Có tới 200 chủng virus gây viêm họng và thường tự khỏi nếu sức đề kháng của cơ thể tốt. Ngược lại nếu cơ thể yếu, sức đề kháng giảm, người bệnh có thể bị bội nhiễm các vi khuẩn. Trong đó nguy hiểm nhất là loại liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A.
Viêm họng do liên cầu khuẩn là tình trạng cổ họng đau rát do vi khuẩn Streptococcus gây ra. Các triệu chứng thường nghiêm trọng hơn so với nhiễm trùng cổ họng do virus. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra các biến chứng như viêm thận hoặc sốt thấp khớp.
Trước kia khi chưa có kháng sinh, liên cầu khuẩn là một tai họa lớn, gây nhiều tử vong trong các thể bệnh nặng cấp tính như nhiễm trùng huyết, áp-xe phổi, áp-xe sau thành họng, hội chứng nhiễm độc nhiễm trùng… Và để lại nhiều di chứng rất nặng sau viêm họng như thấp tim, viêm cầu thận cấp… Tuy nhiên, việc ra đời và không ngừng được cải tiến hiệu quả của các nhóm thuốc kháng sinh đã làm giảm tần suất tử vong cũng như biến chứng của các thể cấp tính của bệnh.
Những ai thường mắc phải viêm họng do liên cầu khuẩn?
Tất cả mọi người đều có thể mắc viêm họng do liên cầu khuẩn. Tuy nhiên, độ tuổi mắc bệnh phổ biến nhất là ở trẻ từ 5 – 15 tuổi.
Biện pháp chẩn đoán viêm họng do liên cầu khuẩn
Bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm họng liên cầu dựa trên các triệu chứng hoặc khám lâm sàng. Kết hợp với:
– Lấy mẫu dịch từ cổ họng: nhằm xác định có sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh hay không.
– Xét nghiệm kháng nguyên: bạn sẽ phải thực hiện phương pháp này khi kết quả từ việc lấy mẫu dịch không đáp ứng được yêu cầu của bác sĩ.
Triệu chứng và dấu hiệuviêm họng do liên cầu khuẩn
Sau khi nhiễm khuẩn Streptococcus, bạn có thể mất từ 2 đến 5 ngày mới xuất hiện triệu chứng. Các triệu chứng có thể có bao gồm:
– Đau cổ họng hoặc gặp khó khăn khi nuốt;
– Sốt trên 38°C
– Đau đầu
– Phát ban
– Ăn không ngon, buồn nôn
– Đau cơ và cứng cơ
– Đau dạ dày
– Sưnghạch hầu và có những mảng trắng trong cổ họng hoặc những chấm đỏ nhỏ có thể xuất hiện trên vòm miệng.
– Các hạch bạch huyết ở cổ sưng lên và đau.
Tuy nhiên, không phải ai nhiễm vi khuẩn Streptococcus đều bị viêm họng. Nói cách khác, bạn có thể mang vi khuẩn và có thể truyền qua người khác nhưng không biểu hiện bệnh.
Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Triệu chứng nặng của viêm họng do liên cầu khuẩn:
– Đau họng kèm sưng tuyến bạch huyết;
– Đau họng lâu hơn 48 tiếng;
– Đau họng kèm sốt trên 38 độ C ở trẻ lớn hoặc sốt lâu hơn 48 tiếng;
– Đau họng kèm phát ban;
– Khó thở hoặc khó nuốt, kể cả nuốt nước bọt;
– Sốt kèm đau khớp, thở gấp và phát ban;
– Nước tiểu đậm màu hơn 1 tuần sau khi đau họng. Đây là trường hợp biến chứng nghiêm trọng vì thận bị sưng do khuẩn liên cầu.
Nguyên nhân mắc bệnh liên cầu khuẩn
Nguyên nhân gây ra viêm họng do liên cầu khuẩn là gì?
Vi khuẩn tên Streptococcus pyogenes, hoặc Streptococcus nhóm A là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn. Đây là bệnh rất dễ lây truyền và chủ yếu lây lan dưới các hình thức sau:
– Đường hô hấp: hít phải các hạt nước trong không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.
– Ăn uống chung với người bệnh.
– Tiếp xúc với các đồ vật như tay nắm cửa hoặc những bề mặt khác có dính vi khuẩn gây bệnh.
Nguy cơ mắc bệnh liên cầu khuẩn
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn?
Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc viêm họng do liên cầu khuẩn bao gồm:
– Độ tuổi: tuổi từ 5 đến 15 tuổi.
– Thời gian vào cuối thu đến đầu xuân và ở nơi tụ tập đông người.
– Hệ thống miễn dịch kém.
Điều trị bệnh liên cầu khuẩn
Đối với việc điều trị liên cầu nhóm A, có thể sử dụng các nhóm kháng sinh như penicillin, cephalosporin hoặc macrolid, trong đó, kháng sinh nhóm penicillin vẫn là thuốc được lựa chọn đầu tiên trong điều trị viêm họng do liên cầu. Vì đây là thuốc dễ sử dụng, rẻ tiền và có hiệu quả cao. Trong trường hợp người bệnh có tiền sử hoặc dị ứng với nhóm thuốc penicillin, có thể sử dụng thay đổi sang các nhóm thuốc khác như cephalosporin (cefadroxil, cefuroxim, cefexim…) và macrolid (nhưng cần làm kháng sinh đồ vì đã có những báo cáo của các nhà nghiên cứu về việc liên cầu nhóm A đã kháng một số thuốc trong những nhóm kháng sinh này).
Bệnh nhân tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ: liều dùng, số lần dùng trong ngày, thời gian dùng cho một đợt điều trị và tái khám đúng hẹn. Nếu xảy ra những triệu chứng bất thường trong quá trình sử dụng thuốc như buồn nôn, phát ban… cần thông báo kịp thời cho bác sĩ biết, vì đó có thể là những tác dụng không mong muốn của thuốc.
Có thể kết hợp sử dụng thêm các nhóm thuốc hỗ trợ đi kèm để hạ sốt như paracetamol (khi sốt cao trên 38,5 độ C). Không tự ý tăng liều dùng. Khi thấy việc hạ sốt chậm hoặc không nhiều có thể dùng biện pháp khác như chườm (bằng nước ấm) … để hỗ trợ hạ sốt.
Nhóm kháng viêm, chống phù nề như alphachymotripsin cũng thường được sử dụng cho những người bệnh này.
Một số biện pháp hỗ trợ phòng ngừa và điều trị bệnh liên cầu khuẩn
– Ăn các thức ăn nhẹ
– Nghỉ ngơi, uống nhiều nước
– Tăng cường ăn hoa quả (hoặc uống vitamin C) để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
– Súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày
– Uống đầy đủ các loại kháng sinh theo sự chỉ định của bác sĩ
– Rửa tay thường xuyên là cách tốt nhất để hạn chế sự lây lan bệnh
– Tránh tiếp xúc với người mắc viêm họng do liên cầu.
– Không dùng chung những đồ vật cá nhân như ly uống nước
Liên cầu khuẩn: Thông tin y học chuyên sâu về bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn
Bài liên quan: Nguy cơ gặp phải của ngủ ngáy và cách điều trị chứng ngủ ngáy
Yhocvn.net
Chưa có bình luận.