Quy trình chọc dò dịch ổ bụng xét nghiệm theo BYT
Chọc dò dịch ổ bụng xét nghiệm là thủ thuật đưa kim qua thành bụng vào khoang ổ bụng để hút dịch làm xét nghiệm.
Các trường hợp chỉ định:
Các trường được chỉ định là trường hợp có dịch ổ bụng cần lấy dịch làm xét nghiệm tế bào, vi khuẩn, hóa sinh.
Các trường hợp chống chỉ định:
– Cổ trướng khu trú: nên chọc dịch dưới hướng dẫn của siêu âm.
– Thận trọng khi lách quá to.
– Có rối loạn đông máu và cầm máu.
– Bụng trướng nhiều hơi.
Các bước chuẩn bị chọc dò dịch ổ bụng:
– Người thực hiện
01 bác sĩ, 01 điều đưỡng phụ.
Bác sĩ rửa tay, đi găng vô khuẩn.
– Phương tiện
+ Dụng cụ chọc dò:
+ Kim chọc dài 5 – 6 cm, đường kính 10/10 cm.
+ Bơm tiêm 10 hoặc 20ml, vô khuẩn.
+ Thuốc sát khuẩn, cồn 70o, cồn Iốt hoặc Betadin, kẹp, bông, gạc, băng dính.
+ Khăn mổ có lỗ đã tiệt khuẩn, găng, một tấm nilon.
+ 3 ống nghiệm có dán sẵn, giấy xét nghiệm.
+ Thuốc gây tê xylocain.
+ Thuốc cấp cứu.
+ Khay men hình chữ nhật để đựng dụng cụ và một khay quả đậu.
– Người bệnh
+ Được giải thích trước về kỹ thuật.
+ Chuẩn bị chọc ở buồng riêng (phòng tiểu phẫu thuật) để đảm bảo vô khuẩn chongười bệnh. Nếu không có buồng riêng, có thể tiến hành ngay tại giường bệnh, nhưng phải có bình phong che bên ngoài.
+ Chuẩn bị giường: trải nilon lên giường, che bình phong.
+ Để người bệnh nằm ngửa, đầu cao, bên chọc sát bờ giường.
Hồ sơ bệnh án:
Kiểm tra tên, tuổi người bệnh, các xét nghiệm đông máu, cầm máu.
Các bước chọc dò xét nghiệm ổ bụng:
– Trước khi chọc
+ Khám lại người bệnh để xác định mức độ cổ trướng, đo mạch và huyết áp.
+ Vén áo và kéo cạp quần xuống để lộ bụng.
+ Sát khuẩn vùng chọc: vạch một đường nối rốn với gai chậu trước trên, chia đường này thành ba phần, sát khuẩn kỹ điểm nối 1/3 ngoài và giữa, thường chọc ở bên trái để tránh chọc vào góc hồi manh tràng. Đôi khi chọc ở vị trí khác theo vị trí và lượng dịch.
+ Sát khuẩn tay bằng cồn và đi găng vô khuẩn.
+ Gây tê vùng chọc.
– Trong khi chọc
+ Chọc kim vuông góc với thành bụng, đi từ nông đến sâu cho đến khi hút ra dịch.
+ Hút vào bơm và bơm vào 3 ống để xét nghiệm (tế bào, vi khuẩn và sinh hóa).
+ Theo dõi sắc mặt của người bệnh.
– Sau khi chọc
+ Thầy thuốc rút kim, cần đảm bảo vô khuẩn, sát khuẩn da bụng.
+ Dùng gạc vô khuẩn băng lại.
+ Nhanh chóng gửi xét nghiệm.
+ Đo lại mạch, huyết áp và ghi nhận xét về tình trạng người bệnh, tính chất dịch (số lượng, màu sắc) các xét nghiệm cho làm.
Theo dõi bệnh nhân sau khi làm thủ thuật:
+ Sắc mặt
+ Mạch, huyết áp.
+ Tình trạng thành bụng.
Tai biến, xử trí:
+ Quai ruột bít vào đầu kim. Lúc đầu dịch chảy nhanh sau đó chảy yếu dần và ngừng chảy, thay đổi tư thế người bệnh, đổi hướng kim cho đến khi dịch chảy ra tiếp.
+ Chọc vào ruột: ít khi gặp. Nếu chọc vào ruột sẽ thấy hơi hoặc nước bẩn, bác sĩ phải rút kim ra ngay, băng kín. Theo dõi tình trạng đau, nhiệt độ và phản ứng thành bụng. Hội chẩn chuyên khoa ngoại.
+ Chọc vào mạch máu: ít gặp, nếu gặp phải rút kim ra ngay.
+ Nhiễm khuẩn thứ phát chọc do công tác vô khuẩn không tốt. Theo dõi, mạch, nhiệt độ, huyết áp trạng thái đau thành bụng, nếu cần thiết phải cho kháng sinh, hội chẩn khoa ngoại.
+ Chọc nhầm vào tạng hoặt khối u trong bụng.
Yhocvn.net (Hướng dẫn quy trình kỹ thuật nội khoa theo BYT)
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
+ Vi khuẩn Hp dương tính khi xét nghiệm có ý nghĩa gì?
Chưa có bình luận.