Thứ Sáu, 02/10/2015 | 15:44

Trước đây, nhiều người châu Á dễ dàng đồng ý với quan điểm “với phụ nữ hạnh phúc chính là gia đình”. Tuy nhiên, hiện nay nhiều chị em chọn cách kết hôn muộn hoặc sống độc thân và tự kiếm cho mình một đứa con.
> Nhiều phụ nữ Việt Nam kết hôn muộn/ Đàn ông độc thân và nỗi quạnh hiu tuổi xế chiều/ 10 lý do nam giới không nên sống độc thân

Có công việc ổn định là một nhà tâm lý, xinh xắn, ăn mặc sành điệu, Yi Zoe Hou, người Đài Loan những tưởng sẽ một mẫu hình lý tưởng mà nhiều chàng trai nhắm tới. Tuy nhiên, dù đã bước sang tuổi 35, chị vẫn độc thân, theo cách gọi của người châu Á là đã “ế chồng”.

“Nếu tôi không thể kiếm được một người chồng Đài Loan, có lẽ tôi sẽ tìm được người phù hợp ở một quốc gia khác”, chị Hou nói.

Tuy nhiên dù không lập gia đình, chị vẫn muốn có con. Chị đang xem xét hai khả năng hoặc là nhờ ngân hàng tinh trùng hoặc nhờ một người bạn trai hiến tinh trùng để có thể có con.

Có thể nói, cách sống của chị đại diện cho một xu thế đang hiện diện ở châu Á.

Phụ nữ châu Á sợ hôn nhân

Phụ nữ châu Á ngày càng kết hôn muộn. Ảnh: Economist.

Theo Economist, so với người châu Âu, người châu Á dễ đàng đồng ý với ý kiến rằng “hạnh phúc của người phụ nữ là ở gia đình”. Họ cũng dễ nói rằng chị em nên bỏ việc khi lập gia đình hoặc khi có con và thường phản đối chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân.

Tuy nhiên, trường hợp của chị Hou cho thấy châu Á đang thay đổi.

Sự thay đổi đầu tiên có thể nhận thấy là, phụ nữ ngày càng lấy chồng muộn hơn và ít hơn so với trước đây. Ở một số nước như Nhật bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Hong Kong, tuổi kết hôn phổ biến của chị em 29-30, còn ở nam giới là 30-31. Trong khi nếu là những năm trước thì những chị em ở độ tuổi này đã được coi là “quá lứa lỡ thì”.

Độ tuổi kết hôn này thậm chí còn cao hơn cả châu Âu. Tại Mỹ, phụ nữ thường lập gia đình ở tuổi 26 còn nam giới là 28.

Sự thay đổi thứ hai có thể nhận thấy là không chỉ kết hôn muộn, một số người thậm chí chọn cách sống độc thân. Trong năm 2010, 1/3 phụ nữ Nhật Bản bước vào độ tuổi 30 vẫn còn độc thân. Trong số này, có lẽ hơn một nửa sẽ không bao giờ lấy chồng.

Tại Đài Loan, tỷ lệ chị em vẫn còn độc thân khi ở độ tuổi 30-34 là 37%, từ 35 đến 39 tuổi là 21%. Những con số này thậm chí cao hơn cả Anh và Mỹ, tại hai nước này chỉ có khoảng 13-15% chị em vẫn còn độc thân khi đã ở giai đoạn cuối tuổi 30.

Trong khi cách đây 30 năm, chỉ có 2% phụ nữ châu Á chọn cách sống độc thân. Nhiều chuyên gia đánh giá “đây là một sự thay đổi mạnh mẽ trong một thời gian ngắn”. Ở Hàn Quốc, các chàng trai thường kêu ca rằng chị em dường như đang “đình công” chuyện lập gia đình.

Không những thế, phụ nữ châu Á sinh cũng sinh ít con hơn. Số con trung bình của một người phụ nữ trong suốt cả cuộc đời đã giảm từ 5,3 vào cuối những năm 1960 xuống dưới 1,6 con.

Những sự thay đổi này trong vấn đề hôn nhân ở châu Á là kết quả của những cải tiến về giáo dục và thu nhập. Vị trí của chị em trong xã hội ngày càng được nâng lên và những mong đợi của họ cũng khác so với thế hệ trước đây. Phụ nữ học càng cao thì càng có xu hướng chọn sống độc thân.

Trong phần lớn nước châu Á, chị em được khuyến khích kết hôn với một người đàn ông có thu nhập và giáo dục cao hơn. Vì thế việc kết hôn là cần thiết trong quá khứ vì khi đó chị em không nhận được một nền giáo dục hoàn chỉnh. Nhưng nay thì hoàn toàn khác, họ được quyền đến trường, học hành như nam giới. Việc có một công việc, thu nhập ổn định giúp chị em có nhiều sự lựa chọn hơn, trong đó có cả việc không lấy chồng.

Ngoài ra, phụ nữ châu Á thường phải gánh trách nhiệm gia đình nặng hơn so với nam giới. Chính điều này đã giảm sức hấp dẫn của hôn nhân với họ.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nước châu Á đều chịu ảnh hưởng của những xu hướng này. Hàn Quốc là một ví dụ, tuổi kết hôn của phụ nữ nước này sớm hơn so với các nước láng giềng. Tỷ lệ chị em sống độc thân cũng thấp hơn.

Phương Trang

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook