Thứ Ba, 06/09/2016 | 14:45

Loài kiến ba khoang có độc tố tiết ra khi bám vào da hoặc bị đập chết trên vùng da kiến đậu gây ra các loại bệnh viêm da tiếp xúc.

Đại cương:

– Paedérus là một côn trùng thuộc họ Staphylinidae. Loại thường gặp là P.literalis, P.fuscipes… Paedérus thoạt nhìn như con kiến mình dài thanh 7-10 mm. Nhân dân thường gọi côn trùng này bằng nhiều tên kiến khoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong đít… Đầu nhỏ có râu nhọn hoặc hình bầu dục cong về phía trước.

Mình mang 3 đôi chân. Bụng có 8 đốt dẻo, một số đốt có mầu đỏ hung, một số đốt có mầu đen. Trên mình có cánh rất ngắn chỉ che được 3-5 đốt bụng, hai cánh cứng ở trên, hai cánh lụa ở dưới. Paedérus chạy và bay rất nhanh, khi chạy cong đít lên như đít bọ cạp. Côn trùng sống bằng chất huỷ biến của thực vật, động vật, hoặc ăn các côn trùng nhỏ, các xác chết súc vật, phân.

Chúng sống ở chỗ có phân rác, cỏ mục, rìa đầm lầy, dưới đống gạch, trong vỏ cây nứt nẻ, đôi khi trong cả tổ chim, tổ mối.

Kiến ba khoang thường ẩn náu ở bờ ruộng, dưới những đống vật liệu dư thừa, quanh gốc rạ, bãi cỏ, bụi cây, ruộng rau, những nơi đang xây dựng dở dang, những bãi rác thải. Sau những cơn mưa bị ngập nước không còn nơi cư trú, chúng bay vào trong nhà theo ánh đèn đậu vào khăn mặt, quần áo, giường chiếu chăn màn… Khi da người tiếp xúc vào chất tiết của chúng qua những vật dụng đó hoặc vô ý đập làm cho côn trùng chết trên da thì sẽ xuất hiện bệnh ngay tại vùng đó.

– Paedérus sống ở quanh làng, quanh các vị trí đóng quân, trong các đống rác trôi lềnh bềnh trên mặt ruộng, mặt sông. Từ các vị trí đó chúng có thể bay vào trong nhà, phòng làm việc nhất là khi trong phòng có ánh sáng, gây nên bệnh viêm da tiếp xúc cho những người va chạm vào nó.

Pavan đã chiết xuất từ côn trùng một chất gọi là Pederin. Chất này khi bôi lên da chuột bạch gây phản ứng viêm mạch, bôi lên da người gây viêm da phỏng nước.

Theo một số tác giả dân sống ở vùng châu thổ sông Vônga thường bị viêm da do Paedérus.

Một báo cáo khác thông báo có một vụ dịch viêm da phỏng nước do paedérus xảy ra vào mùa hè năm 1958- 1959 ở Achentina (A. Conders).

Tháng 5 – 1960 Nguyễn Sỹ Quốc và cộng sự báo cáo có một vụ dịch viêm da phỏng nước gồm 31 bệnh nhân có lâm sàng tương tự như viêm da phỏng nước do paedérus. Chúng tôi cho rằng đó cũng có thể là một vụ dịch do paedérus.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Triệu chứng lâm sàng:

Bệnh thường xẩy ra vào mùa hè, vì mưa làm ngập ruộng các côn trùng bay theo ánh đèn vào các nhà bên cạnh đồng ruộng. Đại đa số các bệnh nhân(78,14%) là những người làm việc dưới ánh đèn, và phần lớn trong số họ đều phát hiện triệu chứng lâm sàng đầu tiên vào buổi sáng.

Vị trí tổn thương chủ yếu ở phần hở, mặt, cổ hai cẳng tay, 1/2 trên thân mình. Nhưng cũng có trường hợp thấy cả ở vùng kín như nách, quanh thắt lưng, bẹn, đùi.

Tổn thương cơ bản 100% có biểu hiện bằng các đám đỏ, nền hơi cộm, có các mụn nước và phỏng nước, ở giữa có một vùng hơi lõm thậm chí hoại tử kéo dài thành vệt dài 3- 10 cm gợi ý có hình một vật gì (đó là vết miết của các ngón tay bệnh nhân). 100% có cảm giác nóng bỏng tại chỗ. Toàn trạng bệnh nhân có cảm giác ngây ngấy sốt khó chịu mệt mỏi có thể nổi hạch vùng tương ứng. Một số trường hợp phù nề hai mi mắt. Hoặc có tổn thương viêm da (đỏ phù nề nhẹ) ở các vùng da kín khác do bệnh nhân gãi, miết những độc tố của côn trùng vào vùng da đó. Sau một vài ngày có thể có nhiễm khuẩn thứ phát gây phỏng mủ, có vẩy tiết.

Tổn thương như vậy tiến triển từ 3-7 ngày thì đóng vẩy tiết khô và rụng dần để lại đám da sẫm màu, toàn bộ đợt tiến triển kéo dài 5- 20 ngày.

Có một số ít bệnh nhân chỉ nổi một đám da đỏ lấm tấm mụn nước hơi ngứa, tổn thương mất đi sau 3-5 ngày, không thành phỏng nư ớc phỏng mủ.

Trong một mùa mưa bệnh nhân bị đi bị lại 3-4 lần.

Cận lâm sàng không có biến đổi gì đặc biệt trừ khi có nhiễm khuẩn. Mô bệnh học chỉ là một viêm da không đặc hiệu.

Chẩn đoán phân biệt với viêm da do các căn nguyên khác (hoá chất, sơn, cây cỏ…), hoặc giai đoạn đầu của bệnh Zona.

Điều trị và dự phòng.

Điều trị tại chỗ: dùng các dung dịch dịu da: kem kẽm, hồ nước, dung dịch Yarit bôi ngày 2- 3 lần. Dùng các dung dịch sát khuẩn, mỡ kháng sinh khi có nhiễm khuẩn.

Toàn thân dùng thuốc kháng histamin tổng hợp, hoặc thuốc kháng sinh khi có nhiễm khuẩn.

Dự phòng:

– Khi làm việc dưới ánh đèn chú ý tránh phản xạ đập miết khi có cảm giác côn trùng rơi vào cổ vào mặt hoặc dùng các lưới mắt nhỏ che cửa sổ tránh côn trùng bay vào nhà.

– Mọi người nên vệ sinh thường xuyên nhà cửa; buổi tối nên đóng các cửa kính để côn trùng không bay vào nhà; đi ngoài đường nên mặc áo dài tay. Khi không may bị kiến ba khoang đậu vào nên thổi nhẹ để kiến bay đi, sau đó rửa vùng da có côn trùng và kiến ba khoang đậu bằng nước mát. Nếu thấy vùng da đó viêm rộp lên cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để bác sĩ khám, chẩn đoán bệnh chính xác và cho thuốc điều trị nhanh khỏi, tránh nhầm sang bệnh khác cũng có nốt rộp phồng trên da.

– Khi rửa mặt, tắm giặt cần giặt sạch khăn mặt hoặc giũ quần áo trước khi mặc tránh sát miết côn trùng lên da.

– Khi bắt đầu thấy rát ở vùng da nào đó có thể chấm dung dịch nước muối, nước vôi để ngăn không nổi thành phỏng nước phỏng mủ.

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook