Thứ Sáu, 22/03/2019 | 09:38

Vật lý trị liệu là liệu pháp tốt nhất để phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người sau các cơn đột quỵ do tai biến mạch máu não v.v…Phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị liệt nửa người giúp bệnh nhân giảm các cơn co cứng ở chân tay, thân mình, phòng ngừa các biến chứng và thương tật thứ cấp như loét, nhiễm trùng hô hấp. Giúp bệnh nhân sớm hồi phục các cử động, phục hồi chức năng vận động sớm hòa nhập với cuộc sống.

Dưới đây là một số bài tập hạn chế co cứng để bệnh nhân dần vận động nhẹ nhàng được tay chân bên liệt với sự trợ giúp của các kỹ thuật viên. Tùy theo tình trạng thực tế và mức độ phục hồi của bệnh nhân mà người tập lựa chọn và sử dụng các bài tập phù hợp.

Bài tập 1: Bài tập hai bàn tay, các ngón tay

Khi tập vận động chung hoặc tập tay liệt có sự hỗ trợ của tay lành, kỹ thuật viên hướng dẫn bệnh nhân cài các ngón tay hai bên vào nhau, tốt nhất là ngón tay cái bên liệt luôn ở bên ngoài ngón tay cái bên lành.

 Hoặc bệnh nhân dùng bàn tay bên lành nắm giữ cổ tay bên liệt, ngón tay cái ở phía trước, các ngón khác ở phía sau, giữ cho khớp cổ tay bên liệt ở vị thế trung gian như trong hình vẽ.

Với động tác này thì tay lành của bệnh nhân sẽ ‘hướng dẫn’ chỉ đạo tay liệt dần thực hiện được các động tác đơn giản.

Bài tập 2. Bài tập ức chế co cứng chân và tay

Trước khi thực hiện bất kỳ bài tập vận động nào, ở tư thế nào, nếu người bệnh có co cứng thì việc đầu tiên của người tập là phải làm giảm co cứng bằng cách sử dụng các kỹ thuật vị thế, kỹ thuật phá vỡ mẫu co cứng và hoặc kỹ thuật ức chế co cứng.

– Ức chế co cứng toàn thân: bệnh nhân nằm ngửa, hai gối gấp, kỹ thuật viên hướng dẫn bệnh nhân ngả hai gối về phía bên lành đến mức tối đa và giữ nguyên vị trí như vậy trong một vài phút rồi trở về vị trí ban đầu.

– Hoặc bệnh nhân nằm ngửa, hai chân gấp, hai tay cài các ngón vào nhau vòng qua gối, kéo hai gối về phía ngực, đồng thời nâng đầu, vai và thân mình phía trên lên khỏi mặt giường, giữ như vậy vài phút rồi trở lại vị trí ban đầu.

– Ức chế co cứng ở tay: người tập thực hiện động tác vận động ngược lại với mẫu co cứng ở cẳng tay, cổ tay và các ngón tay của bệnh nhân. Cụ thể là làm xoay ngửa cẳng tay, làm gấp khớp cổ tay về phía mu, làm duỗi, dạng ngón tay cái và các ngón khác.

 Bài tập 3: Tập lăn sang bên liệt

Bệnh nhân tập lăn từ nằm ngửa sang nằm nghiêng về phía bên liệt

Tập lăn trở để thay đổi tư thế khi nằm là bài tập vận động sớm nhất đối với bệnh nhân liệt nửa người do tai biến mạch máu não trong chương trình phục hồi chức năng.

– Người tập đứng về phía bên liệt, hướng dẫn bệnh nhân nằm ngửa; nâng đầu, chân và tay lành lên, đưa sang phía bên liệt và lăn người sang theo.

– Người tập giúp bệnh nhân dạng khớp vai, xoay khớp háng bên liệt ra ngoài khi chân và tay lành đưa sang.

 – Bệnh nhân có thể tự tập bằng cách nâng đầu, chân và tay lành lên. Sau đó quay đầu, đưa chân, tay lành sang phía bên liệt và lăn người sang theo, đồng thời xoay chân liệt ra ngoài khi chân và tay lành đưa sang.

Bài tập 4: Tập lăn về bên lành

Bệnh nhân tập lăn từ nằm ngửa sang nằm nghiêng về phía bên lành

– Bệnh nhân nằm ngửa, hai chân gấp, lòng bàn chân sát trên mặt giường, hai tay cài các ngón vào nhau, duỗi thẳng ra trước.

– Người tập đứng về phía bên không liệt của bệnh nhân giúp hoặc hướng dẫn bệnh nhân giữ hai tay duỗi thẳng, hai chân gấp.

 – Hướng dẫn hoặc giúp bệnh nhân nâng đầu, vai và thân mình phía trên lên khỏi mặt giường rồi quay mặt sang phía bên lành, dùng tay lành đưa tay liệt và xoay phần thân mình phía trên về phía bên lành.

– Đồng thời bệnh nhân nghiêng hai chân về phía bên lành và cùng xoay phần thân mình còn lại sang theo.

– Sau đó kê đỡ bệnh nhân ở vị thế nằm nghiêng về phía bên lành theo mẫu phục hồi như đã mô tả ở trên.           

Bài tập 5: Tập vận động vai tay bên liệt có sự trợ giúp của tay lành

Tập vận động vai tay bên liệt có sự hỗ trợ của tay lành là một trong các bài tập vận động sớm nhất cần được thực hiện cùng với kĩ thuật vị thế để phòng ngừa các thương tật thứ cấp, các biến chứng và di chứng rất hay gặp của khớp vai đặc biệt là đau vai, và hội chứng vai tay.

– Để ức chế co cứng gấp của đai vai và tay, người tập hướng dẫn bệnh nhân nằm sấp trên giường hoặc trên đệm, hai tay duỗi thẳng dọc theo thân mình, lòng bàn tay hướng lên trên, sau đó tập duỗi khớp vai nâng hai tay lên khỏi mặt giường càng cao càng tốt.

– Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc trên đệm tập, hai chân gấp, duỗi hoặc bắt chéo nhau.

– Người tập hướng dẫn bệnh nhân cài các ngón tay hai bên vào nhau, duỗi thẳng hai tay ra trước, đưa lên phía đầu càng nhiều càng tốt cho đến khi hai bàn tay sát trên mặt giường.

Giữ hai tay ở vị trí đó trong vài chục giây rồi đưa trở lại vị trí xuất phát ban đầu, sau đó tập lại như trước.

Lưu ý:

Người bị liệt luôn giữ khớp khuỷu và cổ tay hai bên duỗi trong khi tập vài giây và cố gắng nâng dần thời gian để hạn chế co cứng, phục hồi dẫn các chức năng.

Người bị liệt nên cố gắng sử dụng bên liệt trong các động tác sinh hoạt hàng ngày để hạn chế các biến chứng do bất động.

Yhocvn.net (Trích theo Vatlytrilieuhcm)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook