Thứ Tư, 18/05/2016 | 10:11

Chứa nhiều chất dinh dưỡng và có khả năng phòng, chữa bệnh nhưng gạo nếp cũng có các tác dụng phụ không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Gạo nếp chứa nhiều chất xơ không hoà tan, có khả năng chống oxy và đề phòng một số bệnh như ung thư tuyến tính, trực tràng… Ngoài ra, gạo nếp còn có tính ấm, vị ngọt, dễ tiêu hoá, giúp làm ấm bụng.

Ăn gạo nếp thường xuyên còn có thể phòng trị bệnh thiếu máu do thiếu chất sắt. Nhờ có các loại axit amin và các nguyên tố vi lượng, gạo nếp còn có khả năng kỳ diệu là tăng sự hấp thu sắt cho cơ thể khi kết hợp với một số loại thực phẩm như rau xanh, trái cây, thịt nạc.

Lưu ý ‘tác dụng phụ’ của gạo nếp để bảo vệ sức khỏe gia đình

Ăn gạo nếp thường xuyên còn có thể phòng trị bệnh thiếu máu

Gạo nếp cũng là nguyên liệu chính cho nhiều bài thuốc bổ, lợi mật, giảm đau…

Gạo nếp hấp rượu vang: gạo nếp 250g, rượu vang 500ml, trứng gà hai quả. Tất cả cho vào bát to, đem hấp cách thuỷ cho chín, chia ăn vài lần. Dùng để bồi bổ cho người suy nhược cơ thể sau khi bị bệnh nặng.

Gạo nếp mật ong: gạo nếp 30g tán ra bột mịn, nấu thành dạng hồ loãng, chế thêm 30g mật ong, chia ăn vài lần trong ngày để dùng cho người miệng khát muốn uống nhiều nước, ăn kém, hay nôn và buồn nôn. Phương thuốc này còn có tác dụng lợi mật, giảm đau.

Cháo gạo nếp hạt sen: người bệnh mới khỏi, cơ thể suy nhược, lấy gạo nếp, hạt sen lượng vừa đủ, đem nấu thành cháo. Mỗi ngày ăn sáng và tối.

Gạo nếp sắc với gừng: gạo nếp 20g, sao vàng; gừng tươi ba lát giã nhỏ. Đem hai thứ sắc với 200ml nước còn 50ml, uống trong ngày để chữa nôn mửa không dứt. Cách khác, gạo nếp, mạch môn, đẳng sâm mỗi thứ 12g, bán hạ 6g, cam thảo 4g, nấu nước uống.

Cháo gạo nếp đậu đen: gạo nếp 100g, đậu đen 30g, hồng táo 30g, đun thành cháo. Mỗi ngày ăn từ 1 – 2 lần, trị thiếu máu do thiếu sắt.

Cháo gạo nếp đậu xanh: gạo nếp 100g, đậu xanh 50g, nấu cháo ăn để hỗ trợ điều trị chứng tiêu khát của bệnh đái tháo đường. Cách khác, hoa gạo nếp (lúa nếp rang cho nổ trắng ra, bỏ vỏ), vỏ lụa cây dâu (vỏ trắng) mỗi thứ 100g, sắc uống.

Cháo gạo nếp nấu suông: còn gọi là cháo hoa (lấy gạo nếp, cho thêm nước vào nấu chín) có tác dụng làm mát ruột cho những trường hợp nặng bụng. Nếu nấu nhừ với chân giò hoặc móng giò heo, lõi thông thảo, đu đủ non và lá sung sẽ giúp làm tăng tiết sữa.

Ngoài những lợi ích kể trên gạo nếp cũng có một số tác dụng phụ mà bà nội trợ nào cũng cần biết để bảo vệ sức khỏe cả gia đình.

Gạo nếp vốn chứa nhiều amilopectin tạo nên độ dẻo đặc trưng của cơm nếp, tuy nhiên chất amilopectin này lại hay gây nên chứng khó tiêu. Vì vậy, trẻ nhỏ, người già, người mới ốm dậy, người tỳ vị quá hư nhược không nên ăn nhiều đồ nếp.

BS.CK I Đông Y Bùi Văn Phao cho biết, gạo nếp có tính ôn ấm nên khi ăn nhiều có thể bị nóng. Trong đông y khuyến cáo những người có thể chất thiên nhiệt hoặc đàm nhiệt, những người đang bị bệnh có sốt, ho khạc đờm vàng, vàng da, chướng bụng… nên tránh dùng đồ nếp. Những người mới phẫu thuật, người có những chỗ bị sưng viêm nên kỵ đồ nếp nếu không sẽ gây mưng mủ.

Với những người muốn giảm béo thì không nên lựa chọn xôi vào thực đơn ăn sáng bởi xôi nấu từ gạo nếp, cộng thêm các loại đậu, dừa nạo, vừng… cung cấp cho bạn tới 600 calo/đĩa xôi (trong khi 1 bát phở chỉ chứa 400 calo). Đó là còn chưa kể bạn ăn các loại xôi gà, xôi thịt, xôi trứng….

Những bệnh nhân mắc tiểu đường hoặc tim mạch cũng không nên ăn món này. Vì trong thành phần có chứa rất nhiều tinh bột, đường, chưa kể các chất béo trong các loại thực phẩm ăn kèm sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tim mạch cũng như ảnh hưởng đến quá trình sản sinh ra insulin của tuyến tụy.

Theo VTC

Nguồn: TTOnline

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook