Tuyệt chiêu phòng bệnh tay chân miệng bảo vệ sức khỏe
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tính đến cuối quý 3, đầu quý 4/2023 tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng tăng đột biến tại khắp các tỉnh thành trên cả nước. Điều đáng nói là ngoài bệnh nhi có rất nhiều người trưởng thành cũng mắc căn bệnh này. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có vaccine phòng bệnh do đó việc hiểu rõ về bệnh để chủ động phòng, chống dịch bệnh phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân và cộng đồng.
Bệnh tay chân miệng (HFMD – Hand, foot and mouth disease) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra với những biểu hiện đặc trưng gồm sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng, da chủ yếu ở dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, bên trong miệng của trẻ, đầu gối và mông. Đường lây nhiễm chính của bệnh qua hệ tiêu hóa thông qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi họng hoặc nốt phỏng bị vỡ của người đang bị bệnh. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Tuy nhiên người trưởng thành hệ miễn dịch yếu cũng có thể mắc bệnh.
Dấu hiệu đặc trưng, những biến chứng nguy hiểm
Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng ở trẻ: sốt nhẹ 37,5-38 độ C hoặc sốt cao 38-39 độ C, đau họng, tổn thương, đau rát ở răng và miệng, chảy nước bọt nhiều, trẻ biếng ăn, đi tiêu chảy vài lần trong ngày… Ở người trưởng thành, ngoài các dấu hiệu trên có thể kèm theo ho, sốt, sổ mũi, mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy, đau nhức cơ, ăn uống không ngon… dễ nhầm lẫn với bệnh nhiệt miệng. Các vết loét trong miệng là vết loét đỏ hoặc tổn thương dạng phỏng nước, đường kính từ 2-3mm ở niêm mạc miệng, má, lợi, lưỡi, khi vỡ ra sẽ tạo thành các vết loét trong miệng gây đau, bất tiện, ảnh hưởng đến việc ăn uống hàng ngày.
Thời gian ủ bệnh tay chân miệng ở người trưởng thành từ 3 đến 6 ngày, bệnh nhân có thể bị sốt nhẹ và đau rát ở họng, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác. Sau đó trên cơ thể sẽ xuất hiện các mụn nước nhỏ ở trong miệng, bàn tay, cánh tay, bàn chân, đầu gối, đùi, mông, vùng bẹn… Trên thực tế, hầu hết người trưởng thành mắc bệnh sẽ tự khỏi trong thời gian 10 ngày, tuy nhiên những người sức đề kháng yếu, có bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường…Nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn, xuất hiện các tổn thương ở vị trí da và niêm mạc; các nốt mụn nước vỡ ra hình thành vết loét, dễ bị bội nhiễm có mủ gây đau đớn.
Bệnh tay chân miệng ở người trưởng thành nếu không được chăm sóc và xử trí tốt có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như biến chứng thần kinh (viêm não, viêm màng não, viêm não tủy…), biến chứng tim mạch (viêm cơ tim, phù phổi cấp, suy tim, trụy tim mạch…). Các biến chứng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, do vậy người dân cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Giải pháp phòng bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh nên việc phát hiện sớm để điều trị và phòng ngừa lây nhiễm trong cộng đồng là việc làm quan trọng.
Khác với trẻ em, bệnh tay chân miệng ở người trưởng thành thường gây ngứa ngáy, khó chịu nên người dân có thể dùng kem bôi, thuốc chống dị ứng khi bị ngứa hoặc có thể hòa loãng các dung dịch sát khuẩn vào nước ấm để tắm theo chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên không cọ rửa, chà xát các vết mụn nước gây vỡ. Sau khi tắm dùng Xanh Methylen hoặc dung dịch Betadine để chấm lên các nốt phỏng nước. Quần áo nên chọn loại vải mềm, rộng rãi, thấm hút mồ hôi…
Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng đang gia tăng trong cộng đồng, người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh như rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn sau khi chăm sóc bệnh nhân. Lau dọn nhà cửa, lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà… bằng dung dịch sát khuẩn có chứa Chlorine. Tuyệt đối không chọc vỡ các mụn nước, bọng nước trên da, thực hiện ăn chín uống sôi, không sử dụng chung đồ dùng ăn uống với người bệnh, tránh tiếp xúc gần gũi như bắt tay, ôm, hôn… để hạn chế lây nhiễm bệnh.
Đối với những gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi khi đi nhà trẻ, mẫu giáo nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cao do đó khi xuất hiện những nốt phát ban, bỏ ăn, chảy dãi nhiều, sốt cao, quấy khóc, li bì…hoặc biến chứng về thần kinh như giật mình, chới với khi ngủ, suy hô hấp…. cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
Phòng ngừa các bệnh hô hấp mùa đông xuân như thế nào?
Những nguyên tắc giúp phòng tránh bệnh truyền nhiễm
Nhận biết và chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bệnh tay – chân – miệng
Yhocvn.net
Chưa có bình luận.