Chủ Nhật, 06/09/2015 | 12:10

Sốc phản vệ là một trong những phản ứng dị ứng tức thì nguy hiểm nhất, có thể gây tử vong nhanh chóng trong vòng một vài phút. Nó tác động xấu đến rất nhiều hệ thống cơ quan của người bệnh cùng một lúc, kết quả do sự giải phóng ồ ạt các hóa chất trung gian từ các tế bào mast, basophil… Rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây sốc phản vệ, thường gặp nhất là các loại thuốc, thức ăn, hóa chất và nọc côn trùng…

Ước tính khoảng 1-2% dân số toàn thế giới có ít nhất một lần sốc phản vệ trong đời, riêng Châu Âu là 4-5 trường hợp Sốc phản vệ/10.000 dân, ở Mỹ những năm gần đây là 58.9 trường hợp trên 100.000 dân. Tỷ lệ tử vong của sốc phản vệ ước tính là 1%. Trong lĩnh vực y tế, tất cả các loại thuốc đều có thể gây sốc phản vệ và dẫn đến tử vong dù được đưa vào cơ thể bằng bất cứ đường nào, thường gặp nhất là các kháng sinh nhóm bêta lactam, thuốc chống viêm giảm đau, vacxin, huyết thanh, thuốc cản quang có iod và một số thuốc gây tê, gây mê…. Tỷ lệ sốc phản vệ của các loại thuốc là 37/100.000 liều dùng và tỷ lệ tử vong là 1-2/100.000 liều điều trị.

Nguyên nhân gây sốc phản vệ:

Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó thuốc là nguyên nhân hàng đầu, tiếp đến là thức ăn, nọc côn trùng. Thuốc nào cũng có thể gây dị ứng, song hay gặp là các thuốc kháng sinh: nhất là kháng sinh họ bêta lactam (penicillin, ampicillin, amoxycilin…), các thuốc chống viêm không steroid: salicylat, colchicin, mofen, indomethacin; các thuốc chống co giật, các vitamin, các loại dịch truyền: glucose, nutrisol, alvesin, bestamin, tryphosan; thuốc gây tê: procain, novocain, lidocain thiopental; thuốc cản quang có iod: visotrat; các hormon: isuline, ACTH, vasopressin, các loại vacxin, huyết thanh: vacxin phòng dại, phòng uốn ván, huyết thanh kháng bạch cẩu, uốn ván, các thuốc khác: visceralgin, aminazin, paracetamol. Efferalgan-codein…

Các nguyên nhân khác gây sốc phản vệ

– Thức ăn: có nhiều loại thức ăn nguồn gốc động vật, thực vật, gây Sốc phản vệ như: cá thu, cá ngừ, xôi gấc, tép, tôm, ốc, trứng, sữa, nhộng, dứa, khoai tây, soài, lạc, đậu nành, chất phụ gia….

Triệu chứng

Ngay sau khi tiếp xúc với dị nguyên hoặc muộn hơn, xuất hiện cảm giác khác thường (bồn chôn, hốt hoảng, sợ hãi..) tiếp đó xuất hiện triệu chứng ở một hoặc nhiều cơ quan:

– Rét run

– Da, niêm mạc: mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay, phù Quincke, da tái lạnh, vã mồ hôi.

– Tim mạch: mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt hoặc không đo được.

– Hô hấp: khó thở (kiểu hen, thanh quản), nghẹt thở.

– Đau quặn bụng, ỉa đái không tự chủ

– Đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê.

– Choáng váng, vật vã, giãy giụa, co giật.

Chẩn đoán sốc phản vệ:

Khi có 1 trong 3 tiêu chuẩn sau:

* Các triệu chứng xuất hiện cấp tính (trong vài phút đến vài giờ) ở da, niêm mạc và ít nhất 1 trong 2 triệu chứng sau

– Các triệu chứng hô hấp (khó thở, thở rít, ran rít, giảm PEF, giảm oxy máu)

– Tụt HA hoặc các hậu quả của tụt HA như ngất, đái ỉa không tự chủ.

* Ít nhất 2 trong 4 triệu chứng sau xuất hiện trong vòng vài phút- vài giờ sau khi người bệnh tiếp xúc với thuốc

– Biểu hiện ở da, niêm mạc

– Các triệu chứng hô hấp

– Tụt HA hoặc các hậu quả của tụt HA

– Các triệu chứng tiêu hóa kéo dài (nôn, đau bụng do co thắt)

* Tụt huyết áp xuất hiện vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc với 1 dị nguyên mà người bệnh đã từng bị dị ứng.

– Trẻ em: giảm ít nhất 30% HA tâm thu  hoặt tụt HA tâm thu so với tuổi

– Người lớn: HA tâm thu < 90mmHg hoặc giảm 30% giá trị HA tâm thu.

Xử lý sốc phản vệ

* Ngừng ngay đường tiếp xúc với dị nguyên (thuốc tiêm, uống, bôi, nhỏ mắt, mũi…)

– Cho bệnh nhân nằm tại chỗ, ủ ấm, đầu thấp chân cao, nằm nghiêng nếu có nôn

– Adrenaline là thuốc cơ bản để chống sốc phản vệ phải dùng ngay lập tức, dung dịch 1/1000, ống 1ml = 1mg, tiêm bắp ở mặt trước bên đùi, liều như sau:

+ 0,2 – 0,5ml (1/5 – 1/2 ống) ở người lớn

+ 0,01mg/kg ở trẻ em, không quá 0,3mg (ống 1ml (1mg) + 9ml nước cất = 10ml) sau đó tiêm 0,1ml/kg.

Có thể tiêm bắp nhắc lại 3 lần với khoảng cách < 5 phút, nếu sau mỗi lần tiêm bắp mà chưa thoát sốc. Có thể dùng bơm tiêm adrenalin tự động định liều chuẩn (epipen, pencit liều 0,3mg cho người lớn và 0,15mg cho trẻ em, tiêm ở mặt trước bên đùi.

Nếu tình trạng sốc không được cải thiện sau 3 lần tiêm bắp, thiết lập ngay đường truyền adrenline tĩnh mạch, liều khởi đầu 0,1µ/kg/phút (khoảng 0,3mg/giờ ở người lớn, điều chỉnh tốc độ truyền theo huyết áp, đến liều tối đa 2-3mg/giờ cho người lớn. Tốt nhất nên truyền qua bơm tiêm điện hoặc máy truyền dịch, có thể dùng nhỏ giọt tĩnh mạch.

* Các phương pháp và thuốc khác

– Thở oxy 6-8 L/phút

– Bóp bóng Ambu có oxy

– Salbutamol 5mg khí dung qua mặt nạ hoặc xịt họng salbutamol 100mcg 2-4 nhát, 4-5 lần trong ngày hoặc terbutaline 0,5mg, 1 ống tiêm dưới da ở người lớn và 0,2 ml/10 kg ở trẻ em. Tiêm lại sau 6-8 giờ nếu không đỡ khó thở.

– Methylprednisolone 1-2mg/kg/4 giờ hoặc hydrocortisone hemisuccinate 5mg/kg/giờ tiêm tĩnh mạch. Dùng liều cao hơn nếu sốc nặng (gấp 2-5 lần)

– Natriclorua 0,9% 1-2 lít ở người lớn, không quá 20ml/kg ở trẻ em

Diphenhydramine 25mg hoặc dimedrol 10mg 2 ống tiêm bắp hay tĩnh mạch.

– Cimetidine 300mg 2 ống hoặc ranitidine 50mg 1 ống hoặc famotidine 40mg 1 ống tiêm tĩnh mạch chậm.

– Uống than hoạt 1g/kg nếu dị nguyên qua đường tiêu hóa, đặc biệt trong giờ đầu.

– Băng ép chi phía trên chỗ tiêm hoặc đường vào của nọc độc.

– Đặt ống nội khí quản, thông khí nhân tạo. Mở khí quản nếu có phù thanh môn.

Chú ý:

– Theo dõi bệnh nhân ít nhất 72 giờ sau khi huyết áp đã ổn định.

– Điều dưỡng có thể sử dụng adrenaline dưới da theo phác đồ khi y, bác sĩ không có mặt.

Dự phòng sốc phản vệ

Để phòng ngừa và giảm thiểu các tai biến, tử vong do sốc phản vệ gây ra, các thầy thuốc và các cơ sở y tế cần thực hiện một số yêu cầu sau:

– Khi khám bệnh, thầy thuốc phải khai thác kỹ tiền sử dị ứng của người bệnh, lưu ý các bệnh như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, chàm, mẩn ngứa, phù Quincke, tiền sử dị ứng hoặc sốc phản vệ do thuốc, thức ăn, côn trùng đốt…

– Thầy thuốc khai thác kỹ tiền sử dị ứng, ghi vào bệnh án hoặc sổ khám bệnh những thông tin khai thác được về tiền sử dị ứng của người bệnh. Khi phát hiện người bệnh có tiền sử dị ứng hoặc sốc phản vệ với một loại thuốc hoặc dị nguyên, thầy thuốc phải cấp cho người bệnh phiếu theo dõi dị ứng ghi rõ các thuốc và dị nguyên gây dị ứng, nhắc người bệnh đưa phiếu này cho thầy thuốc mỗi khi khám chữa bệnh.

– Với tất cả các loại thuốc, nên dùng đường uống nếu có thể. Chỉ dùng đường tiêm khi người bệnh không thể uống thuốc, đường uống kém hiệu quả hoặc không có thuốc dùng đường uống.

– Không được dùng các thuốc đã gây dị ứng và sốc phản vệ cho người bệnh.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook