Thứ Ba, 05/12/2023 | 19:44

Nhóm nhà khoa học tại TP HCM chiết saponin và các dược chất trong củ tam thất bào chế thành dạng cao lỏng giúp khống chế khối u, hỗ trợ điều trị ung thư phổi, vú.

TS. Lê Thị Hồng Vân, Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn cho biết tại Việt Nam, sản phẩm từ tam thất hỗ trợ điều trị ung thư còn khá hạn chế. Đa số các sản phẩm được bào chế từ tam thất ở dạng bột tam thất, hoặc viên nén, viên nang… mà chưa có dạng cao lỏng (hấp thu tốt hơn khi sử dụng). Từ những hạn chế này TS. Lê Thị Hồng Vân và nhóm cộng sự tại Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn đã bắt tay vào nghiên cứu “Sản phẩm cao lỏng tam thất có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư từ dược liệu tam thất”

Nghiên cứu mới cao lỏng chiết từ tam thất hỗ trợ điều trị ung thư
Nghiên cứu mới cao lỏng chiết từ tam thất hỗ trợ điều trị ung thư

Từ năm 1970, Việt Nam bắt đầu nhập trồng các dòng tam thất ở các tỉnh phía Bắc như Sapa, Lào Cai, Lai Châu. Đặc biệt gần đây, với các dự án chuyển đổi kinh tế cây trồng, khu vực tỉnh Hà Giang và Lào Cai đã phát triển vùng trồng tam thất với diện tích rất lớn.

Tam thất có tên khoa học Panax notoginseng là một dạng nhân sâm phân bố chủ yếu tại Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai… sản lượng ước tính 15 – 20 tấn mỗi năm. Theo TS Vân, tam thất có chứa chất saponin và khoảng 20 axit amin, trong đó có 6 axit amin thiết yếu có thể kháng, ức chế tăng sinh tế một số tế bào ung thư phổi, ruột, gan, tụy, vú, trực tràng… Hơn 30 nguồn tam thất ở các vùng trồng khác nhau được nhóm nghiên cứu thu thập, đánh giá hàm lượng saponin và các hoạt tính kháng ung thư. Tam thất được chọn đưa vào hấp hơi và chiết bằng dung môi cồn ở nồng độ 80% trong 3 giờ với tỷ lệ tối ưu để cho ra sản phẩm cao với hàm lượng saponin tốt nhất. Sản phẩm là cao tam thất dạng lỏng chứa 88,3 mg saponin, có khả năng hấp thu vào cơ thể nhanh hơn so với dạng viên đang có trên thị trường. Ngoài ra, tam thất có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, làm ngưng chảy máu, bồi bổ, tăng lực. Củ tam thất có khả năng sinh trưởng mạnh, nên khi cây đủ 3 – 4 năm có thể thu hoạch. Tam thất bán trên thị trường chủ yếu dạng bột, viên nang.

Nhóm đã xây dựng quy trình sản xuất cao tam thất dạng lỏng và dạng đặc hỗ trợ điều trị bệnh nhân ung thư với dược tính cao. Do tam thất có vị đắng đặc trưng, nhóm nghiên cứu tạo chất điều vị với quả táo đỏ với vị ngọt để giúp người sử dụng dễ uống hơn.

Nhóm nghiên cứu thử nghiệm trên chuột trong 3 – 6 tháng để đánh giá khả năng kháng khối u của cao tam thất. Chuột được gây ung thư bằng DMBA có thể tạo khối u trên da và nội tạng. Kết quả cho thấy, cao tam thất khống chế kích thước khối u trên da chuột. Điều này khiến khối u phát triển chậm hơn so với nhóm chuột không sử dụng. Cao tam thất cũng làm hoại tử tế bào ung thư với các khối u ở phổi. Trong đó, cao đặc tác động hoại tử tế bào ung thư phổi tốt hơn so với cao lỏng. Tác động này tăng lên khi phối hợp giữa cao đặc tam thất với chất paclitaxel.

Nghiên cứu mới cao lỏng chiết từ tam thất hỗ trợ điều trị ung thư

Tam thất có nhiều tác dụng dược lý đặc trưng như tăng lực, chống trầm cảm, tăng sinh thích nghi, tác dụng chống ôxy hóa. Nghiên cứu cho thấy tam thất còn có tác dụng kích thích miễn dịch, rút ngắn thời gian đông máu. Đặc biệt các nhà khoa học đã chứng minh rằng tam thất còn làm hạn chế sự di căn của tế bào ung thư và kéo dài thời gian sống ở chuột bị ung thư.

Trên thực tế, tam thất có giá trị không kém nhân sâm do có hàm lượng saponin cao hơn gấp đôi, đồng thời có một số tác dụng đặc biệt mà nhân sâm không có, ngoài ra giá thành lại rẻ hơn so với nhân sâm Hàn Quốc.

Một số công ty dược phẩm đã chế biến các sản phẩm từ tam thất như sản phẩm viên nang, viên nén có kết hợp với một số dược liệu như nghệ, đan sâm dùng hỗ trợ điều trị các chứng đau thắt ngực, bệnh xơ vữa mạch vành… Theo TS Vân, đây là những kết quả bước đầu về dược lý cơ bản của cao tam thất khống chế tế bào ung thư. Cần có nghiên cứu sâu hơn và đầu tư giai đoạn tiếp theo để thử nghiệm trên người.

Yhocvn.net (theo CESTI)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook