“Môi trường nông thôn đang báo động đỏ”, “Một số biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường hiện nay đang theo kiểu xử lý được ở chỗ này lại là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường cho nơi khác”, “Tỷ lệ các xã đạt chuẩn về tiêu chí môi trường không thực chất”…, là những nhận định, cảnh báo gây “sốc” của giới chuyên gia, nhà quản lý tại Hội thảo “Xây dựng mô hình cộng đồng xử lý môi trường bền vững ở các xã nông thôn mới”, do Bộ NN & PTNT, Bộ TN-MT, UBND tỉnh Nam Định phối hợp tổ chức ngày 28/4, tại Nam Định.
Hội thảo đề cập, kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề liên quan
đến bảo vệ môi trường khu vực nông thôn hiện nay.
Xử lý hay là phát tán ô nhiễm?
Thời gian qua, khi công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho các xã, huyện thì việc đánh giá thực hiện và mức độ đạt chuẩn về môi trường là khó nhất. Một phần là do nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện tiêu chí này cho các địa phương, nhất là về xử lý rác thải, nước thải ở nông thôn còn thiếu, chưa phân định rõ chức năng của từng ngành. Dẫn tới các địa phương đang rất lúng túng trong việc lựa chọn mô hình, công nghệ, cách thức thu gom, xử lý rác, nước thải. Nhiều mô hình, công nghệ đốt rác đang sử dụng bị đánh giá là không bền vững, gây ô nhiễm môi trường… (ÔngTrầnThanh Nam,Thứ trưởng Bộ NN &PTNT) |
Báo cáo của Tổng cục Môi trường cho biết sau 5 năm triển khai, cả nước có gần 1.700 xã, hơn 20 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Quá trình thực hiện, hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn trong việc thực hiện và đạt tiêu chí 17 về môi trường. Cụ thể, đến nay tỷ lệ các xã thực hiện tiêu chí số 17 mới chỉ đạt 42,4%, là tiêu chí có tỷ lệ đạt thấp nhất.
Mặc dù vậy, tham luận tại hội thảo, bà Nguyễn Hoàng Ánh, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) thể hiện sự nghi ngờ về tính thực chất của số liệu báo cáo của các địa phương về kết quả thực hiện tiêu chí này. “Qua làm việc với các địa phương, khảo sát thí điểm tại một số xã đạt chuẩn NTM chúng tôi thấy tỷ lệ các xã đạt đủ và đúng 5 chỉ tiêu của tiêu chí 17 thấp hơn nhiều so với số liệu báo cáo”, bà Ánh khẳng định. Chẳng hạn, đối với chỉ tiêu “90% cơ sở sản xuất – kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường”, theo bà Ánh, khi thẩm tra lại hầu hết các địa phương chỉ nêu được số lượng các cơ sở có hồ sơ thủ tục về môi trường, một số cơ sở có sản xuất, chăn nuôi có hạng mục thu gom và xử lý nước thải.
Liên quan đến việc xử lý chất thải rắn ở nông thôn hiện nay, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết nhiều địa phương đang áp dụng biện pháp xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt bằng công nghệ lò đốt thủ công. Tuy nhiên tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà quản lý tỏ rõ sự lo ngại với các phương pháp xử lý rác này, cho rằng đây thực chất chỉ là việc “xử lý được ô nhiễm ở chỗ này, lúc này nhưng lại phát tán, gây ô nhiễm cho nơi khác, lúc khác”. Cụ thể, việc đốt rác có thể giải quyết ngay được về khối lượng nhưng lại “nhả” ra môi trường xung quanh một lượng lớn dioxin, trong khi việc chôn lấp không chỉ “ngốn” một lượng lớn quỹ đất mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước ngầm. “Có điểm lò đốt rác thủ công chúng tôi đo được lượng dioxin vượt quy chuẩn 40 tới lần”- đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm cho biết. Từ thực tế “lợi bất cập hại” này, nhiều đại biểu cho rằng việc một số địa phương, thay bằng đầu tư tập trung vào một điểm, bằng công nghệ hiện đại, lại đầu tư cho mỗi xã 1 lò đốt rác vô tình đã làm “phát tán” ô nhiễm, chứ không phải xử lý ô nhiễm…
Còn ông Tôn Gia Hóa- Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, thời gian qua đối với các khu, cụm công nghiệp ở địa bàn nông thôn việc bảo vệ môi trường không theo một quy định chung nào, mà tùy thuộc vào cơ chế, quy định riêng của từng địa phương. Theo ông Hóa, nếu không kiểm soát tốt việc này thì tương tự như câu chuyện về những chiếc lò đốt rác cũng sẽ chỉ “phát tán” thêm ô nhiễm thay bằng góp phần xử lý.
Quy chế và kỷ cương
Nhìn nhận ô nhiễm môi trường ở nông thôn nước ta đã ở mức “báo động đỏ” trong khi hầu hết các địa phương đang bế tắc trong việc lựa chọn mô hình vận hành, giải quyết ông Hồ Xuân Hùng- nguyên Thứ trưởng Bộ NN và PTNT, Cố vấn Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM cho rằng, trong bối cảnh hiện nay để bảo vệ được môi trường nông thôn bền vững phải có “4 có”: có một tổ chức thực hiện dịch vụ này; có chính sách phù hợp; có công nghệ hiện đại nhưng phải phù hợp; có quỹ riêng đầu tư cho việc này và phải đầu tư đào tạo nguồn nhân lực. “Với người dân thì phải có quy chế, với doanh nghiệp thì phải có kỷ cương”, ông Hùng nói đồng thời lưu ý, cần làm rõ, phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, đặc biệt là vai trò vận động, giám sát của MTTQ và các đoàn thể quần chúng.
Ghi nhận, đánh giá cao những phản ánh, phân tích, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu tham dự hội thảo, các ông Trần Thanh Nam- Thứ trưởng Bộ NN và PTNT; Nguyễn Linh Ngọc- Thứ trưởng Bộ TN-MT, đồng chủ trì cho biết đây là cơ sở quan trọng để hai bộ đề xuất với Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM những cơ chế, chính sách và giải pháp mới, hướng tới mục tiêu bảo vệ bền vững môi trường ở nông thôn, trong đó có việc sửa đổi tiêu chí 17- tiêu chí đánh giá về môi trường trong 19 tiêu chí cho phù hợp với thực tiễn. “Cùng với đó hai bộ sẽ phối hợp tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành một chỉ thị mới cho vấn đề này”, Thứ trưởng Bộ TN-MT cho biết.
Do áp lực về thời gian nên nhiều hoạt động trong thực hiện tiêu chí môi trường của các địa phương chỉ mang tính chất thời điểm, chưa được kiểm tra thường xuyên, liên tục trong quá trình các địa phương duy trì và nâng cao chất lượng. Nhiều báo cáo vẫn mang tính hình thức, số liệu chưa đủ độ tin cậy; chưa ràng buộc trách nhiệm thẩm tra, chịu trách nhiệm của Sở TN-MT đối với Bộ TN-MT. Tiêu chí công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới chưa được đánh giá đầy đủ, chỉ áp dụng theo phương pháp cộng dồn các xã đạt chuẩn… (Bà Nguyễn Hoàng Ánh- Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm Tổng cục Môi trường) |
Trần Duy Hưng
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.