Thứ Ba, 07/01/2020 | 23:13

Những tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ và nguyên tắc xử trí

ThS. BS. Trần Lâm Hùng – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam khẳng định: “Không có ca phẫu thuật nào 100% an toàn… Do đó cần chủ động ngăn ngừa, chủ động ứng phó với những tai biến, biến chứng”.

Những tai biến thường gặp trong phẫu thuật thẩm mỹ

Theo ThS. BS Trần Lâm Hùng, tai biến, biến chứng có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào (gây tê, gây mê, phẫu thuật, hậu phẫu,…), biểu hiện phức tạp và diễn biến rất khó lường.

Với nhóm phẫu thuật hút mỡ toàn thân – ghép mỡ, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng như: giảm thể tích tuần hoàn, hạ thân nhiệt, huyết khối – thuyên tắc mạch, hội chứng tắc mạch mỡ, nhiễm trùng, viêm mô tế bào, hoại tử mỡ, sốc sepsis,… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như: hút quá nhiều dịch, mỡ; mất thể tích tuần hoàn; rối loạn điện giải; kỹ thuật viên không nắm được giải phẫu, lý thuyết về giải phẫu học; tàn phá mạch nuôi dưỡng tổ chức da vùng bụng; da và tổ chức dưới da bị thiểu dưỡng;…

Với nhóm phẫu thuật thẩm mỹ vùng hàm mặt như gọt hàm, độn cằm, phẫu thuật hàm hô người bệnh thường gặp các tổn thương mạch máu. Để dự phòng, trước mổ cần nắm vững giải phẫu, lên kế hoạch mổ tỉ mỉ, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, dự trù lượng máu sẽ mất để chuẩn bị sẵn trong trường hợp cần.

Ông Trần Lâm Hùng nhấn mạnh: “Với mỗi loại biến chứng, cần có biện pháp xử trí thích hợp theo phác đồ” phù hợp. Để giảm thiểu rủi ro, cần chú trọng ngay từ khâu thăm khám – xét nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng.

Trong tạo hình thẩm mỹ, bên cạnh những tai biến trên, việc kết quả phẫu thuật có sự chênh lệch với mong muốn của khách hàng cũng được xem là một loại rủi ro cho cơ sở y tế. Do đó, khi bệnh nhân đến thăm khám, tư vấn về dịch vụ thẩm mỹ, nhiệm vụ của bác sĩ là phải hiểu bệnh nhân muốn gì và làm sao để bệnh nhân hiểu rõ kết quả mà mình sẽ nhận được.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Huệ – Phó khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Nhân Dân 115 đã chia sẻ về kinh nghiệm xử trí sự cố trong phẫu thuật: “Nếu tính đủ liều lượng cho phép thì rất khó xảy ra tình trạng ngộ độc thuốc mê. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn hoặc bệnh nhân đang nói chuyện tự nhiên co giật, suy hô hấp, hôn mê thì rất dễ phát hiện. Lúc đó, bác sĩ sẽ tiếp tục cho bệnh nhân thông khí, đặt ống nội khí quản để hồi sức… Trong quá trình gây mê, bác sĩ tiếp tục theo dõi trên điện tim, điện tâm đồ để thấy dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân”.

Đó là lời khuyên mang tính tổng kết của TS. BS Đỗ Quốc Huy – PGĐ Bệnh viện nhân dân 115 về xử trí và hạn chế rủi ro trong thẩm mỹ là: “Ứng phó một cách chủ động, huấn luyện cấp cứu theo tình huống”

Ông chia sẻ: “Tai biến, biến chứng là một phần tất yếu, không thể không có trong các cuộc phẫu thuật. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải chủ động ngăn ngừa, chủ động ứng phó với tiêu chí: an toàn người bệnh, an toàn trong phẫu thuật là vấn đề cốt tử”.

Tiến sĩ chỉ ra 3 sai lầm thường gặp trong công tác hồi sinh tim phổi ở Việt Nam: tổ chức chưa tốt, lãng phí thời gian, kỹ thuật chưa đạt. Ông nhấn mạnh, trong xử trí tai biến phẫu thuật, “thời gian là tính mạng, mỗi một phút trôi qua là mất 10% cơ may cứu sống người bệnh”.

Theo đó, nếu toàn đội ngũ tham gia cấp cứu được huấn luyện tốt, được trang bị đầy đủ và tổ chức hợp lý thì tỉ lệ cứu sống người bệnh bị tai biến, biến chứng có thể lên tới hơn 50%.

Trong buổi thảo luận, nhiều biện pháp nhằm nâng cao tính an toàn trong phẫu thuật thẩm mỹ đã được đưa ra. Các bác sĩ đều thống nhất, vấn đề cốt lõi để thay đổi chất lượng ngành thẩm mỹ là nhân tố con người. Theo đó, để phòng ngừa sự cố y khoa, cần xem việc phòng tránh tai biến, biến chứng thẩm mỹ như một vấn đề y tế công cộng của mọi người. Đó không chỉ là trách nhiệm của từng cá nhân mà còn là của toàn ngành y tế.

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook