Chủ Nhật, 06/09/2015 | 12:10

Ong đốt cũng là một loại nhiễm nọc độc từ động vật thường gặp ở cả miền rừng núi, nông thôn, thành thị.

Ong mật hay gây dị ứng, trong khi ong vò vẽ và ong bắp cày lại gây nhiễm độc thực sự.

Bệnh nhân bị ong đốt nhiều nốt nếu đến viện chậm trễ, không được xử trí đúng và kịp thời dễ bị nhiễm nọc độc ong nặng nề, hậu quả kéo dài lên các cơ quan, đặc biệt là thận, thậm chí tử vong.

Nhiễm nọc độc do ong đốt: nhân dạng loại ong, sơ cứu, điều trị
Nhiễm nọc độc do ong đốt: nhân dạng loại ong, sơ cứu, điều trị

Thông tin chung về các loài ong thường gặp

Ong mật

– Nước ta hiện có 5 loài ong bản địa (ong nội, ong khoái, ong ruồi đỏ, ong ruồi đen và ong đá) và ong nhập từ nước ngoài.

– Nhận dạng: đốt bàn chân sau cùng (chân thứ 3) to lên và mang theo cục phấn hoa (giỏ phấn), khi đốt để lại ngòi, tổ có mật. Ong khoái (ong gác kèo) làm tổ to trên cành cây cao, vách đá, tổ treo xuống như bọng nước, ong to, rất dữ tợn.

– Độc tính: chủ yếu gây đau, sưng nề, có thể dị ứng, sốc phản vệ.

Ong vò vẽ, ong bắp cày

– Nhận dạng: ong vò vẽ (ong bồ vẽ, ong mặt quỷ) làm tổ trên cây, mái nhà, cột, … tổ có hoa văn như vân gỗ, hình bầu nậm hoặc hình khối lớn chỉ có một lỗ để ong ra vào, hung dũ. Ong bắp cày (ong mặt ngựa, ong đất, ong bù trình) làm tổ dưới mặt đất, thường dùng tổ mối đã bỏ đi, hốc đất, người đi rừng dễ dẫm phải. Ong rất to, có thể cỡ ngón tay, rất hung dữ.

– Độc tính: rất độc, gây tổn thương nhiều ở vùng bị đốt, độc với cơ, thận, máu. Dễ tử vong, gia súc lớn bị đốt cũng có thể chết.

Nguyên nhân bị ong đốt

– Thường do người dân không để ý động chạm vào cây có tổ ong, hoặc dẫm lên tổ ong (đi trong rừng)

– Trẻ em chọc phá tổ ong, trêu ong

– Tổ ong thường ở các vị trí ít có người (như các tầng nhà phía trên ít dùng đến, dưới nóc nhà)

Biểu hiện nhiễm độc do nọc độc ong đốt

Ong mật

Sau khi bị đốt, nạn nhân thường chỉ đau, có thể sưng vùng vết cắn. Có thể nhìn thấy ngòi đốt bé như mẩu tóc ngắn. Da ở vị trí vết đốt không bị tổn thương, không để lại sẹo.

Vết đốt vùng mặt và cổ có thể gây sưng nền vùng cổ và khó thở, nguy hiểm tính mạng.

Một số trường hợp bị dị ứng: mày đay, ngứa, nặng có thể có khó thở, tụt huyết áp (sốc phản vệ) có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Ong vò vẽ, ong bắp cày

Hậu quả nặng và thường gặp nhất khi bị ong vò vẽ, ong bắp cày đốt là suy thận. Thường do nạn nhân bị đốt nhiều, đến cơ sở y tế chậm trễ, không được xử trí đầy đủ và kịp thời dễ dẫn nhiễm độc nặng hoặc tử vong, phải chạy thận nhân tạo nhiều lần, việc chữa trị rất tốn kém và kéo dài.

Sau khi bị đốt thường đau, sưng nền đỏ vùng vết đốt, có thể có quần đỏ tím rộng trên da quanh vết đốt, thường da vị trí vết đốt bị tổn thương (hoại tử) màu trắng, đường kính vết hoại tử khoảng 2-5mm. Sau này vết đốt để lại sẹo. Ong đốt không để lại ngòi

Nếu số lượng vết đốt nhiều (trên 10 vết), nạn nhân thường bị nhiễm độc thực sự:

Tổn thương cơ: đau vùng bị đốt, khát nước, đái ít dần, nước tiểu màu đỏ dễ dẫn tới suy thận.

Tan máu (hồng cầu bị vỡ): nước tiểu màu sẫm hoặc đen, thiếu máu, sau vài ngày vàng da.

Rối loạn đông máu, chảy máu: máu dễ bị chảy và khi đã chảy thì khó cẩm, chảy máu răng, lợi, mũi, đái máu, đại tiện ra máu hoặc chảy máu ở các nội tạng.

Có thể có khó thở, hôn mê, co giật, suy tim cấp (rất nặng).

Ong đốt vào vùng mặt, cổ nọc độc ong cũng dễ gây sưng nề và khó thở, nguy hiểm tính mạng.

Chẩn đoán khi bị ong đốt

Để xác định ong đốt hay không, loại ong gì và mức độ nhiễm độc, bác sĩ sẽ dựa vào các thông tin sau:

– Các đặc điểm đặc trưng của ong và tổ ong.

– Các thông tin khi hỏi bệnh, khám, xét nghiệm và theo dõi điều trị.

Điều trị khi bị ong đốt

Sơ cứu

Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có ong.

Dùng kẹp nhổ tóc để nhổ, hoặc dùng cạnh sắc của miếng bìa, thẻ tín dụng, thẻ điện thoại, … để gạt và lấy ngòi ong ra (nếu là ong mật, bệnh nhân biểu hiện nhẹ và số lượng vết đốt ít).

Cho bệnh nhân uống nhiều nước: tốt nhất dùng nước ORESOL, hoặc nước khoáng, nước quả.

Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để khám.

Gọi cấp cứu và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất ngay nếu:

– Số lượng vết đốt nhiều từ 10 nốt trở lên

– Ong rừng đốt

– Bị đốt vào các vùng mặt, cổ, miệng, họng (có thể gây tắc thở hoặc mù mắt)

– Bệnh nhân có biểu hiện khó chịu, ví dụ:

+ Đau nhiều, sưng nề nhiều vùng bị đốt.

+ Mẩn ngứa

+ Khó thở

+ Mệt nhiều

+ Đái ít

+ Vàng mắt, vàng da.

Bệnh nhân khó thở: hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng phương tiện hiện có.

Không tự dùng thuốc (dù là thuốc y học cổ truyền hay thuốc tân dược), không bôi vôi vì tốn thời gian, không tốt nếu vết cắn nhiều, vết đốt ở mặt, cổ, miệng.

Tại cơ sở y tế

Các bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị tùy theo tình trạng của bạn, số lượng nốt đốt nhiều hay ít, bạn đến viện sớm hay muộn:

– Truyền dịch và dùng thuốc lợi tiểu: đặc biệt khi bạn đến viện kịp thời, số nốt đốt nhiều, ong vò vẽ hoặc bắp cày đốt.

– Dùng thuốc chống dị ứng: nếu bạn có biểu hiện dị ứng

– Các phương pháp lọc máu nhân tạo: khi số lượng vết đốt nhiều hoặc khi bạn bị suy thận không có nước tiểu.

– Các biện pháp khác: giảm đau, truyền máu, thở máy,…

Bạn cần làm gì:

– Thực hiện theo các hướng dẫn của y bác sĩ, đặc biệt:

+ Phối hợp theo dõi diễn biến lượng nước tiểu, tổng lượng nước tiểu trong ngày.

+ Uống nước với số lượng theo hướng dẫn.

Phòng tránh bị ong đốt

– Không trêu chọc ong. Không phá tổ ong nếu không cần thiết.

– Cần kiểm tra các tầng nhà hoặc phòng để hoang vì ong dễ đến làm tổ.

– Phát hiện sớm tổ ong và phá bỏ nếu ở nơi đông người, nơi nhiều người đi lại hoặc trong hộ gia đình. Nên phá ngay khi tổ ong mới xây (còn nhỏ, thường tháng 3-4)

– Không nên coi ong vào nhà hoặc làm tổ trong nhà là báo hiệu điều tốt lành.

– Khi đi vào rừng, tránh mặc quần áo sáng màu, màu sặc sỡ. Không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm… có mùi thơm và ngọt. Không đi chân đất, không mặc quần áo quá rộng. Đội mũ có lưới che, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín nếu có thể.

– Khi ong bay đến, không chạy, cần đứng hoặc ngồi im và không cử động (ong sẽ không nhìn thấy nữa)

– Nếu bị ong tấn công có thể dùng bất cứ loại bình xịt nào có sẵn mùi khó chịu hoặc dùng khói để xua đuổi (không làm nếu nguy cơ cháy rừng)

– Cách loại bỏ tổ ong: hun khói (không làm nếu nguy cơ gây cháy), bình xịt diệt côn trùng, diệt muỗi để xua ong đi hết. Sau đó dùng màn hoặc lưới mắt nhỏ để bọc tổ ong và gỡ đi (để tránh trường hợp ong còn trong tổ). Người làm mặc quần áo dày hoặc áo mưa (loại nhựa dày) và đầu đội mũ kín, đi găng.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook