Ghép tế bào gốc điều trị bệnh hiểm nghèo về máu
Tính đến tháng 5/2016, sau gần 10 năm (11/2006- 5/2016) triển khai thực hiện phương pháp ghép tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã thực hiện thành công 204 ca ghép, chiếm xấp xỉ 50% tổng số ca ghép tế bào gốc được thực hiện trên toàn quốc. Với việc làm chủ kỹ thuật ghép tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã mang lại sự hồi sinh kỳ diệu cho nhiều bệnh nhân không may mắc các bệnh hiểm nghèo về máu.
Bước đi đột phá của Viện
Giai đoạn 1984 – 2003, khi điều kiện cơ sở vật chất và con người của Viện Huyết học và Truyền máu còn hạn chế nhưng lãnh đạo tiền nhiệm của Viện đã nhận thức được rất sớm về vai trò của tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý về huyết học để đề ra định hướng đúng đắn, chỉ đạo thực hiện thành công các nghiên cứu về tế bào gốc tạo máu và cử cán bộ của Viện sang học tập về ghép tế bào gốc tại Viện sức khỏe Hoa Kỳ…
Giai đoạn 2003 – 2009, dưới sự lãnh đạo của GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, các hoạt động về tế bào gốc đã thực sự phát triển và đi vào thực tiễn. Tháng 11/2005, Khoa Điều trị tự nguyện (C8a), tiền thân của khoa Ghép tế bào gốc hiện nay đã được ra đời. Tháng 11/2006, ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đa u tủy xương đã được thực hiện thành công. Đến tháng 5/2008, Viện tiếp tục thành công với ca ghép tế bào gốc đồng loại đầu tiên, đánh dấu một kỷ nguyên mới, đó là đưa ghép tế bào gốc thực sự trở thành một phương pháp điều trị đầy triển vọng cho các bệnh nhân mắc bệnh lý huyết học điều trị tại Viện.
Giai đoạn từ 2010 – 2016, việc ghép tế bào gốc đã phát triển nhanh chóng tại Viện. Cột mốc đánh dấu cho giai đoạn bùng nổ này là việc Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chuyển đến cơ sở mới, mang lại điều kiện cần thiết và tạo nền móng cho việc phát triển các công nghệ mới, trong đó có công nghệ ghép tế bào gốc. Đặc biệt, tháng 1/2016, Viện đã chủ động tự đầu tư từ nguồn vốn phát triển sự nghiệp để cải tạo nâng cấp và hoàn thiện khu vực phòng bệnh ghép đạt tiêu chuẩn quốc tế, ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới. Viện đã có những bước đột phá quan trọng như cho ra đời Khoa Ghép Tế bào gốc (năm 2010); Trung tâm Tế bào gốc (tháng 4/2012) bên cạnh việc tiến hành xây dựng các quy trình hoạt động và thực hiện tốt việc thu thập, xử lý, bảo quản, lưu trữ tế bào gốc và các xét nghiệm về tế bào gốc – ghép. Bước đột phá thứ ba là, triển khai thành công “Ngân hàng máu dây rốn cộng đồng”, với Quyết định thành lập số 4232/QĐ-BYT ngày 12/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Đây là Ngân hàng máu dây rốn cộng đồng đầu tiên trong cả nước, cung cấp đáng kể nguồn tế bào gốc để ghép điều trị cho bệnh nhân không có người hiến tế bào gốc cùng huyết thống.
Giai đoạn 2012 – 2014, Viện đã liên tục cử 3 đoàn cán bộ sang học tập và trao đổi kinh nghiệm tại Nhật Bản để cập nhật các kiến thức về ghép tế bào gốc. Viện cũng đã thiết lập được những mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các tổ chức và cá nhân quốc tế, như: Mạng lưới toàn cầu về máu và ghép tủy (WBMT), Bệnh viện thứ nhất Nagoya Chữ thập đỏ Nhật Bản; Viện Sức khỏe Hoa Kỳ…
Ngoài ra, Viện cũng đã thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có 01 đề tài cấp Nhà nước và 01 đề tài cấp Bộ. Viện cũng tích cực triển khai các Hội nghị khoa học về Tế bào gốc để có cơ hội được trao đổi, học hỏi thêm kinh nghiệm và cập nhật kiến thức từ các đồng nghiệp trong nước và quốc tế.
Những kết quả đáng ghi nhận
Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, GS.TS. Nguyễn Anh Trí khẳng định: từ ca ghép tế bào gốc đầu tiên vào tháng 6/2006, đến nay, số ca ghép của Viện đã tăng lên với tốc độ rất nhanh. Từ mức 4 – 6 ca ghép/năm của giai đoạn trước, đã tăng lên 19 ca ghép năm 2011 và hiện nay, trung bình 50 ca/năm, đưa tổng số ca ghép tính đến tháng 5/2016 lên đến 204 ca; trong đó có 111 trường hợp ghép tự thân và 93 trường hợp ghép đồng loài. Hiện nay, ghép tế bào gốc tự thân cho các nhóm bệnh đa u tủy xương và u lympho ác tính đã trở thành phương pháp điều trị thường quy của Viện. Quy trình ghép ngày càng được hoàn thiện giống như phác đồ chuẩn của thế giới. “Ghép tế bào gốc đồng loài được coi là bước đột phá lớn trong lĩnh vực Y học nước nhà và là 1 trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật của Việt Nam năm 2012”, GS.TS. Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Sau 10 năm tiến hành ghép tế bào gốc, đối với ghép tự thân và đồng loại tỷ lệ bệnh nhân còn sống đến thời điểm 5/2016 tương ứng là 70% và 63,3%. Đặc biệt, trong nhóm ghép đồng loại các bệnh nhân thuộc nhóm bệnh máu lành tính hiệu quả ghép khá cao đạt 89,6%
Với việc thực hiện hơn 200 ca ghép tế bào gốc, xấp xỉ chiếm 50% tổng số ca ghép được thực hiện trên toàn quốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã đuổi kịp số lượng ca ghép được thực hiện tại Bệnh viện Huyết học thành phố Hồ Chí Minh trong 21 năm (210 ca). Với những nỗ lực đó, Viện đã khẳng định vị thế của mình trong ngành Huyết học – Truyền máu nói riêng và trong ngành Y tế nói chung. Theo GS.TS. Nguyễn Anh Trí, để đạt được những kết quả trên là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc của Bộ Y tế; sự lãnh đạo đúng đắn, có định hướng, có trọng điểm của Ban lãnh đạo Viện; sự quyết tâm đồng lòng và phối hợp hiệu quả của toàn thể các cán bộ, nhân viên của Viện. Ngoài ra, bên cạnh việc đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cùng với việc đầu tư và phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày một tiện nghi, hiện đại, Viện đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực, hội chẩn và trao đổi thông tin với các chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước… Trong thời gian tới, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương sẽ tiếp tục phát triển mạnh lĩnh vực ghép tế bào gốc với nhiều hình thức ghép và nhóm bệnh có chỉ định ghép, góp phần đem lại hiệu quả tốt hơn trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, được tổ chức vào ngày 16/5/2016, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế) bày tỏ: “Bản thân tôi xúc động bởi lẽ, hệ thống khám, chữa bệnh Việt Nam đã đem lại niềm hạnh phúc cho nhiều người dân Việt Nam. 204 ca ghép tế bào gốc trong 10 năm là một sự nỗ lực không ngừng, không mệt mỏi, một sự sáng tạo hết sức đáng khâm phục của Viện”.
Tại Hội nghị, còn có những vị khách vô cùng “đặc biệt” đó là những bệnh nhân đã được “hồi sinh” sự sống nhờ ghép tế bào gốc tại Viện như bệnh nhân Nguyễn Thị Thanh Hương (Bắc Giang), người được ghép tế bào gốc để có cuộc sống hoàn toàn khỏe mạnh, xúc động nói: “Tôi xin cảm ơn, cảm ơn rất nhiều các bác sỹ đã ghép tế bào gốc để tôi được trở về cuộc sống bình thường, được ở bên bố mẹ, anh chị em. Tôi mong rằng sẽ có nhiều bệnh nhân như tôi, những cô gái, những chàng trai với tương lai ở phía trước, những em bé không may mắn mắc bệnh máu sẽ được thực hiện phương pháp ghép tế bào gốc để được hồi sinh”. Hay như Bệnh nhân Trần Thế Thành (Hà Nội), được ghép tế bào gốc tự thân từ năm 2006 chia sẻ: “Hôm nay tôi được đứng ở đây là một điều kỳ diệu, đó là điều kỳ diệu của số phận, của y học và sự kỳ diệu của những tấm lòng. Tôi mắc bệnh nặng nhưng số phận đã cho tôi gặp thầy, gặp thuốc, tôi được thừa hưởng những thành tựu tuyệt vời của y học và đặc biệt là tôi gặp được những tấm lòng của người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh nơi đây”. Bệnh nhân Hoàng Diệu Thuần (cô gái Hoa hướng dương) trở lại nơi đã dành lại sự sống sau 4 năm ghép, bùi ngùi xúc động khi thực sự đã hoàn toàn khỏe mạnh trở lại. Trên trang cá nhân, cách đây đúng 1 tháng, Diệu Thuần chia sẻ niềm vui khi nhận kết quả xét nghiệm BCR một cách giản dị: “Em không phải uống thuốc nữa. Chuyện bây giờ mới khoe”. Với những bệnh nhân ghép như Thuần thì đây là niềm vui rất lớn, là ước mơ đã trở thành hiện thực khi họ không còn phải phụ thuộc vào thuốc. |
Yhocvn.net.TH
Chưa có bình luận.