Thứ Hai, 06/11/2023 | 17:06

Nguyên nhân gia tăng bệnh nhân đột quỵ ở giới trẻ

Theo thống kê mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 bệnh nhân bị đột quỵ và 50% trong số đó không thể qua khỏi để lại những khoảng trống không nguôi cho gia đình và những người thân. Trong đó 15% bệnh nhân đột quỵ ở độ tuổi từ 18 – 50, tỷ lệ người trẻ dưới 40 tuổi mắc bệnh tăng trung bình 2% mỗi năm, cá biệt có những bé đang học tiểu học cũng mắc căn bệnh này.

Số liệu thực tế

Nhiều người vẫn cho rằng, bệnh chỉ gặp ở người cao tuổi, hoặc những người có bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên trên thực tế, độ tuổi đột quỵ ở Việt Nam cũng đang ngày càng trẻ hóa ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Báo cáo của Bệnh viện Đà Nẵng cho thấy bệnh nhân10 tuổi, học sinh lớp 5 bị đột quỵ được đưa vào viện cấp cứu, điều trị trong tình trạng lơ mơ, liệt nửa người bên phải, không nói được… Kết quả chụp CT cho thấy đây là trường hợp đột quỵ trẻ em rất hiếm gặp.

Trước đó, bé đang chơi thì than mệt, đau đầu, sau đó méo miệng…nên gia đình đưa vào viện cấp cứu. Sau khi hội chẩn khẩn cấp với chuyên gia đột quỵ hàng đầu tại TP Hồ Chí Minh bệnh viện đã điều trị cho bệnh nhi bằng thuốc đặc trị. Kết quả bệnh nhi đáp ứng điều trị, cải thiện nhanh, sau tập phục hồi chức năng tích cực gần 1 tháng, bệnh nhân đã được xuất viện & đi học bình thường. Đây là trường hợp bệnh nhi hiếm gặp, tuy nhiên do được phát hiện kịp thời nên đã qua khỏi.

Lứa tuổi đột quỵ gặp nhiều ở độ tuổi từ 30 đến 45. Bệnh nhân H bị đột quỵ ở tuổi 30 cho biết trước đó sức khỏe hoàn toàn bình thường, thỉnh thoảng”Hay bị đau đầu cứ nghĩ thức khuya bị thế thôi chứ không nghĩ bị đột quỵ. Chẳng bao giờ nghĩ tại vì nghĩ mình ít tuổi”.

Một nam bệnh nhân khác 40 tuổi, tái mắc đột quỵ lần hai. Điều đáng nói là người nhà bệnh nhân thay vì đưa đến viện ngay lại ở nhà tự sơ cứu sai cách gây khó khăn trong quá trình điều trị. Người nhà bệnh nhân chia sẻ “Tìm hiểu trên mạng cách sơ cứu người bị tai biến, châm vào các đầu ngón tay rồi nặn máu ra mới cho đi viện”.

Rút kinh nghiệm từ những trường hợp trên, các chuyên gia khuyến cáo người dân khi thấy xuất hiện các triệu chứng của đột quỵ như bị tê bì nhẹ hoặc yếu liệt…cần đến bệnh viện sớm nhất trong 3 tiếng đầu tiên bởi trong y khoa đây là giờ vàng để điều trị đột quỵ.

Nguyên nhân

Đột quỵ gia tăng ở người trẻ có nhiều nguyên nhân như lối sống không lành mạnh, do áp lực công việc, học tập và cuộc sống hàng ngày. Thói quen ăn uống không khoa học, tiêu thụ thức ăn nhanh,thực phẩm chế biến nhiều dầu mỡ và đường cũng là nguyên nhân dẫn đến tăng cường nguy cơ mắc bệnh.

Không hoạt động thể chất cũng là nguyên nhân gây bệnh. Việc không tập thể dục đều đặn có thể dẫn đến tăng huyết áp và cân nặng, hai yếu tố có liên quan đến đột quỵ. Ngoài ra những yếu tố như di truyền hoặc căn nguyên bệnh lý từ gia đình mắc bệnh lý tim mạch hoặc dị dạng mạch máu não, người mắc bệnh Microangiopathic, người huyết khối động mạch thân nền dẫn đến tắc nghẽn dòng máu đến não… cũng làm tăng nguy cơ.

Lời kết

Theo ghi nhận tại các bệnh viện, số lượng bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi mắc bệnh tăng từ 20 – 25%, tăng gấp đôi so với những năm trước đây. Trong đó 76% người bệnh nhập viện muộn sau 6 giờ khởi phát bệnh do chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu nhận biết của bệnh dẫn đến khó khăn trong quá trình điều trị, phục hồi…

Để bảo vệ sức khoẻ khi thời tiết giao mùa, đặc biệt mùa đông đang đến gần, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần giữ ấm cơ thể, đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất, tập luyện thể dục thể thao đều đặn để tăng cường sức đề kháng …Khi cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường, nghi ngờ không tự ý xử lý theo các phương pháp dân gian, truyền miệng cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

Dấu hiệu đột quỵ ở trẻ nhỏ cần đặc biệt chú ý

Những người có khả năng bị đột quỵ trong khi tập gym, thể hình?

Thiếu máu não cấp gây đột quỵ

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook