Theo các số liệu thống kê từ tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy có hơn 1 tỷ người trên thế giới bị béo phì, trong đó có 650 triệu người trưởng thành, 340 triệu thanh thiếu niên và 39 triệu trẻ em. Con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng tạo gánh nặng cho ngành y tế và những hệ luỵ về sức khoẻ, giống nòi. Điều đáng lo ngại là vi khuẩn đường ruột liên quan đến bệnh béo phì có thể thúc đẩy sự phát triển của bệnh ung thư ở người bệnh.
Các vi sinh vật đường ruột là hệ sinh thái riêng bao gồm hàng nghìn tỷ vi khuẩn/ quần thể vi khuẩn có ở trong hệ tiêu hóa của con người. Các nhà khoa học đã phát hiện ra tới hơn 1.000 loại vi khuẩn khác nhau với tổng cộng khoảng 3 triệu gen – nhiều hơn 150 lần nếu so sánh với gen người.
Vai trò của hệ vi sinh đường ruột là tạo ra tính ổn định và khả năng đề kháng của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Trên thực tế, có tới hàng trăm các loài vi sinh vật trong đường ruột. Mỗi loài giữ một vai trò khác nhau đối với sức khỏe, đồng thời chúng cũng yêu cầu các chất dinh dưỡng khác nhau để có thể tăng trưởng và phát triển.
Nhìn chung, một hệ vi sinh vật đường ruột đa dạng sẽ được coi là một hệ vi sinh vật lành mạnh. Điều này có nghĩa là khi hệ thống tiêu hoá có nhiều vi sinh vật thì các lợi ích sức khỏe mà chúng đóng góp càng lớn.
Mới đây một nhóm các nhà nghiên cứu ung thư của Trung Quốc đã phát hiện ra một cơ chế mới, theo đó các vi khuẩn trong ruột liên quan đến bệnh béo phì có thể thúc đẩy sự phát triển của bệnh ung thư ở người bệnh.
Cụ thể, chế độ ăn nhiều chất béo (HFD) được coi là yếu tố nguy cơ đối với sự tiến triển của một số căn bệnh ung thư, phần lớn là do những tác động của chất béo gây phá vỡ hệ vi sinh vật đường ruột. Tuy nhiên, vai trò chính xác của HFD trong sự tiến triển của ung thư vẫn đang được tìm hiểu và sẽ được công bố trong thời gian tới.
Trong công trình nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Sun Yat-sen thực hiện, nhóm các nhà khoa học đã thiết lập nhiều mô hình trên chuột mắc bệnh ung thư và phát hiện ra rằng hệ vi sinh vật được nuôi dưỡng bằng chất béo đã giải phóng lượng leucine dồi dào. Leucine là một loại axit amin có trong nhiều protein.
Theo nghiên cứu trên, nồng độ leucine tăng cao trong máu ngoại vi được phát hiện có liên quan đến kết quả lâm sàng kém ở bệnh nhân nữ mắc bệnh ung thư vú. Không chỉ vậy, hệ vi sinh vật đường ruột bất thường còn liên quan đến sự hình thành khả năng kháng hóa trị và một số liệu pháp miễn dịch đối với bệnh ung thư vú, ung thư phổi và khối u ác tính.
Các nhà nghiên cứu nhận định những phát hiện nói trên đã mở ra hy vọng mới cho việc điều trị, ngăn chặn ung thư bằng cách tập trung vào sự chuyển hóa bất thường của hệ vi sinh vật đường ruột. Từ những phân tích khoa học trên cho thấy vai trò của hệ vi sinh đường ruột là vô cùng quan trọng đối với cuộc sống, sức khoẻ của con người.
Để bảo vệ hệ vi sinh đường ruột, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần bổ sung đa dạng các loại thức ăn trong thực đơn hàng ngày. Lưu ý ăn nhiều rau, đậu, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các thực phẩm lên men, thực phẩm Prebiotic….Tránh ăn quá nhiều chất làm ngọt nhân tạo, nước ngọt, uống rượu bia….và duy trì tập thể dục hàng ngày để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
Vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng mức độ nghiêm trọng của đột quỵ
Vì sao hệ vi sinh đường ruột gây ra béo phì
Hệ vi sinh đường ruột cân bằng giúp giảm cân, ngừa béo phì
Thừa cân, béo phì dễ dẫn đến suy thận
Mối liên quan mật thiết giữa béo phì và ung thư?
Yhocvn.net
Chưa có bình luận.