Thứ Ba, 12/07/2016 | 14:00

Mùa hè tại khu vực nông thôn, nơi có nhiều vườn cây ăn trái thường thu hút các loại ong đến làm tổ và hút mật. Nếu bị ong đốt ít có thể không gây nguy hiểm, nhưng nếu bị đốt nhiều vết hoặc có cơ địa dị ứng, đề kháng kém thì cũng rất nguy hiểm, thậm chí có trường hợp tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Ảnh: TL.

Có nhiều loại ong, các loại ong thường gây nhiễm độc là ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật và một số ong chưa rõ loại ở các vùng rừng núi. Trong các loại nọc ong, nọc ong vò vẽ thuộc loại nguy hiểm nhất.

Ngày 8/6 vừa qua, ông Trần Xol, 68 tuổi, ngụ ấp Kos Thum, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) trong lúc đang đi hái rau trong vườn giẫm phải tổ ong vò vẽ và bị cả đàn ong lao vào đốt. Bệnh nhân đến cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Bạc Liêu trong tình trạng nguy kịch với hơn 100 vết đốt.

Theo lời kể của ông, sau khi bị đàn ong bủa vây phải bỏ chạy, không có chỗ nào tránh ông nhảy xuống ao để thoát và cố gắng lết về đến nhà nhưng gần như ngất xỉu. Hoảng hốt, vợ ông hô hoán hàng xóm đưa chồng đến cấp cứu tại bênh viện. Khi nhập viện, bệnh nhân đã có dấu hiệu suy gan, suy thận cấp và tổn thương đa cơ quan. Sau khi hội chẩn, các bác sỹ đã cho tiến hành lọc máu để cứu sống bệnh nhân. Do được cấp cứu kịp thời, hiện sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.

Theo các bác sĩ chuyên khoa chống độc, sau khi bị ong đốt, người bệnh có thể có các biểu hiện nổi mề đay, ngứa, sau đó là sốc phản vệ, khó thở, phù nề thanh quản, đớ lưỡi; Tiếp theo, có thể suy hô hấp, phù nề các phế nang, nôn, tụt huyết áp, tiêu chảy…

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, khi bị ong tấn công, cần phải hết sức bình tĩnh và nhanh chóng ra khỏi khu vực có ong. Tuyệt đối không dùng nhánh cây, quần áo để xua vì càng xua, ong sẽ càng tấn công. Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động (ong sẽ không nhìn thấy nữa).

Trước khi đến cơ sở y tế để xử lý, người bị ong đốt tự làm hoặc nhờ người khác nhanh chóng sơ cứu ban đầu bằng cách: Khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy lấy vòi chích của ong ra vì hầu hết sau khi đốt, ong đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da; rửa sạch vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước ấm. Uống nhiều nước để loại thải các độc tố; Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng…Sau khi sơ cứu các vết thương, cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Tuyệt đối tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết. Khi có ong xuất hiện, cần đứng yên, không chạy; Khi đi vào rừng, đi dã ngoại, không nên mặc quần áo màu sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm… có mùi thơm và ngọt sẽ thu hút ong. Nên đội mũ, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín khi cần có việc ra ngoài đồng, vườn hoặc rừng để tránh côn trùng đốt, nhất là ong.

Ngọc Hòa

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook