Thứ Hai, 19/12/2022 | 17:13

Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn (tình trạng rối loạn hệ miễn dịch của cơ thể, khiến cơ quan này hoạt động quá mức và sản sinh kháng thể chống lại các mô khỏe mạnh trong cơ thể). Bệnh có biểu hiện và gây biến chứng trên khắp các hệ cơ quan trong cơ thể như khớp, da, thận, tế bào máu, não, tim và phổi.

Lupus có thể khó chẩn đoán vì các dấu hiệu và triệu chứng của nó thường giống với các bệnh khác. Nếu không được điều trị và can thiệp tích cực, lupus có thể đe dọa tính mạng. Hiểu biết về căn bệnh này là điều cần thiết để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tránh các biến chứng của bệnh.Hiện, chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh lupus ban đỏ nhưng có thể kiểm soát được nếu điều trị đúng cách ngay từ đầu.

Theo thống kê, trong số các bệnh nhân bị lupus ban đỏ, 90% là nữ giới. Lứa tuổi thường gặp là từ 15 đến 50 tuổi và bệnh chiếm tỷ lệ 50/100.000 dân.

Nguyên nhân gây bệnh Lupus ban đỏ

Vai trò của hệ miễn dịch là tạo hàng rào phòng thủ, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ (vi khuẩn, virus,…). Tuy nhiên, trong cơ thể bệnh nhân mắc lupus ban đỏ thì hệ thống miễn dịch hoàn toàn mất đi khả năng phân biệt “lạ – quen”, tưởng nhầm chính mô khỏe mạnh của cơ thể là vật lạ xâm nhập vào cơ thể nên phản ứng tạo ra kháng thể chống lại các tế bào của hầu hết cơ quan.

Cho đến nay, nguyên nhân gây ra hiện tượng nhầm lẫn này của hệ thống miễn dịch vẫn chưa được xác định rõ ràng rõ ràng. Tuy nhiên, có một số giả thiết tạm chấp nhận là lupus ban đỏ là hệ quả của sự tương tác qua lại của nhiều yếu tố như:

+ Di truyền: Người có tiền sử gia đình bị mắc lupus ban đỏ thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người bình thường. Bệnh lupus có thể phát triển khi người có tiền sử gia đình bị mắc Lupus ban đỏ tiếp xúc với thứ gì đó trong môi trường.

+ Tiếp xúc với các loại hóa chất, thuốc men: Lupus có thể được kích hoạt bởi một số loại thuốc huyết áp, thuốc chống động kinh và thuốc kháng sinh. Những người mắc bệnh lupus do thuốc thường khỏi bệnh khi họ ngừng dùng thuốc. Hiếm khi, các triệu chứng có thể tồn tại ngay cả sau khi ngừng thuốc.

+ Ánh sáng mặt trời: Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể gây ra các tổn thương da dẫn đến lupus hoặc kích hoạt phản ứng bên trong ở những người nhạy cảm.

+ Do các tác nhân nhiễm khuẩn: Bị nhiễm trùng có thể khởi phát bệnh lupus hoặc gây tái phát ở một số người.

+ Nội tiết: Bệnh gặp chủ yếu ở giới nữ trong độ tuổi sinh sản,… Ngoài ra, một số thuốc như hydralazine, procainamide, isoniazid, sulfonamide, phenytoin, penicillamine có thể gây bệnh giống như lupus nên dễ chẩn đoán nhầm với lupus thực sự. Đồng thời, các thuốc tránh thai cũng đã được ghi nhận là có vai trò trong việc khởi động hay làm bệnh nặng thêm.

Triệu chứng của bệnh Lupus ban đỏ

Lupus có biểu hiện hầu hết các cơ quan. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột hoặc phát triển từ từ, có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng và có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Hầu hết những người mắc bệnh lupus đều mắc bệnh nhẹ, đặc trưng bởi các đợt được gọi là đợt bùng phát đó là khi các dấu hiệu và triệu chứng của Lupus ban đỏ trở nên tồi tệ hơn, sau đó một khoảng thời gian thì các triệu chứng dẫnđỡ hơn hoặc thậm chí biến mất hoàn toàn.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lupus gặp phải sẽ tùy thuộc vào cơ thể người bị nhiễm căn bệnh này. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:

+ Xuất hiện các nốt ban đỏ: Đây là triệu chứng thường dễ nhận thấy nhất. Có đến 3/4 số bệnh nhân thấy các ban đỏ nổi bất thường trên da. Trong đó, hồng ban có dạng hình cánh bướm ở mặt là một dấu hiệu rất đặc trưng của Lupus ban đỏ.

+Tổn thương trên da còn gặp ở những vùng hở khác như cổ, bàn tay,… Tổn thương da xuất hiện hoặc trầm trọng hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nếu tiến triển lâu dài, sang thương có thể bị teo đi ở phần giữa, do đó, còn gọi là “Hồng ban dạng đĩa”..

+ Bên cạnh đó, tổn thương da do Lupus còn có dạng các bọng nước, dát xuất huyết. Niêm mạc trong miệng, vùng hầu họng dễ lở loét nhưng không đau.

+ Tóc dễ gãy và rụng nhiều.

+ Viêm khớp, gây đau và sưng khớp và cứng khớp

+ Sốt

+ Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi

+ Người bệnh có thể cảm thấy đau ngực, khó thở

+ Ngón tay và ngón chân chuyển sang màu trắng hoặc xanh khi tiếp xúc với lạnh hoặc trong giai đoạn căng thẳng

+ Nhức đầu, nhầm lẫn và mất trí nhớ

Các biến chứng của bênh Lupus ban đỏ

Bệnh Lupus ban đỏ diễn biến phức tạp, tiến triển thành từng đợt, đợt sau nặng hơn đợt trước và gây tổn thương gần như toàn bộ các cơ quan trong cơ thể như thận, hệ tạo máu, tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, hô hấp,… Trong trường hợp nặng, bệnh có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân. Nếu bệnh không được điều trị kiểm soát bệnh lupus ban đỏ có thể gây ra những tổn thương nặng nề ở hầu hết các cơ quan nội tạng

+ Đa số người bệnh đều có thiếu máu từ mức độ nhẹ đến nặng với biểu hiện da xanh, môi tái, hạn chế khả năng gắng sức. Xét nghiệm huyết đồ có thể thấy giảm cả ba loại tế bào máu: Hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

+  Lupus ban đỏ có thể gây viêm cơ tim, động mạch hoặc màng tim. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đau tim cũng tăng lên rất nhiều. Bệnh diễn tiến nặng có thể gây suy tim.

+ Bị Lupus ban đỏ làm tăng khả năng bạn bị viêm niêm mạc khoang ngực, có thể khiến bạn khó thở. Chảy máu vào phổi và viêm phổi cũng có thể xảy ra.

+ Viêm thận do Lupus là một chẩn đoán thường gặp trong nhóm bệnh lý viêm thận tự miễn. Lupus có thể gây tổn thương thận nghiêm trọng và suy thận là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người mắc bệnh Lupus.

+ Một số bệnh nhân có biểu hiện rối loạn phương hướng, giảm tri giác, mất trí nhớ, đau đầu, chóng mặt, thay đổi hành vi, các vấn đề về thị lực và thậm chí là đột quỵ. Đôi khi có đau đầu dữ dội hay co giật toàn thân. Các triệu chứng tâm thần kinh có thể nặng thêm trong trường hợp dùng corticoid liều cao và kéo dài. Nhiều người mắc bệnh lupus gặp vấn đề về trí nhớ và có thể gặp khó khăn trong việc bày tỏ suy nghĩ của mình.

+ Biến chứng khi mang thai. Phụ nữ mang thai bị Lupus có nguy cơ sảy thai cao hơn. Lupus làm tăng nguy cơ cao huyết áp khi mang thai và sinh non. Để giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng này, các bác sĩ thường khuyên nên hoãn mang thai cho đến khi bệnh của bạn được kiểm soát trong ít nhất sáu tháng.

+ Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp các biến chứng do điều trị thuốc ức chế miễn dịch. Hệ thống miễn dịch không còn đảm bảo chức năng vốn dĩ của nó, cơ thể dễ mắc các tác nhân lây nhiễm mà không thể chống cự lại được. Tình trạng nhiễm trùng diễn tiến nhanh, dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, bệnh nhân dễ rơi vào sốc và tử vong.

Lưu ý: Các triệu chứng của Lupus thường diễn biến thành những đợt cấp tính, xen kẽ giữa những thời gian lui bệnh. Trong giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng thường mơ hồ giống với nhiều bệnh lý khác cho nên kể từ lúc có những triệu chứng đầu tiên cho đến khi xác chẩn được bệnh thì có thể đã chậm trễ vài năm.

Phòng ngừa bệnh Bệnh Lupus ban đỏ

Hiện không có phương phápphòng ngừa Lupus ban đỏ. Song, người bệnh cần đi khám sớm để phát hiện bệnh ngay khi có triệu chứng bất thường và tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm hạn chế các tổn thương nặng nề về sau, đặc biệt là tổn thương thận.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Lupus ban đỏ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lupus bao gồm:

+ Giới tính. Lupus phổ biến hơn ở phụ nữ.trong số các bệnh nhân bị lupus ban đỏ, 90% là nữ giới.

+ Tuổi tác. Mặc dù bệnh lupus ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi nhưng nó thường được chẩn đoán ở độ tuổi từ 15 đến 50.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

Phòng ngừa da bị đỏ ửng, tê cóng khi thời tiết giá lạnh

Những biểu hiện bất thường trên cơ thể là dấu hiệu bệnh tự miễn

Điều trị bệnh Lupus ban đỏ hệ thống

Triệu chứng chẩn đoán Lupus ban đỏ hệ thống

Thông tin y học chuyên sâu về Luput ban đỏ hệ thống

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook