Thứ Tư, 18/05/2016 | 17:00

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về chương trình kết hợp quân dân y giai đoạn 2005-2015 Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế tổ chức mới đây tại Hà Nội, đại diện Bộ Y tế nhận định: Trong những năm qua, chương trình kết hợp quân – dân y đã thực sự phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả quân y và dân y trong việc củng cố y tế cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, biển, đảo – những địa bàn trọng điểm về quốc phòng – an ninh và đã tạo nên mạng lưới khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh rộng khắp.

Chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng sâu, vùng xa.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của quân – dân y

Nhiệm vụ trọng tâm của chương trình kết hợp quân dân y là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang ở các vùng trọng điểm quốc phòng-an ninh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế chậm phát triển, vùng biên giới, biển, đảo của đất nước.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 10 năm qua, các cơ sở quân y trên tuyến biển, đảo đã tổ chức cấp cứu cho hơn 6.600 người, khám bệnh cấp thuốc cho hơn 84.000 lượt người, thu dung điều trị cho 16.018 trường hợp, đã phẫu thuật 12.550 trường hợp, chủ yếu là người dân.

Đáng lưu ý, lực lượng quân y trên tuyến biển, đảo đã tổ chức cấp cứu, vận chuyển kịp thời, an toàn hiệu quả nhiều trường hợp bệnh nhân rất nặng như: đa chấn thương, viêm ruột thừa cấp, viêm tuỵ cấp, xuất huyết tiêu hóa, viêm túi mật cấp, tai biến do lặn sâu, tai biến mạch máu não… Đặc biệt, Bộ Quốc phòng đã điều động 62 chuyến máy bay trực thăng vận chuyển người bị thương, bị bệnh trên tuyến biển, đảo về đất liền trong đó quân là 22, dân là 40.

Trong công tác chăm sóc sức khỏe, Ban quân dân y cấp Bộ của Bộ Quốc Phòng đã chỉ đạo tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho 23 triệu lượt người, tặng quà cho hơn 83.000 lượt hộ gia đình chính sách, người nghèo với tổng số tiền 141 tỷ đồng. Các đơn vị của ngành Quân y, các cơ sở khám chữa bệnh quân dân y trên toàn quốc đã khám chữa bệnh được hơn 40 triệu lượt người, cấp cứu 6,2 triệu lượt người và nhận điều trị hơn 20 triệu lượt người.

Ngoài ra Bộ tư lệnh bộ đội Biên phòng, các địa phương đã thành lập, đầu tư xây dựng được một hệ thống 152 phòng khám quân dân y tại các đồn biên phòng đóng quân dọc tuyến biên giới. Các phòng khám quân dân y thực sự là “cánh tay kéo dài” của các trạm y tế xã đến tận thôn, buôn, bản của đồng bào.

Đối với những dịch bệnh có nguy cơ lây lan nhanh tại khu vực biên giới, Ban quân dân y cấp Bộ đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Y tế tổ chức ký kết hợp tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh HIV/AIDS với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Hệ thống các phòng khám quân dân y do Biên phòng quản lý, cũng là hệ thống giám sát dịch bệnh dọc biên giới đã phát huy rất hiệu quả, có khả năng phát hiện sớm nguy cơ dịch và báo cáo trực tiếp theo hệ thống về Cục Quân y, Bộ Y tế.

Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm. Đây là các bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm được thành lập trên cơ sở điều động nhân lực, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất, thuốc… từ các bệnh viện quân y và các đơn vị quân đội trong khu vực trọng điểm quốc phòng an ni

Góp phần củng cố lòng tin

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng kết hợp quân dân y là một đặc thù của ngành y tế Việt Nam, được hình thành trong cuộc chiến tranh giải phóng và phát triển qua các thời kỳ cách mạng, trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo sẽ hướng tới mục tiêu giúp người dân sinh sống ở các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng trọng điểm quốc phòng an ninh được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng ngày càng cao và tăng cường khả năng đáp ứng của ngành y tế trong các tình huống khẩn cấp.

Theo Thiếu tướng, tiến sỹ Vũ Quốc Bình- Cục trưởng Cục Quân y, Bộ Quốc phòng, trước yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân trong tình hình mới, những năm gần đây, ngành đã tham mưu cho cấp trên và trực tiếp triển khai thực hiện nhiều nội dung, biện pháp đột phá về xây dựng nguồn nhân lực, đổi mới hoạt động chuyên môn, nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật mới, hiện đại trong khám, chữa bệnh. Nhờ đó, năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh của các tuyến quân y được nâng cao.

Ngành đề xuất xây dựng và chỉ đạo đưa vào hoạt động 3 trung tâm y tế quân – dân y huyện đảo, hơn 50 bệnh viện, bệnh xá, phòng khám đa khoa, phòng khám khu vực và gần 130 trạm y tế quân – dân y. Hằng năm, lực lượng quân y các cấp tổ chức hàng nghìn lượt tổ, đội công tác đi đến những nơi vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng triệu lượt người dân, kết hợp tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, vệ sinh môi trường và thực hiện công tác dân vận.

Những nỗ lực đó không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn trọng điểm về quốc phòng-an ninh, mà còn góp phần quan trọng vào củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.

Thiếu tướng Hoàng Đăng Nhiễu- Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết giai đoạn 2005-2015 đã có 1.388 lượt cán bộ nhân viên quân y trực tiếp làm việc tại các cơ sở khám chữa bệnh kết hợp quân dân y khu vực biên giới; củng cố 171 trạm y tế các xã biên giới, xây dựng mới và nâng cấp 135 trạm y tế, phòng khám; khám bệnh 2.595.912 lượt dân, cấp cứu 61.838 lượt, thu dung điều trị 874.984 lượt.

Ở vùng biển, trên các đảo quy mô dưới xã, các xã đảo, các phòng khám của quân y biên phòng thực sự đã là chỗ dựa cho bà con ngư dân trên biển mỗi khi bị bệnh, từ viên thuốc chữa bệnh đến việc cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân về các cơ sở y tế trên đất liền.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, kết hợp quân dân y là một truyền thống, là niềm tự hào của quân đội Việt Nam, y tế Việt Nam. Các chuyên gia quốc tế đánh giá đây là một điểm rất đặc biệt trong hệ thống y tế của nước nhà. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu, cần nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong 10 năm qua. Đó là ​những bất cập do cơ chế quản lý cũ trong nhiều lĩnh vực dịch vụ công, trong đó có lĩnh vực y tế. Chẳng hạn như vấn đề về tài chính y tế, bảo hiểm y tế, tự chủ y tế công lập đặt ra nhiều thách thức không chỉ cho cơ sở y tế công lập, mô hình công tư kết hợp mà còn cả mô hình quân dân y kết hợp. Vì vậy, theo Phó Thủ tướng, trong 10 năm tới cần có bước làm mạnh mẽ hơn để củng cố mạnh hơn toàn bộ tuyến y tế có sở biên giới, hải đảo.

Thanh Vũ

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook