Chủ Nhật, 25/10/2015 | 09:00

Hẳn bạn sẽ rất sốc khi phát hiện ra con mình có tật ăn cắp vặt, ngay cả ví tiền của cha mẹ. Nhưng nên nhớ, đánh đập con không phải là điều bạn nên làm!

Đau đầu vì trẻ thích trộm vặt

Chị Minh Thu (ngụ ở Quận 3, Tp.HCM) tỏ ra hết sức lo lắng khi thấy con mình có sở thích lấy luôn đồ của hàng xóm về nhà. “Sang nhà hàng xóm chơi, thấy cái gì ‘ưng mắt’ là thể nào bé cũng tìm cách lấy về. Đi học về, mở ba lô của con là những những thứ mới. Lúc là mấy mẩu phấn, khi thì cái bút, móc khóa… Tôi hỏi con thì cháu hồn nhiên bảo rằng của bạn. Con thấy đẹp nên mang về. Tôi hỏi cháu, bạn cho con hay con tự lấy thì cháu không nói. Chỉ đến khi tôi dọa phạt, cháu mới bảo con lấy khi bạn không để ý.Lần nàotôi cũng bắt cháu mang đi trả, thậm chí phạt nhưng vẫn tính nào tật ấy. Nhiều lần tôi đến xấu hổ vì con khi hàng xóm nhắc khéo hay cô giáo của bé góp ý”.

Giải thích về tình huống này, TS. Vũ Thu Hương (Khoa Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng): Trẻ nhỏ sống bản năng hơn người lớn rất nhiều. Mỗi khi thích vật gì, trẻ sẽ có xu hướng muốn chiếm làm của riêng. Điều đó xảy ra gần như hầu hết các trẻ. Đó không hẳn là tính xấu mà chỉ là một sự trải nghiệm. Nếu sự trải nghiệm này được điều chỉnh sớm, đứa trẻ sẽ phát triển đúng hướng. Còn nếu không, nó có thể biến thành thói quen hoặc tính cách xấu”.

Còn trường hợp của con trai chị Thanh Lam (ngụ Đồng Nai) thì lại khác. Chị đã nhiều lần phát hiện con lấy tiền từ ví của mình. Dù là chỉ 10 hay 20.000 đồng nhưng hành động của con đã khiến chị thực sự sốc và tức giận. Chị đã đánh con một trận cho “chừa” thói ăn cắp. Tuy nhiên, sau nhiêu lần trừng phạt con bằng đòn roi, tật ăn cắp của bé lại có phần gia tăng. Lúc này, chị thực sự mệt mỏi và gần như đầu hàng với tính xấu của con mình.

Làm gì khi trẻ hay ăn cắp vặt?

Ảnh minh họa

Biến yêu thương thành hành động

Đánh đập khi trẻ mắc lỗi có tác dụng giáo dục gì không? Hẳn là không, nó chỉ thỏa mãn cơn tức giận nhất thời của người lớn hơn là để dạy dỗ trẻ được điều gì, Có chăng là thái độ sống bạo lực và tiếp tục cung cấp thêm động lực cho trẻ để ăn cắp tiếp.

Các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra, nguyên nhân sinh ra hành động, thói quen ăn cắp của trẻ là bởi trẻ thiếu tình yêu thương từ những người xung quanh. Trẻ không có cảm giác an toàn, không có mối quan hệ tin cậy. Và giải pháp để trị tận gốc thói quen ăn cắp vặt của trẻ cũng chỉ là yêu thương, yêu thương chân thành bằng hành động, bằng sự thấu hiểu và sẻ chia.

Vì vậy, các ông bố, bà mẹ hãy dành thời gian bên con nhiều hơn, ôm con nhiều hơn, trò chuyện với con nhiều hơn. Để đến một lúc trẻ có thể nói với bạn mọi điều, và rồi bạn sẽ thấy con bạn không bao giờ ăn cắp nữa.

Nếu chẳng may còn có một lần nữa con lấy tiền từ ví bạn, hãy cố quay đi để ngăn cơn giận rồi đến bên con. Thay vì đánh con, hãy ôm con vào lòng và chỉ cần nói rằng: “mẹ buồn lắm vì con làm việc xấu là lấy tiền của mẹ” và tiếp tục yêu thương con, làm cho con tin cậy như thế. Bạn sẽ thấy con bạn khóc cùng bạn và không bao giờ tái phạm nữa.

Cũng theo TS. Vũ Thu Hương, muốn dạy con ngoan, trước tiên, cha mẹ phải rất gương mẫu. Cha mẹ đương nhiên phải rất rõ ràng về tính sở hữu. Đồ đạc của ai người đó sử dụng và không động chạm vào đồ của người khác.

Ở trong gia đình cũng vậy, chúng ta càng rõ ràng chuyện đó, càng dễ dạy trẻ nghiêm túc về vấn đề này. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu tật ăn cắp vặt, điều mà các bậc cha mẹ nên làm lúc này là hãy cho con biết nỗi khổ sở của người bị mất đồ đạc đó bằng thái độ cảm thông và yêu thương, tuyệt đối không trách mắng trẻ. Lúc ấy, không những trẻ sẽ ý thức được việc mình làm mà còn dạy trẻ biết hối lỗi và nảy sinh sự đồng cảm, chia sẻ với những người gặp hoạn nạn.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook