người cần tự bảo vệ mình bằng các biện pháp phòng bệnh tiêu hoá gan mật, các cháu nhỏ, những người chưa có kháng thể nên tiêm phòng viêm gan B…

PV: Xin trân trọng cảm ơn GS.!

Mai Hương (thực hiện)

Nguồn: SKDS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook