Thứ Tư, 18/10/2023 | 17:01

Giải pháp ngăn ngừa bệnh tay chân miệng lây lan trong cộng đồng

Theo báo cáo thống kê của Bộ Y Tế cuối quý 3 đầu quý 4 cho thấy số ca mắc tay chân miệng đang có dấu hiệu gia tăng tại một số tỉnh thành trên cả nước, tập trung tại các thành phố lớn. Số liệu thống kê từ đầu năm đến ngày 1/10/2023, cả nước ghi nhận 86.078 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 21 trường hợp tử vong. Để chủ động phòng bệnh, mỗi cá nhân cần có những kiến thức cơ bản để bảo vệ bản thân và gia đình.

Bệnh lây lan nhanh và thường xảy ra ở trẻ em có độ tuổi từ 0 tới 10 tuổi. Bệnh cũng gặp ở người trưởng thành. Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng gồm mệt mỏi, ho, sốt nhẹ lúc mới bắt đầu và dần dần sốt cao hơn. Nổi bọng nước trên da, quanh miệng, bên trong má, trong lòng bàn tay và bàn chân, xung quanh mông hoặc hậu môn. Các bọng nước không xuất hiện liền, chúng bắt đầu bằng những vết chấm nhỏ, mờ và phẳng. Sau đó mới phát triển lớn hơn và cuối cùng ta sẽ thấy đó là những vết phồng rộp đỏ khiến trẻ đau đớn và khó chịu.

Tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus type 71. Trong đó, Enterovirus type 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi khác nhau, tuy nhiên có đến 90% là ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi.

Virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan rất nhanh, truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng, qua các chất tiết từ mũi, miệng, phân hay nước bọt của trẻ bệnh. Các chuyên gia nhận định thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè là nguyên nhân khiến số ca tay chân miệng tăng mạnh.

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng, cách điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng kết hợp việc chăm sóc bệnh nhân tại nhà và sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù đủ nước cho cơ thể theo hướng dẫn của bác sĩ.

Để phòng bệnh tay chân miệng, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tuân thủ việc rửa tay với xà phòng. Duy trì việc giáo dục vệ sinh, rửa tay với xà phòng trong trường học cho học sinh. Bố trí đầy đủ chỗ rửa tay, nước sạch, xà phòng để mọi người có điều kiện thực hành rửa tay thường xuyên.

Những thời điểm cần rửa tay với xà phòng như sau khi ho, hắt hơi; trước khi ăn; trước và sau khi chế biến thực phẩm. Ngoài ra, các thời điểm như sau khi đi làm trở về nhà; sau khi tiếp xúc/chăm sóc người bệnh; sau khi đi vệ sinh; sau khi vệ sinh cho trẻ nhỏ; sau khi mua sắm/cầm tiền; sau khi tiếp xúc vật nuôi; trước khi đi vào lớp học; bất cứ khi nào tay bẩn…đều phải rửa tay thật sạch. Việc rửa tay đúng cách gồm 6 bước với xà phòng và nước sạch, hoặc sử dụng chế phẩm vệ sinh tay chứa cồn có tác dụng ngăn ngừa nhiễm bệnh và đảm bảo thời gian rửa trong vòng tối thiểu 30 giây để phát huy tối đa hiệu quả diệt khuẩn.

Song song với việc rửa tay chống dịch bệnh trong trường học cần tăng cường công tác vệ sinh môi trường; truyền thông nâng cao kiến thức phòng, chống dịch bệnh… Riêng đối với khối trường mầm non, tiểu học cần tăng cường vệ sinh lớp học, đồ chơi, khăn mặt của học sinh để phòng, chống bệnh tay chân miệng…

Để chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, kiểm soát sự gia tăng số ca mắc mới, không để tử vong do dịch bệnh, Bộ y tế khuyến cáo người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh khi ăn uống, làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt trong gia đình, thu gom và xử lý chất thải của trẻ…đặc biệt lá theo dõi, phát hiện sớm bệnh để cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh và hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

Đề phòng bệnh thủy đậu khởi phát trong mùa đông xuân

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bệnh tay – chân – miệng

Cách điều trị bệnh tay chân miệng, các dấu hiệu nghiêm trọng của bệnh

Tuyệt chiêu phòng bệnh tay chân miệng bảo vệ sức khỏe

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook