Tối 1/9 điện thoại tổng đài cấp cứu 115 TP HCM reo liên tục, một người gặp tai nạn giao thông tại đại lộ Võ Văn Kiệt, ê kíp y bác sĩ trực cấp cứu đã sẵn sàng.
Vội lùa hộp cơm cho đầy bụng, kíp trực gồm một bác sĩ, 2 điều dưỡng vội vàng xách hai va li thuốc, dụng cụ y tế, máy sốc điện trong vòng 3 phút sau khi nhận cuộc gọi đã xuất bến. Chiếc xe 115 hú còi liên tục băng qua những tuyến đường, chen chúc giữa dòng xe đông nghịt của buổi chiều nhiều người vội về quê nghỉ lễ, 15 phút sau có mặt tại hiện trường tai nạn. Nạn nhân là một thanh niên 28 tuổi, tự gây tai nạn trong trạng thái say xỉn bị rách mũi, chấn thương vùng đầu, trạng thái không tỉnh táo. Ngay lập tức nhân viên y tế kiểm tra tình trạng nạn nhân, dùng thuốc sát trùng vết thương, băng bó, đồng thời hỏi địa chỉ nhà nạn nhân liên hệ người thân. Chẩn đoán lâm sàng, vết thương, mức độ nhận biết nạn nhân, ê kíp cấp cứu đưa người bị nạn về Bệnh viện 115 bàn giao cho bệnh viện.
Cấp cứu một nạn nhân bị tai nạn ở đường Võ Văn Kiệt, TP HCM. Ảnh: H.N. |
Cứ ngỡ chiếc xe vừa trở về trung tâm mọi người sẽ được nghỉ xả hơi trong khi cả 3 kíp trực khác đã rời bến đi làm nhiệm vụ, thì nhận tiếp một cuộc điện thoại cấp cứu nên lại vội lên đường. Lần này một ca khác liên quan đến tai nạn giao thông. Đồng hồ điểm ở 23h45, chiếc xe rời bến sau 15 phút có mặt tại hiện trường tai nạn (Hương Lộ 3, quận Bình Tân, TP HCM) cách trung tâm khoảng 17 km. Giữa màn đêm tiếng còi hú như xé toang cả sự tĩnh lặng, đánh thức các tuyến phố. Trên khuôn mặt các nhân viên lộ vẻ mệt nhoài, sắc mặt nhợt nhạt vì thiếu ngủ, đôi mắt thâm quầng. Từ sáng đến chiều 1/9 họ đã trải qua 19 ca cấp cứu, chạy lòng vòng khắp Sài Gòn.
Tiếp cận hiện trường, một thanh niên khoảng 18 tuổi bị tai nạn trong trạng thái đau đớn kêu la quằn quại. Cô điều dưỡng bình tĩnh động viên: “Anh đừng la nữa mất sức, nằm im em sẽ cấp cứu không đau đâu”. Cô thao tác nhanh, đo huyết áp, đánh giá tình hình bệnh lý, các nhân viên giữ chặt nạn nhân tìm ven trong đêm tối để truyền dịch. Chưa đầy 2 phút sau chàng thanh niên nằm im trên băng ca chuyển về bệnh viện.
Bàn giao bệnh nhân cho bệnh viện xong thì đồng hồ đã 1h sáng 2/9. Kíp trực ai cũng mệt nhoài. Họ được nghỉ ngơi chợp mắt, một đội khác lên đường làm nhiệm vụ trực chiến cho nhiệm vụ bắn pháo hoa dịp lễ đến sáng mới trở về Trung tâm cấp cứu 115.
Một nạn nhân sau khi sơ cứu tại chỗ được đưa lên xe cấp cứu để chuyển về bệnh viện. Ảnh: H.N. |
Nói là nghỉ ngơi, hơn chục nhân viên chỉ ngủ “nửa con mắt”, đặt lưng xuống chỉ để ngay lưng hồi sức cho những cuộc chạy đua khác. Bộ phận trực tổng đài viên thì phải thức 24/24. Trung tâm cấp cứu 115 có thể nói là “đầu não” chỉ huy toàn bộ lực lượng cấp cứu toàn thành phố. Trung tâm có nhiệm vụ nhận tin cấp cứu, phân loại bệnh, chia khu vực cho các trạm vệ tinh cấp cứu nhịp nhàng.
3h sáng, cuộc gọi từ một gia đình khẩn thiết nhờ trung tâm cấp cứu cho cụ bà 98 tuổi. Tiếng chuông reng ở “bộ chỉ huy” như đánh thức tất cả. Bác sĩ chỉ kịp ngáp ngắn ngáp dài vài cái rồi mặc áo và lên đường. Đến nơi bác sĩ bình tĩnh xử lý, đo điện tim cho cụ bà 98 tuổi bị tai biến. Nhìn con cháu cụ đang hy vọng từ ánh mắt, bác sĩ biết bà cụ không qua khỏi vì đã ngưng tim ngưng thở từ rất lâu song vẫn phải làm nhiệm vụ khám chữa của mình để người thân cụ toại nguyện.
Máy đo điện tim vẫn khởi động tìm mạch bà cụ dù chỉ là một tia hy vọng. Tờ giấy kết quả điện tim báo hiệu một đường thẳng. Bác sĩ an ủi: “Thật sự bà đã đi cách đây một tiếng đồng hồ, rất tiếc. Người nhà hãy để cụ nằm thẳng đầu lại để cụ ra đi nhẹ nhàng”.
Chào tạm biệt gia đình bà cụ, bác sĩ lộ rõ sự tiếc nuối, dường như có những giới hạn quy luật sinh, lão, bệnh, tử, không thể cưỡng lại. Tuy nhiên, làm nghề giành giật sự sống với tử thần, cả ê kíp vẫn có chút gì đó gợn trong lòng.
Chiếc xe cấp cứu không còn hú còi, lặng lẽ trở về trung tâm. Lúc này trời bắt đầu sáng, đồng hồ điểm 4h. Trong căn phòng trực ánh đèn vẫn sáng, hai nhân viên tổng đài vẫn miệt mài trực. Họ chuẩn bị giao ca cho một ê kíp khác trực cấp cứu cho ngày mới. Đoàn xe trực chiến cấp cứu cho sự kiện bắn pháo hoa kỷ niệm ngày thống nhất 2/9, từ hầm Thủ Thiêm cũng kịp trở về.
Cứ như vậy những đêm trắng xoay vòng liên tục ở trung tâm cấp cứu ngoại viện 115 TP HCM.
Hoài Nhơn
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.