Ung thư đại trực tràng là một trong những căn bệnh nguy hiểm ở hệ tiêu hoá đang có dấu hiệu gia tăng trên toàn cầu. Nguyên nhân gây bệnh do nhiều yếu tố dán tiếp hoặc trực tiếp do con người gây ra như chế độ ăn thiếu khoa học, ít vận động… Các cụ xưa có câu “hoạ từ miệng mà ra, bệnh từ miệng mà vào” là lăng kính để chúng ta soi chiếu và quản lý chế độ ăn sao cho khoa học vừa tốt cho sức khoẻ vừa phòng nguy cơ gây ung thư đại trực tràng.
Trực tràng là một bộ phận đảm nhiệm vai trò giữ chất thải và tham gia vào quá trình đào thải chất thải ra khỏi cơ thể. Thức ăn sau khi được dạ dày co bóp và tiêu hóa thành dịch lỏng sẽ được đưa qua ruột non, tiếp theo là đại tràng và cuối cùng là trực tràng. Ruột non sẽ hấp thụ các chất dinh dưỡng đầu tiên.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan), ung thư đại trực tràng hiện xếp thứ 3 về tỷ lệ mắc và thứ 2 về tỷ lệ tử vong. Tại Việt Nam vào năm 2020, ung thư đại trực tràng đứng thứ 5, sau ung thư gan, phổi, vú, dạ dày. Đến thời điểm hiện tại, sau 5 năm căn bệnh này đứng thứ 4 trong những loại ung thư thường gặp với hơn 16.800 ca mắc mới và hơn 8.400 ca tử vong trung bình mỗi năm. Điều đáng suy ngẫm là trước đây tỷ lệ người mắc bệnh thường ở độ tuổi trên 50 thì giờ đây căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa ở độ tuổi 30, 40…

Nguyên nhân do chế độ ăn uống quá nhiều chất béo, đồ chiên rán ngược lại ăn rất ít chất xơ, các loại rau củ quả…Nếu trước đây ung thư đại trực tràng chỉ phổ biến ở các nước châu Âu và Mỹ, ít gặp ở châu Á thì đến thời điểm hiện tại tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng gia tăng trên toàn cầu, đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc và thứ 2 về tỷ lệ tử vong do căn bệnh này gây ra.
Nguyên nhân làm tăng các yếu tố nguy cơ mắc bệnh gồm yếu tố không thể thay đổi và có thể thay đổi. Trong yếu tố nguy cơ không thể thay đổi đó là tuổi tác, gen và di truyền. Do đó những người trên 50 tuổi nếu trong gia đình có người thân mắc bệnh sẽ có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn so với những người bình thường khác. Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được liên quan đến lối sống và chế độ dinh dưỡng.
Xét trên góc độ chuyên môn các bác sỹ lý giải do người dân đang thích nghi với lối sống của phương Tây đó là chế độ ăn nhiều thịt đỏ như thịt bò, lợn, cừu, thịt chế biến công nghiệp (xúc xích, đồ ăn nhanh), do nấu ở nhiệt độ cao (rán, nướng), hút thuốc lá, lạm dụng đồ uống có cồn (bia, rượu)… làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Số liệu ghi nhận tại Bệnh viện K cho thấy bệnh viện đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân, trong đó một nam thanh niên 30 tuổi đi xuất khẩu lao động có thói quen thường xuyên thức khuya, tiêu thụ đồ ăn nhanh, lười vận động…Khi có biểu hiện bệnh, bệnh nhân đi khám và phát hiện ung thư đại tràng giai đoạn ba, đã di căn. Tương tự, bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều trường hợp dưới 45 tuổi đã mắc ung thư đại trực tràng. Trong đó yếu tố tuổi tác và di truyền chỉ chiếm khoảng 3-5%, còn lại nhiều trường hợp mắc bệnh liên quan đến béo phì, đái tháo đường type 2, do chế độ ăn không lành mạnh, lạm dụng rượu bia, thuốc lá…
Các bác sỹ cho biết nguyên nhân gây bệnh do chế độ ăn ít chất xơ, nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn kèm theo hút thuốc, uống rượu và ít vận động. Các số liệu tổng hợp cho thấy 57% người trưởng thành tại Việt Nam ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị của WHO, trong khi chế độ ăn nhiều thịt uống nhiều rượu, bia tăng, ít hoạt động thể chất. Điều này dẫn đến tỷ lệ béo phì gia tăng và kéo theo nguy cơ trẻ hóa ung thư đại trực tràng.
Qua đó Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi người nên ăn ít nhất 400gram rau, củ, quả/ngày để phòng, chống các bệnh mạn tính liên quan tới dinh dưỡng như ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng và các bệnh tim mạch. Đối với việc kiểm soát bệnh cần kiểm soát bệnh theo hai hướng đó là thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng. Đối với những người thừa cân cần giảm trọng lượng & tăng cường hoạt động thể chất.
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh với thực đơn nhiều hoa quả, rau, ngũ cốc nguyên hạt, ăn ít thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, giảm hoặc ngừng rượu bia, thuốc lá. Ngoài ra cần sàng lọc định kỳ, phát hiện sớm polyp tiền ung thư. Nếu cắt bỏ polyp kịp thời, nguy cơ ung thư giảm tới 90%. Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Bình Nguyên chia sẻ “Hầu hết các ung thư đại trực tràng đều phát triển từ polyp tiền ung thư. Từ thời điểm các tế bào bất thường đầu tiên bắt đầu phát triển thành polyp, mất khoảng 10 đến 15 năm để trở thành ung thư đại tràng. Vì vậy nếu sàng lọc thường xuyên, hầu hết các polyp có thể được tìm thấy và cắt bỏ trước khi chúng có cơ hội biến thành ung thư. Sàng lọc cũng có thể phát hiện ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm hơn, chưa lan rộng và có thể dễ điều trị hơn, kéo dài thêm thời gian sống”.
Từ những phân tích khoa học trên các nhà khoa học khuyến cáo dù không có triệu chứng nhưng người từ 45 tuổi nên sàng lọc ung thư đại trực tràng. Đối với người có yếu tố nguy cơ cao như có tiền sử polyp đại trực tràng, bệnh viêm ruột, viêm loét đại trực tràng chảy máu hoặc trong gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng, nghi ngờ mắc bệnh theo di truyền…cần sàng lọc từ năm 20-30 tuổi. Khi thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng điển hình như đau bụng, rối loạn tiêu hóa kéo dài, đi ngoài ra máu… cần đi khám chuyên khoa ngay. Những người có nguy cơ cao nên duy trì khám tiêu hoá hàng năm.
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ
5 loại thực phẩm cực kỳ bổ dưỡng, tăng cường tuổi thọ
Các loại gia vị thông dụng phòng ngừa ung thư rất tốt
Nội soi chẩn đoán sớm ung thư đại trực tràng (Phần 1)
Hóa chất Xelox điều trị ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày
Dấu hiệu và triệu chứng của căn bệnh ung thư đại tràng sớm nhất ai cũng nên nằm lòng
Yhocvn.net
Chưa có bình luận.