Thứ Năm, 30/11/2017 | 04:39

Tại Hồ Gươm một tối cuối tuần, cứ đi một đoạn, chúng tôi lại gặp những bạn trẻ của CLB Now or Never đang chào mời bán kẹo mút. Thỉnh thoảng, họ chạy lại ôm nhau và đập tay thể hiện sự quyết tâm… làm giàu.

Sự thật về ‘biệt đội sinh viên’ bán kẹo mút ‘khởi nghiệp’ ở Hà Nội: Giá đội 10 lần, 20% vào túi CLB

Linh, một thành viên của CLB đang chèo kéo bố mẹ mua kẹo mút cho con. Ảnh: PV

Nhắm vào trẻ con và các đôi tình nhân

Sau buổi tham gia sinh hoạt đầu tiên, PV Báo Gia đình & Xã hội (trong vai thành viên mới) được thêm vào một nhóm Facebook với gần 30 thành viên khác. Tại đây, mọi người sẽ cùng bàn bạc kế hoạch cho việc tổ chức bán kẹo mút vào ba tối cuối tuần (thứ Sáu, Bảy và Chủ nhật).

Đúng như lịch hẹn, 6h tối Chủ nhật, PV có mặt tại khu vực Tràng Tiền Plaza để gặp các “đồng đội” và “triển khai dự án”. Trưởng nhóm là một cô gái tên Nhi, vai đeo những túi lớn bên trong chứa hàng ngàn chiếc kẹo mút với đủ loại màu sắc, hình dáng, cô này phân chia kẹo cho các thành viên khác đi bán. Theo quan sát bằng mắt thường, tất cả các loại kẹo này đều không có nhãn mác ghi nguồn gốc, xuất xứ và thành phần sản phẩm.

Một thành viên trong nhóm tiết lộ, những chiếc kẹo mút đủ màu sắc kia được mua với giá 2.500 đồng/chiếc và phải bán lên gấp 10 lần. Sau khi bán xong, ngoài 20% lợi nhuận đưa về cho CLB, nhóm cũng phải hoàn đầy đủ tiền kẹo nhận ban đầu.

Trưởng nhóm tiếp tục phổ biến: “Có hai cách bán chính là “bán solo” và “bán với gấu”. “Bán solo” tức là bán một mình, “bán với gấu” sẽ gồm 2 người trở nên. Một người mặc đồ gấu bông thu hút đám đông, những người còn lại sẽ mời khách và bán hàng”.

Do lần đầu tham gia “dự án kinh doanh” nên PV được phân vào nhóm “bán với gấu” cùng 2 thành viên khác tên Hiển và Linh để học hỏi. Hiển mặc áo gấu, Linh phụ trách mời chào. “Anh phải nhắm vào trẻ con và các đôi yêu nhau”, Linh chia sẻ kinh nghiệm.

Theo cô gái này, trẻ con rất thích kẹo mút và nếu chúng thích thì bố mẹ sẽ phải chiều theo. Còn các đôi yêu nhau chỉ cần mời chào người con trai với lí do mua kẹo như món quà kỷ niệm tình yêu, vì tế nhị họ sẽ “xuống tiền”.

19h30 phút, tại phố đi bộ Hồ Gươm đoạn gần Tràng Tiền Plaza, Hiển trong bộ quần áo gấu Pooh đáng yêu đứng lắc lư giữa đường. Ngay lập tức, một cháu bé mặc oá khoác hồng tai thỏ chạy lại nắm tay, ôm hôn rồi đòi mẹ chụp ảnh. Tiếp đó, Linh chạy lại đưa cho cháu bé một chiếc kẹo. Sau khi cháu bé đã cầm kẹo đòi mẹ bóc để ăn, Linh chạy lại mời người mẹ này mua kẹo với giá 20.000 đồng. Dù tỏ ra khá miễn cưỡng nhưng bậc phụ huynh này vẫn móc ví trả tiền.

19h45 phút, đến gần một đám đông gần 10 cháu bé đang chơi đùa, “gấu Pooh” lắc người, vẫy tay. Ngay lập tức, khoảng 5 cháu bé ùa ra tranh nhau ôm hôn gấu, Linh lại gần và đưa cho mỗi cháu một chiếc kẹo. Khi bố mẹ các cháu bé lại gần chỉ có 2 người đồng ý mua kẹo với giá 20.000 đồng/chiếc, một số tỏ ra bực tức vì trước đó cũng đã bị một số nhóm khác mời chào mua kẹo với hình thức tương tự.

Khoảng 20h, thấy hai bé gái cùng bố mẹ dạo bộ, Linh chạy lại mời với lời giới thiệu đây là kẹo mút dẻo và do nhóm sinh viên tự sản xuất. Thấy con thích thú nhận kẹo, người mẹ tỏ vẻ khó chịu khi biết giá 40.000 đồng cho 2 chiếc kẹo. Bố hai cháu bé thì nửa đùa, nửa thật: “Chúng mày lại bị các cô lừa rồi”.

Cứ đi một đoạn, chúng tôi lại gặp những đồng đội cùng CLB cũng đi bán kẹo mút như mình. Họ chạy lại ôm nhau và đập tay thể hiện sự quyết tâm. Có thời điểm PV ghi nhận có 5 chú gấu bông cùng 5 người bán kẹo túc trực tại một địa điểm.

Khoảng 21h, sau gần 2 tiếng đồng hồ bán hàng, nhóm Linh và Hiển quay lại địa điểm ban đầu ở Tràng Tiền Plaza. Chỉ bán được gần 10 chiếc, Linh buồn rầu cho biết đây là con số quá khiêm tốn. Khoảng 15 phút sau, hàng chục thành viên của nhóm tập trung tại địa điểm Tràng Tiền Plaza. Nhiều người báo cáo doanh số “khủng” với 20 chiếc kẹo bán qua 2 tiếng đồng hồ miệt mài mời chào. Họ nhận được những tràng pháo tay tán dương của cả nhóm. Sau khi ngồi nghỉ ngơi chớp nhoáng, mọi người lại tiếp tục đi bán kẹo cho đến 23h đêm mới kết thúc.

Nhiều người mất trắng 1 triệu đồng

Sự thật về ‘biệt đội sinh viên’ bán kẹo mút ‘khởi nghiệp’ ở Hà Nội: Giá đội 10 lần, 20% vào túi CLB

Cận cảnh những chiếc kẹo mút được bán với giá 20.000 đồng.

Tiết trời về đông bắt đầu rét mướt, tại một quán lẩu trên đường Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy – Hà Nội), trong khi các thực khách đang say sưa ăn uống và trò chuyện, Vân Anh (sinh viên năm 3, Học viện Ngân hàng) đến từng bàn ăn để bán những gói đậu phộng.

Hầu hết các bàn, cô gái trẻ đều bị từ chối thậm chí xua đuổi dù đã giới thiệu là sinh viên đi bán hàng để khởi nghiệp. Không có gì khó hiểu trước thái độ của khách hàng bởi Vân Anh đang bán gói đậu phộng 100 gram với giá 35.000 đồng, trong khi mặt hàng này mua lẻ ngoài thị trường chưa đến 10.000 đồng.

“Xua đuổi là bình thường, thậm chí nhiều người còn mắng chửi”, Vân Anh tâm sự và cho biết đã rong ruổi hơn 4 tiếng đồng hồ, đi bán qua nhiều địa điểm nhưng mới được khoảng 10 gói trong tổng số 40 gói đậu phộng đã nhận bán ngày hôm nay.

Vân Anh là một trong số hàng trăm sinh viên tham gia vào khóa học Start up camp do CLB Now or Never phối hợp với Công ty Cổ phần Quốc tế Zoma Việt Nam tổ chức. Khóa học này kéo dài 21 ngày với mức học phí 7.000.000 đồng và được đào tạo bởi Hoàng Quang Thịnh, người sáng lập của của CLB Now or Never và CEO (giám đốc điều hành) của Công ty Cổ phần Quốc tế Zoma Việt Nam.

Trên website của CLB, Start up camp được giới thiệu như một khóa học “siêu bổ ích”, giúp người học có được sự thay đổi kỳ diệu chỉ sau 21 ngày học. Nguyễn Duy Long, 17 tuổi đã quyết định dừng lại con đường học hành để đi học kinh doanh sau khi tham gia khóa học Start up camp K14 (tổ chức lần thứ 14). Chia sẻ với chúng tôi, chàng trai này cho biết: “Trong khóa học này, em được học về kỹ năng bán hàng, marketing sản phẩm sau đó tất cả học viên sẽ được chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm chọn một sản phẩm để đi bán trong 3 tuần. Như gói bánh mà nhóm em nhập bán có giá 4.500 đồng được bán với giá 35.000 đồng. Trong 3 tuần em đi bán được gần 33 triệu đồng. Toàn bộ số tiền sau mỗi ngày bán hàng sẽ được đưa cho một chị quản lý của CLB giữ”.

Theo Long, số tiền 7 triệu sẽ được đóng theo 2 đợt gồm 1.000.000 đồng đóng đầu tiên và 6.000.000 đồng sau khi tham gia 3 tuần bán hàng. Tiền lãi của hoạt động bán hàng sau khi trừ 6.000.000 học phí, còn lại được CLB trả cho học viên. Long cũng cho biết, không ít người không chịu được áp lực đã bỏ cuộc sớm chỉ sau một ngày đi bán và đành mất trắng số tiền 1.000.000 đã đóng vào ban đầu.

Không phải hoạt động khởi nghiệp

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về hoạt động của CLB Now or Never, anh Hùng Đinh (người giành nhiều giải thưởng trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam) cho biết: “Khởi nghiệp là tạo ra giá trị cho xã hội bằng đột phá công nghệ hoặc sáng tạo về chất lượng dịch vụ sản phẩm. Những khóa đào tạo như trên chỉ khiến thế hệ sinh viên hiểu sai, thậm chí ảo tưởng về khái niệm khởi nghiệp từ đó bị tiêm nhiễm các chiêu trò lừa đảo trong kinh doanh. Tôi có cảm giác việc hô hào tạo ra động lực, sức mạnh tinh thần của CLB này có gì đó ảo tưởng như các khóa đào tạo nhân viên bán hàng đa cấp”.

Video: Cơ trưởng người Việt – 20 năm để tìm thấy chuyến đi lớn nhất cuộc đời

Nhóm Phóng Viên/Báo Gia đình & Xã hội

Nguồn: ĐKN

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook