Thứ Năm, 20/07/2017 | 08:38

Một số người bệnh khi bị rắn cắn thường tin vào thuốc nam, kinh nghiệm dân gian, khi đến viện tổ chức gân cơ bị hoại tử, buộc phải cắt chi, thậm chí tử vong.

Theo bác sĩ Nguyễn Đàm Chính, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu hè, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận và điều trị cho 1-2 ca rắn cắn. Bởi mùa mưa là thời điểm thuận lợi cho rắn di chuyển và kiếm ăn nhiều hơn.

Một bệnh nhân bị rắn cắn đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Đ.H.

Chi phí điều trị do rắn cắn hiện khá cao, huyết thanh kháng nọc rắn khoảng 20-30 triệu đồng. Những bệnh nhân bị hoại tử sẽ phải cắt cụt chi, hoặc các tổ chức gân, cơ và chịu thêm chi phí một cuộc phẫu thuật cắt gọt và ghép da.

Qua thực tế điều trị, bác sĩ Chính cho biết một số người bệnh khi bị rắn cắn thường tin vào thuốc nam, kinh nghiệm dân gian hoặc các thầy lang. Vì vậy, khi đến viện, tổ chức gân cơ của bệnh nhân đã bị hoại tử, liệu trình điều trị huyết thanh không còn giá trị, dễ dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Chính khuyến cáo khi phát hiện người bị rắn cắn, người dân cần lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất ngay trong những giờ đầu. Người bệnh không nên mất thời gian đi tìm thầy lang, lá thuốc hoặc chờ khi có các biểu hiện nhiễm độc rõ mới đến bệnh viện. Điều đó sẽ gây khó khăn cho quá trình điều trị. Nếu bị rắn lục cắn, người bệnh không chích rạch vết thương vì có thể gây chảy máu khó cầm.

Người nhà nên mang rắn đã cắn (nếu còn giữ) đến bệnh viện để bác sĩ nhận dạng. Ngoài ra, chúng ta cần cung cấp thông tin về nơi bị rắn cắn, đặc điểm nhận dạng (nếu nhìn thấy), các biện pháp sơ cứu đã áp dụng giúp các bác sĩ điều trị hiệu quả hơn

Hà Quyên
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook