Thứ Ba, 09/07/2024 | 13:57

Bạch biến là một căn bệnh về da liễu khiến các tế bào sắc tố da bị phá hủy từ đó làm thay đổi màu da. Bệnh biểu hiện bởi những dát, mảng giảm sắc tố so với vùng da xung quanh không ngứa, không đóng vảy, không lây tuy nhiên gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý của người bệnh. Quá trình nghiên cứu các chuyên gia phát hiện bệnh bạch biến và đường ruột có mối hệ mật thiết với nhau.

Đối tượng mắc bệnh

– Bệnh bạch biến có thể gặp mọi lứa tuổi đối với cả hai giới. Số bệnh nhân phân bố nhiều ở các nước vùng nhiệt đới và ở những chủng người da màu.

– Việt nam chưa có thống kê số liệu mắc bệnh bạch biến, tuy nhiên lứa tuổi thường gặp nhất từ 10-30, hơn 50% xảy ra trước 20 tuổi và có thể gặp ở trẻ em.

Triệu chứng bệnh bạch biến

– Xuất hiện những dát, mảng trắng, giới hạn rõ, mất sắc tố da so với những vùng da xung quanh do các tế bào sắc tố da ở đó đã không còn hoặc ngưng hoạt động.

– Vị trí xuất hiện của các mảng bạch biến là những vùng hở, phơi nhiễm với ánh sáng mặt trời như tay, chân, mặt, môi.

– Da trên đám bạch biến bình thường, không bị teo, không đóng vảy, cảm giác trên da không biến đổi, không đau ngứa, không tê dại. Lông trên đám bạch biến bị trắng.

Bệnh bạch biến & các bệnh lý đi kèm

Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có số liệu nghiên cứu chính xác về tỷ lệ mắc bệnh bạch biến tại Việt Nam.  Bệnh có tính chất gia đình trong khoảng 30% các trường hợp. Hầu hết bệnh nhân đều khỏe mạnh tuy nhiên có kết hợp với các bệnh lý tự miễn khác như bệnh tuyến giáp, đái tháo đường, thiếu máu, thiểu sản tủy.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên một trong những nguyên nhân chính là việc giảm số lượng và chất lượng của các tế bào sắc tố da ở vùng da bị bệnh.

Một vài giả thuyết khác cho rằng bạch biến có thể do ảnh hưởng của bệnh tự miễn hoặc có thể do di truyền, liên quan đột biến ở gen DR4, B13 hoặc BW35 của HLA.

Theo thống kê, khoảng 15 đến 25% bệnh nhân bạch biến mắc ít nhất một bệnh tự miễn đồng thời khác như các bệnh tuyến giáp tự miễn, viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường type 1, vảy nến, thiếu máu ác tính, bệnh Addision, lupus ban đỏ hệ thống, bệnh celiac, bệnh Crohn, hoặc viêm loét đại tràng…Kết quả trên chính là lăng kính để các bác sĩ chẩn đoán, điều trị bệnh bạch biến thông qua các căn bệnh trong đó có các bệnh liên quan đến đường tiêu hoá.

Celiac là một bệnh qua trung gian miễn dịch ở những người nhạy cảm về mặt di truyền do không dung nạp gluten, dẫn đến viêm niêm mạc và teo nhung mao, gây phản ứng hấp thu. Các triệu chứng thường gặp bao gồm tiêu chảy và khó chịu ở bụng.

Crohn là một loại bệnh viêm ruột xuyên thành mạn tính thường ảnh hưởng đến đoạn xa của hồi tràng và ruột kết nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa. Triệu chứng bao gồm tiêu chảy, đau bụng. Áp xe, rò trong, ngoài có thể phát sinh.

Bệnh bạch biến rất khó để dự đoán được tiến triển của bệnh. Đôi khi các mảng bạch biến sẽ tự khu trú mà không cần điều trị. Hầu hết các trường hợp, các mảng da mất sắc tố sẽ lan rộng, bệnh tiến triển mạn tính, có đợt nặng lên, thường nặng lên vào mùa hè, giảm vào mùa đông. Bệnh nhân càng trẻ, tiên lượng càng tốt và có hy vọng khỏi bệnh nhiều hơn. Ngược lại, bệnh nhân lớn tuổi, thời gian mắc bệnh càng kéo dài, kết quả đáp ứng điều trị càng kém đi. Do đó khi thấy xuất hiện các triệu chứng khác lạ trên da đi kèm với các bệnh về đường ruột như bệnh celiac, bệnh Crohn, hoặc viêm loét đại tràng…cần đi khám chuyên khoa để xác định chính xác bệnh và điều trị kịp thời.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

Chế độ ăn và các bài tập cho bệnh nhân viêm đại tràng

Bí quyết tăng cường lợi khuẩn cho hệ vi sinh vật đường ruột

Hệ vi sinh đường ruột và bệnh viêm ruột (IBD)

Dấu hiệu cảnh báo hệ vi sinh đường ruột gặp vấn đề

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook