Thứ Ba, 02/01/2024 | 10:24

Mặc dù SIBO (hội chứng vi khuẩn phát triển quá mức ở ruột non) không phải là mới, nhưng gần đây đã trở nên phổ biến trên internet và trên truyền thông do một loạt các triệu chứng không cụ thể như đau bụng, đầy hơi và thậm chí là mệt mỏi mãn tính. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ thảo luận về SIBO là gì và những gì không phải là SIBO, nguồn gốc, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị bước đầu.

Duy trì hệ vi sinh đường ruột ở trạng thái tốt đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì khả năng miễn dịch và sức khỏe toàn thân. Các rối loạn về thành phần và chức năng của hệ vi sinh đường ruột như sự phát triển vi khuẩn quá mức ở ruột non (SIBO), được gọi một cách đơn giản là những “Rối loạn sinh học” có liên quan đến một loạt các triệu chứng ở ruột.

SIBO được định nghĩa là sự hiện diện của vi khuẩn bất thường và quá mức trong ruột non gây ra các triệu chứng về đường tiêu hóa. Vi khuẩn trong SIBO có thể đến từ đại trực tràng, các chủng vi khuẩn trong ruột non khác với vi khuẩn trong đại trực tràng, trong phân. Những phát hiện mới từ nghiên cứu REIMAGINE cho thấy hai loài vi khuẩn là Escherichia coli và Klebsiella pneumoniae tăng lên trong hệ vi sinh ruột non ở các bệnh nhân SIBO và có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy và đầy hơi.

SIBO thường liên quan đến một loạt các triệu chứng tiêu hóa không đặc hiệu bao gồm tiêu chảy, táo bón, thói quen đại tiện bất thường, đầy hơi, đau bụng hoặc khó chịu. Các triệu chứng ngoài tiêu hóa như mệt mỏi, lo lắng, thiếu máu não thoáng qua hoặc các chứng đau mãn tính.

Tùy thuộc vào vi sinh vật liên quan, sự phát triển quá mức của vi sinh đường ruột được phân thành ba loại: SIBO (nếu có sự phát triển quá mức của vi khuẩn), sự phát triển quá mức của methanogen trong đường ruột (IMO) và sự phát triển quá mức của nấm ruột non (SIFO). Trong khi ở SIBO xảy ra tình trạng sản sinh quá mức hydro hay sunfua, thì với sự có mặt của IMO, khí metan được sản sinh quá mức. Hiện nay chưa có loại khí cụ thể nào liên quan đến SIFO.

Mặc dù số lượng nghiên cứu về SIBO còn khiêm tốn, nhưng những thông tin của SIBO trên mạng xã hội là theo cấp số nhân và có thể gây hiểu sai lệch mức độ liên quan đến sức khỏe.

Trong điều kiện bình thường, ruột non chứa hàm lượng vi sinh vật thấp hơn nhiều so với khoang miệng và đại trực tràng và mức độ lưu thông nhanh hơn. Sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong ruột non có nguồn gốc từ việc mất đi các rào cản vật lý và hóa học ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn ở phần ruột non một cách tự nhiên. Những rào cản này bao gồm axit dạ dày, dịch tiết ra từ tuyến tụy và gan mật giúp tiêu hóa thức ăn, chuyển động tự nhiên của ruột non, tính toàn vẹn của hàng rào ruột, hệ vi sinh đường ruột và hồi tràng, van hồi manh tràng là một rào cản vật lý ở cuối ruột non nhằm ngăn chặn phân hoặc hệ vi sinh vật từ đại tràng quay trở lại ruột non.

Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Đại học Vall d’Hebron, giải thích rằng: cuộc sống hiện đại căng thẳng, chất lượng thực phẩm kém, phụ gia thực phẩm và việc tiêu thụ nhiều thuốc là một số nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng hiện nay của tình trạng SIBO. Các triệu chứng của SIBO không đặc hiệu và phổ biến đối với nhiều người cũng như các bệnh lý khác nhau, nên có vẻ như lượng người mắc SIBO đã tăng lên nhưng số lượng nghiên cứu SIBO trong PubMed, cơ sở dữ liệu nghiên cứu khoa học lớn nhất, còn khiêm tốn.

SIBO không phải là lĩnh vực mới

SIBO (hội chứng vi khuẩn phát triển quá mức ở ruột non) không phải là điều gì mới mẻ. Thật vậy, các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa đã quen thuộc với SIBO từ những năm 50 và 60 vì nó liên quan đến hội chứng kém tiêu hóa hoặc kém hấp thu. Chuyên gia tiêu hóa giải thích rằng: khái niệm khoa học về SIBO đã chuyển từ một biến chứng liên quan đến phẫu thuật đường tiêu hóa, sự hiện diện của các rối loạn nhu động ruột như xơ cứng bì hoặc tiểu đường, sản xuất axit dạ dày không đủ, sang một chứng rối loạn hiện diện ở những người khỏe mạnh. SIBO cũng phổ biến ở những bệnh nhân có triệu chứng giống IBS (hội chứng ruột kích thích), vì khoảng 35% tổng số bệnh nhân IBS mắc SIBO tại một thời điểm nào đó trong đời.

Mặc dù nguyên nhân gây ra sự phát triển quá mức của vi khuẩn đường ruột không hoàn toàn rõ ràng ở tất cả các bệnh nhân, nhưng bất kỳ trường hợp nào làm tắc ruột hoặc làm chậm quá trình tiêu hóa đều có thể dẫn đến SIBO: tình trạng ngộ độc thực phẩm gần đây đã được xác định là nguyên nhân khiến quá trình vận chuyển chậm lại ở ruột non.

Các loại thuốc làm thay đổi nhu động ruột như kháng sinh, opioid và thuốc kháng cholinergic cũng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển quá mức ở một số người. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng: thông thường bệnh nhân mắc SIBO cũng có những lo ngại vô căn cứ về việc sử dụng thực phẩm như gluten và các loại thuốc như omeprazole vì chúng có khả năng gây ra SIBO, mối liên hệ này hiện chưa được chứng minh.

Xét nghiệm hơi thở dẫn đến chẩn đoán SIBO

Phương pháp chính và dễ dàng nhất để chẩn đoán SIBO là thông qua xét nghiệm hơi thở, định lượng hydrogen và metan thở ra, đây là loại khí chỉ có nguồn gốc từ các vi sinh vật đường ruột. Mặt khác, SIFO chỉ có thể được chẩn đoán thông qua chọc hút và nuôi cấy chất chứa trong ruột non và IMO chỉ có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm hơi thở. Điều quan trọng cần lưu ý là chỉ với các triệu chứng lâm sàng và phản ứng với điều trị kháng sinh không thể chẩn đoán chính xác SIBO.

Về việc giải thích kết quả kiểm tra hơi thở, sự gia tăng nồng độ H2 ≥20 ppm so với mức bình thường là chẩn đoán SIBO, trong khi mức CH4 ≥10 ppm là chẩn đoán IMO, những thay đổi này xảy ra trong cơ thể sau 90 phút đầu tiên của xét nghiệm.

Mặc dù ngày nay người ta vẫn chưa thể xác định sự hiện diện của hydro sunfua thông qua xét nghiệm hơi thở, nhưng có thể hỏi bệnh nhân về mùi ợ hơi, nếu rất khó chịu (mùi trứng thối) thì có thể là dấu hiệu sản sinh quá mức ra loại khí có mùi hôi này.

Tuy nhiên, xét nghiệm hơi thở có thể dẫn đến chẩn đoán chưa chính xác do độ đặc hiệu thấp trong chẩn đoán SIBO, điều này có thể dẫn đến chẩn đoán quá mức SIBO. Khi xét nghiệm hơi thở Hydro (H2), methane (CH4) được áp dụng cho tất cả những người bị khó chịu ở bụng và cho kết quả dương tính, bước tiếp theo là người bệnh được chỉ định loại kháng sinh phổ rộng không hấp thụ, việc này cũng có thể gây các nguy cơ sức khỏe liên quan đến việc sử dụng kháng sinh không phù hợp, chẳng hạn như can thiệp vào hệ vi sinh vật đường ruột và tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh. Chuyên gia tiêu hóa tin rằng những hạn chế chính của xét nghiệm hơi thở Hydro, methane để chẩn đoán SIBO và IMO là hiện nay thiếu tiêu chuẩn hóa, sự khác biệt về thời gian thực hiện, tình trạng ô nhiễm cũng như sai sót trong quá trình chuẩn bị và thực hiện xét nghiệm, có thể khắc phục được nếu được tiến hành trong môi trường chuyên môn hóa cao, ở những cơ sở chuyên khoa Tiêu hóa uy tín và được những chuyên gia Tiêu hóa giám sát.

Ba quá trình cần tuân thủ khi kiểm soát SIBO: xác định nguyên nhân, điều trị SIBO và ngăn ngừa SIBO tái phát

Kiểm soát SIBO bao gồm việc xác định nguyên nhân chính, điều trị SIBO và ngăn ngừa tái phát trong tương lai. Điều trị SIBO dựa trên việc xác định và khắc phục các nguyên nhân cơ bản nếu có thể (ví dụ: ngừng sử dụng các loại thuốc làm chậm quá trình vận chuyển như opioid) để giảm tái phát, điều chỉnh tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng và khi có bằng chứng rõ ràng về sự phát triển quá mức của vi khuẩn ở ruột non, người bệnh phải được điều trị bằng kháng sinh.

Ở những bệnh nhân không thể điều trị được nguyên nhân cơ bản gây SIBO (ví dụ: bệnh nhân tiểu đường, xơ cứng bì hoặc suy giảm miễn dịch), việc điều trị phải được cá thể hóa, kết hợp liệu pháp kháng sinh với các liệu pháp khác giúp duy trì cân bằng hệ vi sinhđường ruột mà không gây hại. Trong số các phương thức này, dinh dưỡng là trụ cột trung tâm và cần được hướng dẫn bởi chuyên gia có chuyên môn và việc điều trị lại bằng kháng sinh nên dành cho những bệnh nhân SIBO tái phát nhiều lần (> 4 đợt/năm).

Tuân theo chế độ ăn kiêng cơ bản đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc cải thiện các triệu chứng SIBO, bệnh nhân IBS và xét nghiệm test hơi thở Hydro trở về bình thường (80% sau 2 tuần và 85% sau 3 tuần điều trị). Tuy nhiên, chi phí và khẩu vị bữa ăn đối với người bệnh là những yếu tố chính hạn chế việc chế độ ăn này được sử dụng. Việc giảm thực phẩm giàu sulfur có thể tốt hơn nếu nghi ngờ SIBO có sulfur, tuy nhiên hiện vẫn không có bằng chứng rõ ràng nào về mối liên quan này.

Thuốc kháng sinh có nguồn gốc từ thực vật đang ngày càng được sử dụng rộng rãi như một giải pháp thay thế cho kháng sinh thông thường hoặc ở những bệnh nhân không đáp ứng tốt với kháng sinh. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa đủ dữ liệu cho thấy sự cải thiện về triệu chứng và liều lượng chính xác, tính an toàn của các chế phẩm được sử dụng, khả năng tương tác thuốc là những nhược điểm chính của thảo dược kháng khuẩn.

Một số nghiên cứu ủng hộ việc sử dụng prebiotic thay vì chế độ ăn FODMAP, trong khi những nghiên cứu khác ủng hộ việc bổ sung 5g guar gum/ngày (10 ngày) để cải thiện phản ứng triệu chứng và tỷ lệ khỏi bệnh bằng rifaximin ở bệnh nhân SIBO. Khi nói đến việc duy trì kiểm soát hoặc ngăn ngừa sự tái phát của SIBO, chế độ ăn ít FODMAP làm giảm các sản phẩm lên men (chất xơ, rượu, đường, chất làm ngọt và prebiotic như inulin) nên được sử dụng trong thời gian ngắn để tránh ăn kiêng không cần thiết.

Cải thiện nhu động ruột bằng các thuốc tăng nhu động ruột (ví dụ: octreotide, cisapride, tegaserod, erythromycin, pyridostigmine, dầu bạc hà, linaclotide và prucalopride) có thể giúp bệnh nhân thuyên giảm bệnh. Việc sử dụng men vi sinh trong điều trị SIBO vẫn còn gây tranh cãi. Men vi sinh có thể diệt vi khuẩn trong SIBO và giảm đau bụng – nhưng không rõ trong việc ngăn ngừa SIBO. Có những nghiên cứu mới đã liên kết men vi sinh với tình trạng lo lắng, tăng sản sinh khí metan cũng như cảm giác no và căng thẳng sau bữa ăn.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

Xét nghiệm hơi thở hydro chẩn đoán vi khuẩn phát triển quá mức ở ruột non (SIBO), hội chứng ruột kích thích (IBS)

Test hơi thở Hydrogen chẩn đoán vi khuẩn phát triển quá mức ở ruột non (SIBO)

Những điều cần biết về SIBO (phát triển quá mức vi khuẩn ở ruột non), chẩn đoán, điều trị

Chướng bụng, đầy hơi nên ăn gì giúp giảm nhanh

Bí quyết cải thiện hệ tiêu hoá không cần dùng thuốc

Yhocvn.net (Lược dịch theo Gutmicrobiotaforhealth)

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook