Thời tiết miền Bắc đang bắt đầu bước vào mùa lạnh. Đây cũng là thời điểm nhiều người bị bệnh dị ứng với triệu chứng sẩn ngứa, mẩn đỏ, thậm chí da nổi thành từng mảng mề đay…
Tắm bằng lá khế chua cũng giúp làm dịu nhẹ cơn ngứa do mề day.
Theo các bác sĩ ở bệnh viện Da liễu Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh như: yếu tố vật lý nóng, lạnh, tiếp xúc với dị nguyên lạ: có người dị ứng sơn, cỏ may, cây cỏ, ăn uống, thuốc….
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác nữa như nhà cửa không thông thoáng, ẩm mốc cũng có thể gây ra dị ứng.
Đặc biệt, vào đến mùa đông, thời tiết hanh khô, độ ẩm xuống thấp, khiến da dễ bị mất nước, dẫn tới khô và nứt nẻ, dễ bị kích ứng, nhất là những người có da khô hoặc nhạy cảm nên bệnh dị ứng càng có cơ hội phát ra ngoài.
Trong các loại di ứng thì hay gặp và nguy hiểm là dị ứng mề đay. Thống kê cho thấy, cứ 100 người thì có từ 15 đến 20 người bị nổi mề đay và khả năng tái phát bệnh này nhiều lần trong đời. Phụ nữ dễ nổi mề đay hơn nam giới và ở độ tuổi từ 20 đến 40.
Theo các bác sĩ da liễu, mề đay nếu không điều trị để triệu chứng xuất hiện rầm rộ có thể gây tình trạng suy hô hấp như hen suyễn, khó thở thở khò khè do phù thanh quản hoặc lưỡi gà.
Ngoài ra, đối với những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị sốc: Người bệnh thở dốc, ngưng thở, mất tỉnh táo và có cơn co giật, tụt huyết áp… nếu không cấp cứu kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong.
Đối với mày đay mãn tính do thường có liên quan đến các bệnh lý nội khoa nên bệnh nhân cần đến bác sĩ chuyên khoa khám bệnh, thực hiện thêm các xét nghiệm cần thiết để tìm đúng nguyên nhân và có cách điều trị thích hợp. Ngoài ra cần loại bỏ yếu tố gây bệnh nếu biết.
Tránh một số thức ăn, một số thuốc có thể gây dị ứng. Tránh các chất kích thích như gia vị, rượu, trà, cà phê…Trong cơn cấp, người bệnh có thể ăn nhẹ, giảm muối.
Chị Ngọc Mai, ở quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, lâu nay cứ đến mùa lạnh là chị lại bứt dứt, khó chịu vì bệnh sẩn ngứa mề đay. Những mảng mề đay nổi dày trên da, rồi lên cả mặt, có hôm sưng vều cả môi, mắt…trong khoảng vài tiếng, thậm chí là đến hôm sau mới hết. Chị đã đi khám rất nhiều, uống cả thuốc tây, thuốc ta nhưng cũng không đỡ. Hoặc có đỡ cũng chỉ một thời gian ngắn là bị lại.
Mấy hôm nay, thời tiết bắt đầu chớm lạnh là bệnh mề đay của chị lại xuất hiện. Lần này, nghe theo lời bạn bè, chị tìm đến một vị bác sĩ đông y.
Sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận mề đay còn gọi là “Tầm ma chẩn” bệnh do cơ thể nhiễm phong hàn hoặc phong nhiệt, uất tích tại bì (da) gây phát bệnh.
Ngoài ra còn do suy nhược cơ thể, khí huyết lưu thông kém hoặc do bệnh lâu ngày, khí huyết hao tổn, huyết hư sinh phong, khí hư nên vệ khí không giữ được ở bên ngoài, ngoại tà xâm nhập gây lên bệnh. Nhưng trường hợp của chị do gan thận suy yếu không thực hiện tốt chức năng gây ra da cơ yếu sinh phong sinh táo gây ra bệnh.
Ngoài những thang thuốc được bác sĩ bốc, chị Mai còn được căn dặn những lúc cơ thể bị mẩn ngứa, có thể làm giảm triệu chứng ngứa và nổi mẩn bằng cách: Hơ nóng miếng giẻ để chườm vào chỗ nổi mẩn, uống nước canh gừng, tắm bằng nước lá khế chua; hoặc rang gạo lên rồi bọc vào một miếng vải sạch và bắt đầu chườm lên vết ngứa.
Xin giới thiệu một số cách chăm sóc cơ thể khi bị dị ứng:
– Khi trên da xuất hiện những vết phát ban đỏ, cần tránh gãi, chà xát quá nhiều khiến dị ứng lan rộng hơn. Tắm bằng nước ấm nhẹ nhàng, tránh nước nóng quá hoặc lạnh quá.
– Với những người đang bị bệnh thì khi ra ngoài đường nên mặc đủ ấm, tránh để cơ thể tiếp xúc với gió lạnh. Che chắn cẩn thận vùng đầu, cổ, mặt, tay, chân…
– Uống nhiều nước để giữ ẩm cho da vì da khô cũng là nguyên nhân gây ra ngứa và không gãi nhiều vào vùng da đang bị ngứa.
Bảo Hà
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.