Thứ Hai, 22/04/2024 | 08:33

Một trong những nguyên nhân rất quan trọng gây ốm vặt mà ít người biết đó là mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột.

Áp lực cuộc sống với những lo lắng mưu sinh trong bối cảnh kinh tế đang dần phục hồi sau đại dịch covid 19 là một thách thức lớn đối với người dân và xã hội, vì vậy việc duy trì một cơ thể và tinh thần khỏe mạnh không phải là điều dễ dàng. Trong các căn bệnh, ốm vặt là một trong những vấn đề được chú ý và quan tâm trong thời hiện đại.

Ốm vặt là chứng bệnh thường thấy ở bất cứ ai trong cuộc sống hàng ngày. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng khiến chủ nhân mệt mỏi, khó chịu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.

Theo chuyên gia, người trưởng thành và trẻ em đều có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe như ốm vặt. Nguyên nhân gây ra tình trạng ốm vặt ở người trưởng thành gồm thiếu ngủ, lo lắng, stress thường xuyên, ăn uống thiếu chất, sử dụng chất kích thích…Tuy nhiên một nguyên nhân rất quan trọng gây ốm vặt mà ít người biết đó là mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột.

Hệ vi khuẩn đường ruột là một phần rất quan trọng trong cơ thể con người. Hệ vi khuẩn đường ruột có vai trò tổng hợp các loại vitamin cần thiết cho cơ thể như B1, B3, acid folic và acid béo chuỗi ngắn. Do đó khi mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột sẽ dẫn đến đau ốm và nhiều bệnh lý cho cơ thể trong đó có ốm vặt.

Ốm vặt được hiểu là tình trạng hầu như tháng nào cũng ốm và thường xuyên phải sử dụng thuốc. Các bệnh ốm vặt thường có thể kể đến như: viêm họng, ho, sốt, cảm cúm, tiêu chảy…

Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột dẫn đến tăng số lượng vi khuẩn có hại hoặc đường ruột bị nhiễm virus, tế bào T sẽ dễ bị “nhầm lẫn” và tấn công sai vào các tế bào khỏe mạnh khác trong đường ruột dẫn đến ốm vặt.

Để không bị ốm vặt gây ảnh hưởng đến cuộc sống cần áp dụng những thói quen khoa học bảo vệ đường ruột dưới đây:

– Đảm bảo thời gian ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm: Điều này khiến lợi khuẩn đường ruột chiếm ưu thế giúp hệ miễn dịch luôn khoẻ mạnh. Lợi khuẩn giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn và cho phép hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Vi khuẩn tốt có thể sản xuất enzyme hoặc protein ức chế, hoặc thậm chí tiêu diệt vi khuẩn có hại. Các chủng men vi sinh cụ thể cũng kích thích hệ thống miễn dịch.

– Đi ngủ trước 22h: Cơ thể con người hoạt động theo nhịp sinh học, vi khuẩn của chúng ta cũng vậy. Khoảng 22 giờ là thời điểm tốt để bắt đầu giấc ngủ sau một ngày dài làm việc, học tập. Cần tạo thói quen khoa học, đi ngủ đúng giờ. Trong những trường hợp đột xuất hoặc có việc cần phải hoàn thành cố gắng đi ngủ không muộn quá sau 23h.

– Tập thể dục: Theo các chuyên gia việc duy trì tập thể dục hàng ngày ở cường độ vừa phải đến cường độ cao (tuỳ theo độ tuổi, sức khoẻ) trong thời gian từ 30 đến 90 phút ít nhất ba lần/tuần trong 8 tuần có thể thay đổi hệ vi sinh vật ở người khỏe mạnh và những người có vấn đề về sức khỏe.

– Tăng thời gian vận động như đi bộ, giảm thời gian tĩnh tại như ngồi/đứng tại chỗ. Rất nhiều kết quả khoa học đã chứng minh những người dành thời gian đi lại tích cực như đi bộ hoặc đạp xe có nhiều vi sinh vật đường ruột có lợi hơn. Những người này thường có một tinh thần tích cực, năng động và hoạt bát.

– Giảm stress: Stress làm tăng vi sinh vật có hại và suy giảm miễn dịch. Stress gây ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn do thay đổi môi trường pH của đường tiêu hóa, gây mất cân bằng vi khuẩn đường ruột. Stress cũng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh tiêu hóa bao gồm: hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh viêm ruột (IBD), loét dạ dày, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

– Sử dụng kháng sinh một cách khoa học: Thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn có hại và cả vi khuẩn có lợi. Do đó chỉ nên dùng thuốc kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.

– Hạn chế rượu bia: Rượu bia khiến hệ vi sinh vật đường ruột phát triển theo hướng có hại. Do đó để bảo vệ đường ruột tránh bị ốm vặt phái mạnh nên hạn chế hoặc bỏ rượu bia.

– Bổ sung đủ vitamin B12: Vitamin B12 có nhiều trong cá hồi, cá ngừ, thịt bò, sữa chua và ngũ cốc. Do đó hãy đảm bảo đủ lượng vitamin B12 cần thiết nhất là đối với những người cần ăn chay.

– Uống đủ nước: Lượng nước cần thiết cho một người trung bình khoảng 2 lít/ngày. Lượng nước tăng hoặc giảm tùy thuộc vào chế độ sinh hoạt của mỗi người. Mất nước dễ gây viêm nhiễm và ảnh hưởng đến sức khoẻ tổng thể. Vì vậy uống đủ lượng nước giúp cơ thể luôn khoẻ mạnh tránh bị cảm cúm, bệnh theo mùa…ghé thăm.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

Vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng mức độ nghiêm trọng của đột quỵ

Cách cân bằng hệ vi sinh đường ruột ở người cao tuổi

Cân bằng hệ vi sinh đường ruột giúp kiểm soát huyết áp

Mối liên hệ giữa vi khuẩn đường ruột và đột quỵ

Mối liên hệ giữa hệ vi sinh đường ruột và bệnh tự kỷ

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook