Thực hiện Thông tư 45/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về trang phục y tế. Ngành Y tế Hà Tĩnh đã nhanh chóng triển khai nhằm tạo phong cách chuyên nghiệp, thoải mái, thuận tiện cho nhân viên y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Trần Xuân Dâng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thông tư 45 ra đời là đúng đắn, cần thiết và phù hợp với tình hình mới, thể hiện tính chuyên nghiệp trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Việc quy định về trang phục y tế không những giúp đáp ứng tốt hơn trong công tác chuyên môn, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh mà còn đảm bảo vệ sinh, thoải mái, thuận tiện và tạo phong cách chuyên nghiệp cho nhân viên y tế. Vì thế, sau khi Thông tư 45 được ban hành, Sở Y tế đã có công văn đề nghị các Thủ trưởng đơn vị phổ biến, quán triệt rộng rãi Thông tư đến toàn thể người hành nghề khám, chữa bệnh; người lao động; học sinh, sinh viên và người thực hành tại các đơn vị y tếtrong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch, lộ trình, kinh phí để triển khai trang phục y tế cho người hành nghề khám chữa bệnh; người lao động; học sinh, sinh viên; người thực hành; người bệnh, người nhà người bệnh và một số đối tượng khác tại cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, theo điều khoản chuyển tiếp tại Thông tư, thì đối với các đơn vị đã ký hợp đồng hoặc trang phục y tế đã may xong, được trang bị cho người hành nghề khám, chữa bệnh; người lao động; học sinh, sinh viên và các đối tượng khác tại cơ sở khám, chữa bệnh trước thời điểm Thông tư 45 có hiệu lực mà không đúng quy cách trang phục quy định tại Thông tư này thì được tiếp tục sử dụng sau khi Thông tư này có hiệu lực nhưng không quá 24 tháng kể từ thời điểm cấp phát, trang bị cho người sử dụng.
Sở Y tế cũngsẽ tổ chức giám sát, kiểm tra đột xuất việc thực hiện quy định trang phục y tế và giám sát kiểm tra trong các đợt giám sát hỗ trợ hàng quý, kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm. Đến nay, đã có 8/19 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên toàn tỉnh triển khai may và sử dụng trang phục y tế mới tại đơn vị theo đúng với Thông tư (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh; bệnh viện đa khoa tỉnh và các bệnh viện đa khoa tuyến huyện như: Kỳ Anh, Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Sơn và Lộc Hà).
Ghi nhận tại một số bệnh viện, sau khi thực hiện Thông tư 45, hầu hết các bệnh nhân đều phấn khởi. Bà Nguyễn Thị Bé, 65 tuổi, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, bị một số bệnh mãn tính nên thường xuyên đến bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên để điều trị, bà cho biết: "tôi già rồi nên mắt kém hay bị nhầm lẫn giữa bác sĩ với y tá, trước đây khi đến bệnh viện khám và điều trị, thấy ai mặc áo blouse trắng là tôi đều gọi là bác sĩ vì nó giống nhau, nhưng lần này đến đây tôi thấy có sự thay đổi về kiểu dáng, màu sắc của áo nên chỉ cần nhìn vào kiểu cách của áo là phát hiện được đâu là bác sĩ, đâu là y tá, để thuận tiện trong việc trao đổi bệnh tình của mình hơn".
Còn bệnh nhân Nguyễn Thị Quý, 55 tuổi, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà thì cho hay: “mỗi tháng tôi đều đặn đi khám bệnh một lần tại Bệnh viện đa khoa Lộc Hà, thời gian gần đây tôi thấy Bệnh viện có nhiều thay đổi về trang phục y tế đẹp, gọn gàng, chỉnh chu hơn, dễ dàng nhận biết và phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế cũng được thay đổi như: hỏi thăm, chăm sóc bệnh nhân tận tình, chu đáo; tư vấn, hướng dẫn kỹ càng nên chúng tôi thấy yên tâm khi đến đây khám và điều trị”.
Thay đổi trang phục y tế không những bệnh nhân phấn khởi mà lãnh đạo và nhân viên y tế đều hài lòng. Bác sĩ Phan Thanh Minh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên chia sẽ: Trang phục y tế mới đem lại cho cán bộ y tế sự thoải mái, chỉnh chu, gọn gàng, trẻ trung hơn. Còn bệnh nhân phân biệt rõ, không bị nhầm lẫn giữa bác sĩ với điều dưỡng hay hộ lý. Vì thế, sau khi nhận được công văn của Sở Y tế yêu cầu thực hiện Thông tư 45 của Bộ Y tế, Ban lãnh đạo đã thông báo cho tất cả cán bộ công nhân viên để thu thập ý kiến. Sau khi đã thống nhất, chúng tôi tiến hành may và đưa vào sử dụng tại Bệnh viện từ tháng 8/2016. Tuy nhiên, ban đầu do kinh phí hạn hẹp nên chúng tôi mới trang bị quần, áo cho cán bộ y tế. Còn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các thành phần khác đang mặc quần, áo theo Thông tư cũ. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục may quần, áo cho các đối tượng đó theo đúng Thông tư 45. Song song với thay đổi trang phục y tế, Bệnh viện sẽ tiếp tục thay đổi thái độ phục vụ, quy tắc ứng xử, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng các dịch vụ kỹ thuật, nhằm hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
Trao đổi với chúng tôi về nội dung này, Điều dưỡng Trần Văn Khoát, Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ thổ lộ: là một cán bộ điều dưỡng, chúng tôi luôn trau dồi nghiệp vụ chuyên môn, thực hiện đúng với vai trò của điều dưỡng là luôn gần gũi, cởi mở thân thiện với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Qua thay đổi trang phục y tế của điều dưỡng, chúng tôi thấy thoải mái, gọn gàng hơn vì thế hình ảnh của người điều dưỡng càng gần gũi hơn với bệnh nhân, góp phần xoa dịu nỗi đau bệnh tật cho mỗi bệnh nhân.
Xác định bệnh nhân là trung tâm của mọi hoạt động khám, chữa bệnh, do đó song hành với thay đổi trang phục y tế theo Thông tư 45, các đơn vị y tế tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đầu tư phát triển các dịch vụ y tế kỹ thuật cao nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám chữa bệnh, thay đổi phong cách thái độ phục vụ, quy tắc ứng xử của nhân viên y tế nhằm hướng đến sự hài lòng của người bệnh, bác sĩ Dâng cho biết thêm.
Thanh Loan
T4G Hà Tĩnh
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Chưa có bình luận.