Thứ Tư, 15/05/2024 | 08:47

Hệ vi sinh đường ruột của con người là một cộng đồng vi sinh vật khổng lồ có vai trò không thể thay thế trong cuộc sống. Với sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực nghiên cứu, ảnh hưởng của hệ vi sinh đường ruột đối với các bệnh lý ở người đã dần được khám phá. Chứng rối loạn hệ khuẩn ruột có những tác động tiêu cực đến sức khỏe của chúng ta cũng như gây ra nhiều loại bệnh mạn tính. Cơ chế của hệ vi sinh đường ruột đối với các bệnh lý ở người vô cùng phức tạp, đặc biệt là liên quan tới các bệnh lý về tim mạch.Bệnh ung thư tiến triển từ vi khuẩn đường ruột ở người béo phì

Các bệnh lý tim mạch, chẳng hạn như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và suy tim, là nguyên nhân chính gây tử vong trên thế giới. Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy các vi sinh vật trong đường ruột và các sản phẩm hỗ trợ trao đổi chất ảnh hưởng tới cơ thể theo nhiều cách khác nhau, trong đó có sự xuất hiện và phát triển các bệnh lý tim mạch.

Tăng huyết áp

Tăng huyết áp là một trong những nguy cơ phổ biến nhất của bệnh tim mạch, có liên quan đến sự thay đổi chức năng đường ruột, thay đổi quần thể vi sinh đường ruột và khả năng kết nối hệ thống thần kinh ruột. Ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp, độ phong phú, đa dạng và đồng đều của vi khuẩn giảm đáng kể, trong khi tỷ lệ Firmicutes/Bacteroidetes tăng đáng kể. Sự thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hòa huyết áp, có thể thông qua những thay đổi trong việc sản xuất các chất chuyển hóa của vi sinh vật. Trimethylamine – N-oxide (TMAO), một chất chuyển hóa có liên quan đến nguy cơ tăng huyết áp và các chỉ số tim mạch, đã được xác định thông qua phân tích tổng hợp.

Các chất chuyển hóa của vi khuẩn đường ruột có thể xâm nhập vào máu và vượt qua hàng rào máu não, ảnh hưởng đến chức năng não. Sự mất cân bằng axit béo chuỗi ngắn (SCFA) do rối loạn sinh lý đường ruột có thể kích thích sản xuất serotonin (5-HT) bởi các tế bào chromaffin trong ruột. Serotonin có thể ảnh hưởng đến huyết áp thông qua co mạch, trong khi axit béo chuỗi ngắn và 5-HT có thể ảnh hưởng đến huyết áp thông qua tuần hoàn và tổn thương hàng rào máu não do tăng huyết áp. Hydrogen sulfide (H2S) do hệ vi sinh tạo ra cũng ảnh hưởng đến việc điều hòa huyết áp thông qua những tác động đến các quá trình sinh lý khác nhau.

Các bằng chứng gần đây cho thấy chứng rối loạn hệ khuẩn ruột có liên quan đến tình trạng viêm, tính thấm của mạch máu và huyết áp. Hệ vi sinh trong đường ruột gây tăng huyết áp cũng như rối loạn chức năng mạch máu thông qua thâm nhiễm và viêm tế bào miễn dịch. Các thí nghiệm trên động vật đã chỉ ra rằng việc cấy ghép phân của bệnh nhân tăng huyết áp vào chuột sẽ khiến chúng bị tăng huyết áp, từ đó cho thấy vai trò của hệ vi sinh đường ruột trong sự phát triển của bệnh tăng huyết áp. Điều trị bằng kháng sinh và can thiệp vào chế độ ăn uống đã được chứng minh hiệu quả trong việc tái cân bằng vi khuẩn trong đường ruột và cải thiện huyết áp.

Suy giảm sự phong phú, đa dạng và đồng đều vi khuẩn đường ruột ở bệnh nhân tăng huyết áp đã nhấn mạnh mối liên kết chặt chẽ giữa tăng huyết áp và hệ vi sinh đường ruột. Điều chỉnh sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột là một chiến lược điều trị đầy tiềm năng cho bệnh nhân tăng huyết áp.

Xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch, nguyên nhân chính gây ra các bệnh tim mạch, có liên quan tới hệ vi sinh đường ruột thông qua sự di chuyển của vi khuẩn từ ruột đến tim. DNA vi khuẩn và vi khuẩn sống ở miệng đã được tìm thấy trong các mảng xơ vữa động mạch, cho thấy sự liên kết của hệ vi sinh đường ruột trong sự phát triển và tiến triển của chứng xơ vữa động mạch. Thành phần của các vi sinh đường ruột có những khác biệt đáng kể giữa bệnh nhân xơ vữa động mạch và người khỏe mạnh, với hàm lượng Enterobacteriaceae và Enterobacter aerogenes cao hơn ở bệnh nhân xơ vữa động mạch. Rối loạn hệ khuẩn ruột đối với bệnh nhân xơ vữa động mạch có thể làm tăng tính thấm của ruột, dẫn đến nồng độ lipopolysacarit trong tuần hoàn cao hơn, ảnh hưởng đến sự phát triển của các mảng xơ vữa động mạch.

Các vi khuẩn trong đường ruột và các chất chuyển hóa cũng có vai trò trong chứng xơ vữa động mạch. Các axit béo chuỗi ngắn (SCFA) do hệ vi sinh đường ruột tạo ra sẽ kích hoạt một số thụ thể nhất định, thúc đẩy giải phóng peptide YY (PYY) và peptide giống glucagon 1 (GLP-1), làm giảm huyết áp và ức chế sự xuất hiện của chứng xơ vữa động mạch. Axit mật, bị biến đổi bởi hệ vi sinh, kích hoạt thụ thể Farnesoid X (FXR), làm giảm biểu hiện của các yếu tố gây viêm và ức chế tình trạng viêm liên quan đến chứng xơ vữa động mạch. Trimethylamine – N-oxide (TMAO), một chất chuyển hóa khác được tạo ra bởi hệ vi sinh vật đường ruột, có mối tương quan với tỷ lệ mắc bệnh xơ vữa động mạch. Mức TMAO cao thúc đẩy sự di chuyển của đại thực bào và hình thành tế bào bọt, tăng các cytokine gây viêm, làm suy giảm phản ứng mạch máu và kích hoạt tiểu cầu, góp phần phát triển xơ vữa động mạch. Phenylacetyl Glutamine (pagln), một chất chuyển hóa có nguồn gốc từ hệ vi sinh, tăng cường hoạt hóa tiểu cầu và khả năng tạo huyết khối thông qua các thụ thể kết hợp với protein G.

Tóm lại, những phát hiện này đều góp phần nêu bật vai trò của hệ vi sinh và các chất chuyển hóa của nó trong sự phát triển và tiến triển của chứng xơ vữa động mạch. Điều chỉnh hệ vi sinh đường ruột là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả cho một trái tim khỏe.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:

Cải thiện vi khuẩn đường ruột giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường type 2

Bổ sung lợi khuẩn giúp cải thiện bệnh Crohn

Bệnh Crohn: nguyên nhân, phương pháp điều trị

Hệ vi sinh đường ruột bị thay đổi khi sử dụng thuốc như thế nào?

Bệnh ung thư tiến triển từ vi khuẩn đường ruột ở người béo phì

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook