Rối loạn tương tác não ruột (DGBI) là kết quả của sự trao đổi và phối hợp bất thường giữa ruột và não dẫn đến thay đổi chức năng và cảm giác trong đường tiêu hóa, có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng kéo dài từ miệng đến trực tràng. Hội chứng ruột kích thích và chứng khó tiêu chức năng là hai loại DGBI. Về mặt thực thể, tất cả các cơ quan đều bình thường, nhưng vẫn có những dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn.
Hội chứng ruột kích thích (IBS) mô tả một nhóm triệu chứng bao gồm đau bụng dưới, có thể biến mất sau khi đi tiêu. Các triệu chứng cũng bao gồm đầy hơi, ỉa chảy, táo bón, hoặc kết hợp táo bón và tiêu chảy. Người ta ước tính có khoảng 20% người Mỹ mắc hội chứng ruột kích thích. Hội chứng ruột kích thích không thể được chẩn đoán bằng chụp X-quang hoặc xét nghiệm máu. Nó dựa trên các triệu chứng mà người đó báo cáo với bác sĩ sau khi các nguyên nhân khác được loại trừ. xte nghiệm test thở hydro giúp chẩn đoán loại trừ nguyên nhân như SIBO, không dung nạp carbohydrat, kém hấp thu,…
Chứng khó tiêu chức năng (FD) là một tình trạng có thể bao gồm đau phía trên rốn, đầy hơi và buồn nôn (thường không kèm theo nôn mửa). Cảm giác no trong dạ dày có thể khiến những người mắc chứng khó tiêu chức năng không thể ăn một bữa ăn bình thường. Đau và chướng bụng nhiều giờ sau khi ăn cũng là những triệu chứng thường gặp. Không giống như hội chứng ruột kích thích, cơn đau không thuyên giảm sau khi đi vệ sinh.
Rối loạn tương tác giữa ruột và não và các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích
Các triệu chứng bao gồm:
+ Buồn nôn
+ Đầy hơi
+ Co thắt dưới rốn
+ Đau bụng
+ Táo bón
+ Tiêu chảy
DGBI rất phổ biến, ảnh hưởng đến hơn một phần ba dân số Hoa Kỳ.
Chẩn đoán toàn diện các rối loạn tương tác ruột não (DGBI)
Để chẩn đoán, cần thực hiện kiểm tra toàn diện và thu thập bệnh sử kỹ lưỡng. Tiêu chuẩn Rome III, một bộ tiêu chuẩn được đưa ra bởi các chuyên gia về tiêu hóa để giúp xác định DGBI, cũng được sử dụng để đánh giá các triệu chứng.
Để đáp ứng tiêu chuẩn Rome III cho hội chứng ruột kích thích:
+ Các triệu chứng phải bắt đầu ít nhất 6 tháng
+ Đau bụng hoặc khó chịu ít nhất 3 ngày một tháng trong 3 tháng qua
+ Ít nhất hai trong số các điều sau đây là đúng: Cơn đau giảm đi khi đi tiêu; cơn đau có liên quan đến sự thay đổi tần suất đi đại tiện; cơn đau có liên quan đến sự thay đổi hình thức của phân.
Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm tổng thể thông qua phòng khám tiêu hóa để loại trừ các tình trạng khác, có thể bao gồm:
+ Nội soi đại tràng và soi đại tràng sigma: Được sử dụng để chẩn đoán ban đầu, cả hai đều sử dụng ống soi mềm có camera để kiểm tra bao gồm đại tràng, hồi tràng để xem bất kỳ vết loét, chảy máu và viêm nào.
+ Nội soi đường tiêu hóa trên: Sử dụng ống soi mềm có camera đưa vào qua miệng, theo đường đến dạ dày và tá tràng để tìm tình trạng chảy máu, loét và viêm.
+ Đo áp lực thực quản: sử dụng một ống mỏng, gắn các cảm biến để đo các co thắt cơ của thực quản và chức năng của cơ thắt thực quản dưới để xem bệnh nhân nuốt và tiêu hóa thức ăn tốt như thế nào.
+ Đo áp lực hậu môn trực tràng: một ống mỏng, có bóng ở đầu được đưa vào trực tràng để đo trương lực cơ thắt hậu môn và co bóp của trực tràng nhằm xác định các vấn đề khi di chuyển phân.
+ Xét nghiệm trong phòng xét nghiệm: xét nghiệm máu cộng với mẫu phân để kiểm tra vi khuẩn và chảy máu đường ruột. Xét nghiệm test hơi thở hydro, methane để tìm sự quá phát vi khuẩn ở ruột non (SIBO), chứng không dung nạp, không hấp thu.
+ Xét nghiệm hình ảnh: phối hợp với các chuyên gia về X quang để chẩn đoán hình ảnh và giải thích các bất thường về đường tiêu hóa, bao gồm chụp X-quang bụng, thụt bari, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI) và đánh giá tình trạng làm rỗng dạ dày.
Các lựa chọn điều trị cho Hội chứng ruột kích thích và chứng khó tiêu chức năng
Không có cách chữa trị cho rối loạn não ruột DGBI. Những bệnh nhân mắc chứng rối loạn tiêu hóa này đều sẽ cảm thấy đau bụng và khó chịu nhưng sau đó có thể bị táo bón, tiêu chảy, chướng bụng ở các mức độ khác nhau.
Để điều trị hiệu quả, điều quan trọng phối hợp nhóm bao gồm các bác sĩ tiêu hóa, chuyên gia dinh dưỡng, nhà vật lý trị liệu và nhà trị liệu hành vi, phải đánh giá được tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, sự phiền toái do triệu chứng mang lại.
Chế độ ăn uống cộng với thay đổi lối sống, cụ thể như giảm căng thẳng và bổ sung tập thể dục, thường là tất cả những gì cần thiết đối với những người có triệu chứng ở mức độ gây phiền toái. Chuyên gia dinh dưỡng sẽ tạo ra một kế hoạch điều trị dành riêng cho cá nhân.
Thuốc không kê đơn hoặc thuốc theo đơn là một lựa chọn khi việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống không đủ đáp ứng. Có nhiều loại thuốc khác nhau và bác sĩ sẽ xác định loại thuốc nào phù hợp với bệnh nhân dựa trên các triệu chứng và tình trạng thực tế.
Vật lý trị liệu và huấn luyện đáp ứng sinh học (một liệu pháp thay thế sử dụng trí óc để kiểm soát chức năng cơ thể theo hướng dẫn của chuyên gia phụ hồi chức năng) có thể được sử dụng để giúp rèn luyện lại các cơ của sàn chậu và cơ vòng hậu môn.
Thử nghiệm lâm sàng là một lựa chọn cho những người đủ điều kiện.
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
6 món ăn cực tốt giúp cải thiện sức khỏe đường ruột
Hội chứng vi khuẩn phát triển quá mức ở ruột non (SIBO): Những điều cần biết
Vượt qua hội chứng ruột kích thích (IBS) bằng liệu pháp nhận thức hành vi
Xét nghiệm hơi thở và hội chứng ruột kích thích (IBS)
Yhocvn.net (Lược dịch theo Uofmhealth)
Chưa có bình luận.