Nhiều ngày nay, không ít người dân thủ đô đau đầu vì kiến ba khoang lộng hành, ồ ạt tấn công…
Nhiều người dân bị kiến cắn… nhập viện
Trong một tuần trở lại đây, tại bệnh viện da liễu Hà Nội ghi nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện vì vết thương do kiến ba khoang gây ra.
Kiến ba khoang xuất hiện đầy trong nhà và hoành hành tại nhiều hộ dân khiến không ít người mất ăn, mất ngủ.
Kiến không chỉ xuất hiện ở những nhà dân thấp, chật hẹp mà ngay cả nhà cao tầng, khu chung cư cũng xuất hiện đầy loại côn trùng này. Người dân tỏ ra hoang mang không biết kiến từ đâu bay tới.
Hầu hết, cứ chập tối thì những đàn kiến ba khoang ồ ạt kéo vào trong nhà. Dù nhiều người cảnh giác, đề phòng, đóng cửa sớm… đám côn trùng này vẫn xuất hiện đầy trong nhà. Chúng bò lổm ngổm khắp nhà, từ phòng khách đến phòng ngủ hay khu bếp nấu…
Vết thương do kiến ba khoang gây raChị Trang Phạm (trú tại chung cư CT2, Nam Xa La, Hà Đông) tỏ ra hốt hoảng khi không biết kiến ba khoang ở đâu bỗng xuất hiện đầy nhà.
Chị Ngọc (ở phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) hoang mang khi trong những ngày này, kiến ba khoang thường bay vào nhà khi trời tối, số lượng lên tới cả chục con.
Anh Hải (ở khu chung cư P3 Phương Liệt, Thanh Xuân) trong những ngày gần đây cứ đến tối là phải lo lắng, tất bật diệt kiến. Anh cho biết, anh giết chết được khoảng 20 con kiến ba khoang mỗi tối.
Nhiều người gồm cả người trưởng thành bị thương, ngứa ran, da sưng đỏ, phồng rộp, viêm da… vì tiếp xúc với kiến ba khoang. Thậm chí không ít người nhầm lẫn tưởng mình bị zola (vì triệu chứng gần tương tự) nên đã tự ý đi mua thuốc về bôi dẫn đến vết thương không được chữa đúng cách càng trở nên nghiêm trọng.
Người lớn cũng khổ sở vì bị kiến ba khoang đốt nên càng nảy sinh lo lắng cho người già, trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh trong nhà trước sự xâm nhập khó tránh của kiến ba khoang.
Đặc điểm của kiến ba khoang
Khác với loài kiến đỏ, kiến gió (kiến đen)… thường thấy, kiến ba khoang thường xuất hiện phụ thuộc vào sự thay đổi thời tiết, thông thường chúng xuất hiện nhiều sau khi trời đổ mưa. Vì vậy, trong những ngày mưa, thời tiết u ám, ẩm ướt… loại côn trùng này có thể bò khỏi tổ nhiều và bay vào trong nhà dân trú ngụ.
Kiến ba khoangLoại kiến này có thân mình thon, dài như hạt thóc. Chúng có kích thước lớn hơn nhiều so với loại kiến đỏ, kiên gió, thường có 2 màu đen và vàng trên cơ thể. Kiến 3 khoang có 3 đôi chân, bụng có đốt, trong đó có một đốt màu đỏ.
Loại kiến này có khả năng bay và chạy rất nhanh. Chính vì vậy, khi kéo vào trong nhà, không ít người dân phải vất vả để giết chết chúng.
Cách xử lý khi bị kiến ba khoang đốt
Dịch cơ thể kiến ba khoang có thể làm da tổn thươngTrong dịch cơ thể của kiến ba khoang có chứa pederin là một loại chất độc có thể làm da bị phỏng rộp, đỏ tấy, viêm lở…, vì vậy, không ít người không bị kiến đốt nhưng vẫn bị viêm da giống như bị zola vì da có tiếp xúc với chất độc tiết ra từ dịch cơ thể của loại kiến này.
Theo lời khuyên của bác sĩ, để không bị thương do tiếp xúc với dịch độc từ cơ thể kiến ba khoang, người dân cần tránh để da trần trực tiếp chạm vào kiến ba khoang và giết chết chúng.
Khi bị kiến ba khoang đốt, hay bị tổn thương do kiến ba khoang gây nên, vết thương cũng đau rát giống như bị zola. Tuy nhiên, khác với bị zola chỉ bị ở một chỗ thì vết thương do kiến ba khoang gây ra có thể bị ở nhiều chỗ trên cơ thể. Vết thương thường thành vệt dài hặc thành đám.
Vết thương do kiến ba khoang gây ra Vết thương do kiến ba khoang gây raKhi mới bị thương, phần da tổn thương sẽ bị mẩn đỏ rồi sưng phồng dần lên thành mụn mủ có điểm lỏm màu trắng vàng ở giữa. Càng để lâu hoặc không chữa trị cẩn thận, vết thương sẽ càng viêm loét nặng và rỉ ra dịch. Vùng bị thương luôn thấy ngứa ngáy. Nếu vết thương trở nên nặng, người bị kiến đốt có thể bị sốt, nổi hạch…
Khi bị kiến ba khoang đốt, người bị thương nên thổi nhẹ để kiến bay đi, tuyệt đối không vỗ chết, bóp chết hay ghì chết loại kiến này ngay trên da mình. Cũng không dùng tay gãi, chà sát lên vết thương.
Sau đó, người bị kiến đốt cần nhanh chóng rửa vết thương hay vùng da tiếp xúc bằng nước sạch và xà phòng. Vết thương được rửa nhẹ nhàng tránh chà mạnh. Sau đó, dùng thuốc sát trùng để vệ sinh vết thương.
Nếu vết vùng da phồng rộp, sưng đỏ… có thể dùng mỡ kháng sinh bôi lên. Nếu thấy vết thương có chuyển biến xấu thì cần sớm đến khám bác sĩ để có thể điều trị kịp thời. Nếu vết thương ở gần mắt hay những vùng dể tổn hại thì người bị kiến cắn nên đến bệnh viện sớm để được tư vấn và điều trị tốt nhất, tránh gây ra hệ lụy đáng tiếc.
Nguồn: Báo Đất Việt
Chưa có bình luận.