Chảy máu não là sự thoát quản của hồng cầu vào nhu mô não. Chảy máu não chiếm tỷ lệ khoảng 10% đột quỵ não. Tỷ lệ mắc của tăng theo tuổi, sau 35 tuổi thì cứ sau 10 năm tỷ lệ mắc tăng gấp đôi.
Nhìn chung bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ.
Chẩn đoán bệnh chảy máu não
Triệu chứng lâm sàng: Các triệu chứng lâm sàng của chảy máu não xảy ra đột ngột thường vào lúc đang hoạt động. Các triệu chứng điển hình thường là đau đầu, nôn, liệt nửa người. Có thể có hôn mê nhanh ngay lúc khởi phát bệnh.
Hình ảnh chụp cắt lớp sọ não: Tăng tỷ trọng ở vùng chất trắng hoặc chất xám trong sâu có hoặc không liên quan đến vỏ não (tỷ trọng từ 40-90 đơn vị Hounsfield).
Hình ảnh chụp cộng hưởng từ sọ não: Trong giai đoạn tối cấp (sau vài giờ) ổ chảy máu giảm tín hiệu trên ảnh T1W, tăng tín hiệu trên ảnh T2W. Trong giai đoạn cấp (sau vài ngày) ổ chảy máu giảm tín hiệu trên ảnh T1W và, trên ảnh T2W, ổ chảy máu cũng giảm tín hiệu nhưng xung quanh là rìa tăng tín hiệu. Trong giai đoạn bán cấp (sau một vài tuần) ổ chảy máu tăng tín hiệu trên ảnh T1W, có thể giảm hoặc tăng tín hiệu trên ảnh T2W tuỳ thuộc vào methemoglobin ở trong hay ngoài tế bào nhiều. Giai đoạn mạn tính ổ chảy máu giảm tín hiệu trên ảnh T1W, giảm tín hiệu trên ảnh T2W hoặc giảm tín hiệu ở rìa xung quanh ở trong ổ dịch tăng tín hiệu.
Chụp mạch máu não: Chụp mạch máu não không phải là phương pháp chẩn đoán chảy máu não mà là phương pháp giúp chẩn đoán nguyên nhân gây chảy máu. Hiện tại các phương pháp chụp mạch máu não gồm chụp mạch mã hoá xoá nền (DSA: Digital Subtraction Angiography), chụp mạch cộng hưởng từ (MRA: Magnetic Resonance Angiography) và chụp cắt lớp mạch máu (CTA: Computed Tomography Angiography).
Nguyên nhân bệnh chảy máu não
Tăng huyết áp: Khoảng 75% bệnh nhân chảy máu não có tăng huyết áp. Tai biến do tăng huyết áp thường chảy máu trong sâu, chảy máu nhân xám.
Phình mạch não: vỡ phình mạch não thường gặp ở người trẻ, chảy máu ở thuỳ não.
Dị dạng thông động tĩnh mạch não: Là dị dạng bẩm sinh, thường là nguyên nhân gây xuất huyết não ở người trẻ.
Một số nguyên nhân khác: Bệnh lý mạch máu tinh bột, do dùng các chất ma tuý, do biến chứng dùng thuốc chống đông…
Điều trị bệnh chảy máu não
Điều trị tăng huyết áp:
Nếu bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp hoặc có các bằng chứng tăng huyết áp mạn tính mà huyết áp tâm thu > 180mmHg hoặc huyết áp tâm trương > 105mmHg thì nên điều trị để duy trì huyết áp khoảng 170/100mmHg.
Nếu bệnh nhân không có tiền sử tăng huyết áp mà huyết áp tâm thu > 160mmHg hoặc huyết áp tâm trương > 95mmHg thì nên điều trị để duy trì huyết áp khoảng 150/90mmHg.
Nếu theo dõi được áp lực nội sọ thì mức huyết áp được duy trì phải đảm bảo áp lực tưới máu não > 70mmHg.
Điều trị tăng áp lực nội sọ: Tăng áp lực nội sọ trong xuất huyết não do khối choáng chỗ, do co giật, do chảy máu vào não thất. Nếu bệnh nhân không có các dấu hiệu nặng của tăng áp lực nội sọ thì điều trị tăng áp lực nội sọ chỉ cần áp dụng các biện pháp đơn giản như nằm đầu cao 300, thở oxy mask. Nếu bệnh nhân có các dấu hiệu tăng áp lực nội sọ nặng thì cần áp dụng các biện pháp tích cực như đặt nội khí quản, thông khí nhân tạo để duy trì PaCO2 từ 28-30mmHg và dùng manitol với liều 0,25-0,5g/kg ngày 3-4 lần.
Điều trị chống co giật: Động kinh sớm (trong 2 tuần đầu) xảy ra ở 4,2% bệnh nhân chảy máu não. Tỷ lệ động kinh xảy ra phần lớn ở bệnh nhân chảy máu thuỳ. Trong giai đoạn cấp của chảy máu nếu xảy ra động kinh nên dùng các thuốc chống co giật đường tĩnh mạch như các thuốc nhóm benzodiazepine sau đó là phenytoin. Có khoảng 5-20% xuất hiện động kinh ở giai đoạn muộn. Có một số khuyến cáo sử dụng thuốc điều trị dự phòng động kinh đối với bệnh nhân tổn thương thuỳ.
Hạ sốt: Tỷ lệ sốt trong chảy máu não khá cao, đặc biệt là bệnh nhân chảy máu có tràn máu não thất. Đây là một yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng sấu cho bệnh nhân do đó tất cả bệnh nhân có sốt cần hạ sốt tích cực.
Điều trị ngoại khoa: Điều trị ngoại khoa trong chảy máu não được áp dụng trong chảy máu tiểu não lớn (đường kính >3cm), chảy máu ở thuỳ nông đè đẩy nhiều, có các triệu chứng thần kinh nặng. Với chảy máu sâu trong đồi thị, thể vân ít có chỉ định điều trị ngoại khoa. Điều trị ngoại khoa còn được áp dụng với các trường hợp chảy máu não do vỡ phình mạch, do dị dạng thông động tĩnh mạch não.
Can thiệp mạch: Được chỉ định trong các trường hợp chảy máu não do vỡ phình mạch, do dị dạng thông động tĩnh mạch não.
Điều trị xạ phẫu: Được chỉ định trong các trường hợp chảy máu não do vỡ dị dạng thông động tĩnh mạch não.
Cách phòng chống bệnh: Phát hiện và điều trị tăng huyết áp giúp giảm tỷ lệ chảy máu não.
Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – Bệnh viện Bạch Mai
Chưa có bình luận.