Chúng ta đang đọc mọi lúc mọi nơi đó chứ. Lúc nào chúng ta cũng đang đọc cái gì đó nhưng thật ra… chẳng đọc gì cả!
Một nghiên cứu về tác động của marketing lên con người hiện đại nói đại ý rằng mỗi ngày, một người sống ở thành phố có thể đã tiếp nhận thụ động hàng chục ngàn slogan và thông tin từ các sản phẩm qua truyền hình và các phương tiện quảng cáo nơi công cộng. Với người Việt Nam, có lẽ việc “đọc thụ động” còn nhiều hơn thế, bởi ngày nay bước ra đường hay mở tivi lên, chúng ta đâu chỉ bị bủa vây bởi các bảng quảng cáo mà còn bị nhấn chìm trước trùng vây của những khẩu hiệu, băng-rôn khác, trong số đó chẳng phải khẩu hiệu nào được giương lên cũng tốt cho khả năng nhận thức lẫn phương diện sinh học của não bộ con người.
Đọc mọi lúc mọi nơi qua thiết bị di động đã trở thành trào lưu phổ biến Ảnh: QUANG HUY
Cộng thêm vào đó là mạng xã hội, tin nhắn, là lướt web đọc tin, đọc báo cáo ở công sở, đọc tổng kết ở cơ quan… đủ thứ đọc trên đời. Lúc nào mắt ta cũng phải căng ra để đọc một thứ gì đó. Đọc mọi nơi mọi lúc. Đọc trước lúc ngủ, đọc khi mới thức dậy, đọc ở bàn ăn, đọc khi uống cà phê, đọc tranh thủ lúc chờ thanh toán tiền ở quầy thu ngân, đọc trên xe, đọc ở công viên, đọc cả trong khi… đi toilet, lúc nào trước mắt và trong đầu óc chúng ta cũng đầy chữ là chữ.
Não chúng ta có vẻ như lúc nào cũng đang vận động hết công suất để thu nạp chữ nghĩa nhập nhằng trên màn hình, trên giấy, trên đơn từ, công văn, trên mạng xã hội, trên hóa đơn điện, nước, nhà hàng. Chúng ta chăm chỉ đọc và nghiện đọc. Bạn có thấy không, chúng ta không thể nào chấp nhận được tình trạng nhàn rỗi cho đôi mắt, dù chỉ vài phút. Thay vì ngồi ngắm một bông hoa ngậm sương buổi sáng, chúng ta tranh thủ chụp hình và ghi status; thay vì ngồi uống ly cà phê ven đường và nghĩ ngợi về một điều gì đó, chúng ta tranh thủ lên mạng đọc, viết comment; thay vì tập trung thưởng thức một món ngon trên bàn và trò chuyện với những người thân trong gia đình, chúng ta mỗi người cầm một điện thoại thông minh hay máy tính bảng, đọc và đọc.
Đọc như thể ngừng đọc là lập tức lăn ra chết.
Chúng ta làm đầy đời sống của mình bằng chữ. Cho đến một ngày, có ai đó nói rằng ở cái nơi mà chúng ta đang sống, những cuốn sách bị bỏ rơi; rằng, ở nơi chúng ta đang sống, mỗi năm mỗi người chỉ đọc hết 0,8 quyển sách. Ồ, con số đó là một sự xúc phạm. Và vì thế, bạn và tôi sẽ phản ứng kịch liệt. Chúng ta phải nói cho những kẻ đã đẻ ra con số ấy biết rằng các vị nói sai rồi, số liệu không phản ánh được một thực tế là hằng ngày chúng tôi, những người Việt, vẫn đọc, đọc không ngừng nghỉ, đọc cật lực, đọc liên tục, đọc mọi nơi mọi lúc đây này. Và chúng ta biện hộ rằng đọc thì đâu nhất thiết phải đọc sách.
Nhưng rồi, khi cơn tự ái đi qua, khi con số 0,8 cuốn sách/năm/mỗi người Việt trở về với vẻ trung tính của nó, chúng ta sẽ tự hỏi cái sự đọc nhiều của chúng ta có thực sự là đọc khi chúng ta rời xa những văn bản kích hoạt năng lực tri thức để tiếp nhận những loại văn bản đáp ứng nhu cầu thông tin đóng gói dễ dãi nhất thời, khi chúng ta rời bỏ niềm say mê khám phá và mở rộng tư duy qua những trang sách thử thách để chấp nhận những chữ nghĩa thông báo mà bản thân chúng không cần người tiếp nhận phải nghĩ ngợi gì thêm, khi chúng ta chối từ sự phiêu lưu theo đuổi và truy cầu sự mới lạ của tri thức trên những văn bản phức tạp để hồ hởi chào đón những xác chữ vật vờ không cần đến khả năng phê phán hay tưởng tượng ở người tiếp nhận?
Một nhà hiền triết đã nói rằng chúng ta đừng mơ từ bỏ những cuốn sách giấy, chỉ vì cuốn sách cũng như cái muỗng hay bánh xe, nó được phát minh ra, về mặt vật chất là căn bản hoàn thiện để thực hiện cái công năng truyền tải tri thức cho con người. Sách như một dạng phát minh bánh xe tri thức và trí tưởng tượng của con người.
Cách mà một người chìm đắm trong thế giới một cuốn sách đầy thử thách với bản thân anh ta rất khác với cái cách đọc hàng ngàn chữ nghĩa thông tin trên các bảng quảng cáo hay theo dõi những dòng status rời rạc, phân mảnh trên các trang mạng xã hội. Cảm giác về một cuốn sách, trước hết là bảo chứng khả tín về một chiều sâu nhận thức và nó đòi hỏi một sự gắn bó sâu sắc hơn về mặt thời gian cũng như trí tưởng. Một cuốn sách đòi hỏi độ dấn thân của người đọc tương tự như một ngọn núi hiểm trở đòi hỏi bản lĩnh và sự nhập cuộc của người chinh phục. Và cũng như nhà leo núi, người đọc sách hân hoan thấy mình khác đi, mới mẻ hơn sau một hành trình với mỗi cuốn sách. Đó chính là cảm giác kỳ thú về một hành trình mở rộng biên giới của hiểu biết, khám phá vẻ đẹp ngữ nghĩa và bao trùm là khát vọng được hiểu về ngoại giới và nội tâm.
Điều đó hoàn toàn khác với cái cách mà chúng ta tiếp nhận những câu chữ, ý tưởng rời rạc trên mạng xã hội, trên các biển quảng cáo hay những băng-rôn tuyên truyền sặc sỡ trên đường. Đọc để chủ động sống sẽ rất khác với việc đọc để bị tác động. Đó là chưa nói, chính thói quen đọc tản mát hời hợt kia sẽ lấy đi của chúng ta niềm đam mê chinh phục những cuốn sách và nỗ lực khám phá những giá trị tinh thần tinh tế và ngầm ẩn bên trong đời sống.
Đã đến khi cần phải nhìn lại sự đọc. Cần đặt lại câu hỏi: Chúng ta tiếp nhận nhiều chữ hằng ngày nhưng có thật sự chúng ta đang đọc?
Nguyễn Vĩnh NguyênNgười Lao Động
Chưa có bình luận.