Loại da không nên sử dụng phương pháp lăn kim và những cẩn trọng nên biết
Thực chất, lăn kim là một dụng cụ thẩm mỹ chứ không phải thần dược hay có tác dụng thần thánh như nhiều Spa, thẩm mỹ viện quảng cáo.
Lăn kim gồm một vòng quay xi lanh gắn khoảng 200 mũi kim nhỏ trên đó và có tay cầm. Các mũi kim rất bén và nhỏ, có nhiều kích cỡ được sử dụng tùy theo tình trạng da thường có đường kính 0,1 – 0,25mm và dài 0,25 – 2,5mm, được làm bằng thép không rỉ, chỉ dùng trong y tế. Sau khi gây tê tại chỗ, thiết bị được áp lên vùng điều trị từ 15 – 20 lần. Khi lăn trên mặt, các mũi kim sẽ đâm vào da tạo ra các tổn thương giả. Cơ thể sẽ vận dụng các tổn thương giả này để kích thích tối đa quá trình tự làm lành vết thương của da. Chu trình này kéo dài trong khoảng 8 tuần, do đó phương pháp này còn được gọi là tăng sinh collagen. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể lăn kim, tùy theo tình trạng da và sức khỏe mà các chuyên gia, bác sĩ sẽ tư vấn chọn lựa phương pháp cũng như độ dài kim phù hợp.
Nghĩ lăn kim là phương pháp đơn giản nên để tiết kiệm chi phí nhiều chị em đã mua kim về tự lăn ở nhà. Rủi ro của việc này là chị em không thể xác định được nguồn gốc kim lăn với đầy đủ các mức giá từ 100, 300 đến 700, 800 ngàn đồng được gắn quảng cáo sản xuất với công nghệ Thụy Sĩ, Singapore, Hàn Quốc…. Đâu là thật đâu là giả và phải chọn loại nào cho phù hợp với loại da của mình là điều cần đến chuyên môn.
Trên thực tế, 1 cây lăn kim sử dụng được từ 2-3 lần là phải thay mới để bảo đảm vệ sinh, quan trọng nhất vẫn là chất lượng kim không được quá bén, không được quá cùn, độ dài phải đồng đều, chất liệu là thép không gỉ để tránh da bị tổn thương quá nặng hoặc nhiễm trùng… Tuy nhiên nhìn bằng mắt thường thì khó mà phát hiện ra được. Chính vì vậy, việc “tự xử” không cần ý kiến bác sĩ chuyên môn là điều nguy hiểm. Chưa kể nhiều cơ sở tư nhân khá liều lĩnh, không có bác sĩ đủ trình độ chuyên môn mà vẫn sử dụng kim lăn kém chất lượng, chưa được kiểm định của Bộ Y tế, không những không mang lại hiệu quả, mà có thể sẽ gây những tổn thương nặng nề cho da.
Người nào không nên sử dụng phương pháp lăn kim
Lăn kim không nên thực hiện khi người bị viêm da cơ địa, trứng cá đỏ, vảy nến, dày sừng ánh sáng, mụn lồi có cuống, mụn cóc, mụn mủ, mụn dộp, mụn trứng cá ở giai đoạn hoạt động, sẹo lồi, vết thương hở, vùng cần điều trị đang có tình trạng nhiễm trùng như nhiễm HSV (Herpes Simplex Virus), nhiễm nấm, nhiễm khuẩn, nhiễm trùng cấp tính hay viêm da.… Lăn kim có thể làm lan rộng và nặng thêm những tình trạng này. Đặc biệt là không dùng cho trẻ em.
Ngoài ra, người có bệnh lý đái tháo đường, rối loạn đông máu hay đang dùng thuốc kháng đông, bệnh lý mạch máu collagen, xơ cứng bì cũng nên xem xét cẩn thận trước khi thực hiện thủ thuật này.
Tai biến khi sử dụng phương pháp lăn kim không đúng cách
Tai biến hay gặp nhất là thâm nám sau lăn kim, hay còn gọi là tăng sắc tố sau viêm (PIH).
Việc sử dụng các loại kim lăn không bảo đảm chất lượng, đầu kim không đủ độ nhọn và sắc, đều khi trị liệu sẽ làm rách mô liên kết, thủng mạch và mao mạch máu, dẫn đến hình thành các ổ tụ huyết cầu dưới da, làm da sạm đen sau khi lăn.
Hơn nữa, do có xâm lấn da nên phải đảm bảo vô trùng các dụng cụ
Việc sử dụng tế bào gốc được bán tràn lan, giá rẻ, không rõ nguồn để bôi sau khi lăn kim cũng có thể gây ra dị ứng, đỏ rát, sưng tấy… và khi đã xảy ra biến chứng thì việc phục hồi lại làn da rất khó khăn.
Thực hiện bởi người được đào tạo về y tế. Việc không tuân thủ quy trình vô trùng kim lăn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da, lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm như Viêm gan B, HIV/AIDS.
Vậy da bạn như thế nào thì mới lăn kim được?
+ Bạn không bị nám
+ Bạn có thói quen chăm sóc da đều đặn từ lâu, tức là có tẩy chết, có dưỡng ẩm, có chống nắng hàng ngày
+ Da bạn không bị mụn viêm
+ Da bạn không thuộc loại nhạy cảm, tức dễ nổi mẫn ngứa hay bỏng rát khi thoa sản phẩm dưỡng da
Nếu da của bạn thoả các điều kiện trên thì có thể thực hiện phương pháp lăn kim.
Cẩn trọng khi sử dụng phương pháp lăn kim:
– Kim lăn chỉ nên sử dụng một lần duy nhất cho một bệnh nhân vì kim tái sử dụng sẽ bị giảm độ bén và có thể gây ra tổn thương lớn hơn cho làn da thay vì tạo ra những vi tổn thương và khép lại hoàn toàn sau vài giờ điều trị. Ngoài ra, việc tái sử dụng kim lăn còn mang đến những rủi ro như nhiễm trùng, lây bệnh truyền nhiễm qua đường máu, trong đó có viêm gan siêu vi, HIV/AIDS…
– Việc lựa chọn các loại đầu kim để sử dụng cũng rất quan trọng, tùy theo chất lượng, giá thành. Với các đầu kim không đủ nhỏ và sắc, khi trị liệu sẽ làm rách mô liên kết, thủng mạch và mao mạch máu, dẫn đến hình thành các ổ tụ huyết dưới da, làm da sạm đen sau khi lăn.
– Tùy từng trường hợp, bác sĩ chuyên khoa sẽ có những chỉ định cụ thể về thời gian, liều lượng điều trị. Sự nóng vội dễ dẫn đến việc điều trị liên tục, khoảng cách giữa các lần quá ngắn, có thể khiến các tế bào da chưa kịp tái tạo đã bị tổn thương, dẫn đến viêm nhiều và gây tăng sắc tố cho da.
– Lăn kim là một trong những phương pháp rất ít gây dị ứng nhưng một số hóa chất bôi sau khi lăn kim như: vitamin C, tế bào gốc, collagen, chất giữ ẩm… không đảm bảo chất lượng có thể gây dị ứng, sưng tấy, đỏ rát cho da.
– Sau khi lăn kim, da sẽ có hiện tượng tổn thương nhẹ, ửng đỏ nên cần được chăm sóc, bảo vệ đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ.
– Mặc dù phương pháp này có ưu điểm là không gây nhạy cảm ánh nắng cho da nhưng việc bảo vệ da bằng kem chống nắng cùng các bước chăm sóc da cơ bản là điều cần thiết cho sự duy trì làn da đẹp và khỏe mạnh lâu dài.
– Có rất nhiều nơi thực hiện phương pháp lăn kim, tuy nhiên, bạn cần cẩn trọng lựa chọn địa chỉ uy tín, những người thực hiện có chuyên môn và luôn luôn cần được bác sĩ chuyên khoa tư vấn kỹ càng.
Trị mụn bằng lăn kim không phải ai cũng hết mà tùy theo cơ địa, tình trạng da của từng người và khi điều trị cần chế độ chăm sóc rất nghiêm ngặt.
Yhocvn.net
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
+ Lăn kim: Tác dụng, biến chứng, nguyên nhân, cách chăm sóc sau lăn kim
+ Kiến thức cần có trước khi thực hiện phương pháp lăn kim trẻ hóa da mặt
+ Cách lựa chọn Serum thế nào cho đúng?
+ Đối tượng chống chỉ định tuyệt đối với phương pháp lăn kim trẻ hóa da mặt
+
Chưa có bình luận.