Theo số liệu thống kê từ Hội đột quỵ thế giới mỗi năm có 12,2 triệu ca đột quỵ não mới ở cả nam và nữ. Điều nguy hiểm là đối tượng mắc bệnh ngày càng trẻ hóa ở cả nam và nữ. Nếu trước đây tỷ lệ mắc bệnh ở độ tuổi 55 đến 70 thì hiện nay có đến hơn 16% đối tượng bị đột quỵ trong độ tuổi 15 – 49 và khoảng 6% trường hợp tử vong do đột quỵ là người trẻ. Điều đáng quan ngại là Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ đột quỵ cao nhất trên thế giới, cứ 4 người trên 25 tuổi sẽ có 1 người đã và sẽ bị đột quỵ.
Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não xảy ra khi quá trình lưu thông máu lên não bị gián đoạn hay ngưng trệ do tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu. Ô xy khi không được vận chuyển lên não sẽ gây ra các tổn thương đột ngột, một số tế bào não sẽ bị chết chỉ trong vòng vài phút. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh thậm chí dẫn đến tử vong “bất đắc kỳ tử”. Lúc này người bị tai biến mạch máu não cần được cấp cứu ngay lập tức, thời gian càng kéo dài thì mức độ nguy hiểm càng cao.

Đột quỵ não ở người trẻ gia tăng do lối sống
Nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ do sự đa dạng về lối sống và các thói quen hàng ngày. Theo số liệu toàn cầu về bệnh tật 2019 có đến 47% gánh nặng đột quỵ có liên quan đến các thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, tình trạng béo phì và tỷ lệ này ngày càng gia tăng ở người trẻ.
Ngoài các yếu tố nguy cơ kể trên các bất thường bẩm sinh về tim mạch, đặc biệt là rung nhĩ, bệnh lý huyết học gây tăng đông máu hoặc dị dạng mạch máu não nếu không được khám và phát hiện sớm cũng khiến tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ gia tăng.
Sự phát triển bất thường mạch máu não như phình mạch máu não ban đầu thường không biểu hiện rõ về triệu chứng, đôi khi chỉ là một cơn đau đầu, nặng ngực thoáng qua khiến người trẻ chủ quan về sức khỏe. Tuy nhiên về lâu dài, khối phình mạch máu phát triển lớn dần và vỡ gây xuất huyết não hoặc huyết khối hình thành từ rung nhĩ ở tim trôi lên mạch máu não gây thuyên tắc dẫn đến nhồi máu não.
Đột quỵ não ở người cao tuổi do yếu tố di truyền
Đột quỵ ở người cao tuổi có thể đến từ yếu tố di truyền do tiền sử bệnh lý của gia đình hoặc người đang mắc các bệnh lý gây nguy cơ đột quỵ như huyết áp cao, bệnh tiểu đường…
Để phòng ngừa đột quỵ não bảo vệ sức khỏe các chuyên gia khuyến cáo người dân cần thực hiện lối sống lành mạnh đó là đo huyết áp hàng ngày, đảm bảo chế độ ăn khoa học, tăng cường rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, giảm lượng đường, chất béo bão hòa giúp bảo vệ hệ tim mạch. Quá trình đo huyết áp hàng ngày nếu thấy những thay đổi về chỉ số huyết áp cần điều chỉnh chế độ ăn uống như hạn chế muối, giảm lượng đường, chất béo bão hòa…Duy trì tập thể dục với thời lượng 30 phút/ngày với các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội…giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ đột quỵ. Đối với nam giới nên bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia bởi khói thuốc và cồn là những tác nhân nguy hiểm cho sức khỏe mạch máu và tim. Song song với những việc làm trên hàng năm cần duy trì khám sức khỏe định kỳ để theo dõi và kiểm soát các yếu tố nguy cơ giúp phát hiện sớm và quản lý hiệu quả các nguy cơ tiềm ẩn, bảo vệ sức khoẻ.
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
Những người có khả năng bị đột quỵ trong khi tập gym, thể hình?
5 thói quen tập thể dục vào mùa hè cần bỏ ngay, tránh gây đột quỵ
Xuất huyết não (xuất huyết nội sọ): nguyên nhân, triệu chứng và diễn biến bệnh
Chấn động não: Triệu chứng chấn động, dấu hiệu cần cấp cứu
Yhocvn.net
Chưa có bình luận.