Đột quỵ hay tai biến mạch não (TBMN) xảy ra khi cung cấp máu cho một phần của não đột ngột bị ngừng hoặc giảm, các tế bào não sẽ bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng.
Trong vòng vài phút, các tế bào não bắt đầu chết nên những phần cơ thể tương ứng do nó điều khiển sẽ không hoạt động được, biểu hiện bằng liệt, tê bì và mất cảm giác nửa người, nói khó hoặc hôn mê….
Đột quỵ là một tình trạng cấp cứu, điều trị kịp thời có thể làm giảm thiểu tổn thương não và các biến chứng. Bệnh có thể điều trị và phòng tránh được. Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ của đột quỵ như tăng huyết áp, hút thuốc lá và tăng cholesterol có thể giảm tỷ lệ mắc bệnh.
Nhận biết các dấu hiệu của bệnh đột quỵ
Khó khăn khi đi lại: Bệnh nhân có thể bị ngã hoặc đột ngột chóng mặt, mất thăng bằng hoặc mất phối hợp.
Rối loạn về ngôn ngữ và trí nhớ: bệnh nhân có thể lẫn lộn, hôn mê hoặc nói khó.
Liệt hoặc tê bì mặt, tay hoặc chân: Đột nhiên bệnh nhân xuất hiện tê bì, yếu hoặc liệt mặt, tay hoặc chân, đặc biệt là dấu hiệu liệt nửa người. Phát hiện bằng cách giơ cả hai tay lên đầu cùng một lúc. Nếu như một bên rơi xuống trước, có thể bệnh nhân bị đột quỵ. Cũng tương tự như vậy, có thể thấy một bên miệng trễ xuống khi bệnh nhân cười.
Có vấn đề về các dây thần kinh sọ não: nhìn ở một hoặc hai bên mắt hoặc mất thị lực ở một hoặc hai bên mắt, có thể nhìn đôi. Hoặc nuốt sặc, khó khạc đờm, giảm phản xạ ho, nói khàn tiếng. Méo mặt nếu có tổn thương dây số VII.
Đau đầu: đột nhiên đau đầu dữ dội, có thể kèm theo nôn mửa, chóng mặt hoặc rối loạn ý thức, là dấu hiệu gợi ý bị đột quỵ.
Nếu bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu nào của đột quỵ, cần phải đến cơ sở y tế để khám ngay. Thời gian bệnh tai biến mạch não không được điều trị càng dài, thì tổn thương não và tỷ lệ biến chứng của đột quỵ càng nhiều. Để việc điều trị có kết quả tốt, bệnh nhân cần được khám và điều trị tại bệnh viện trong vòng 3 giờ kể từ khi xuất hiện dấu hiệu ban đầu.
Các biểu hiện trên cũng có thể xảy ra ở một bệnh nhân đã từng bị tai biến mạch não trước đây, trong những trường hợp này có thể xảy ra một đột quỵ mới.
Nguyên nhân đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi mạch máu não bị tắc (nhồi máu não hay thiếu máu cục bộ), hoặc mạch máu não bị rò rỉ hay vỡ (xuất huyết não) hoặc giảm tạm thời lưu lượng máu qua não gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua.
Nhồi máu não hay thiếu máu cục bộ
Xảy ra khi một mạch máu bị tắc, nghẽn: khu vực não được tưới bởi mạch máu đó bị thiếu máu và hoại tử. Nhồi máu não chiếm khoảng 85% các tai biến mạch não. Nguyên nhân chủ yếu là xơ vữa mạch máu ở người lớn tuổi, tăng huyết áp, bệnh rối loạn nhịp tim, bệnh hẹp van hai lá, nhiễm khuẩn nội tâm mạc.
Xuất huyết não
Xảy ra khi máu thoát khỏi thành mạch vào nhu mô não. Xuất huyết não chiếm tỷ lệ 15-20% các tai biến mạch não, có nhiều nguyên nhân.
– Xuất huyết nội sọ: thường gặp ở người lớn tuổi, do một mạch máu não bị vỡ tràn máu vào mô não xung quanh, gây tổn thương các tế bào não. Các tế bào não ở sau vị trí mạch máu bị vỡ sẽ không được cung cấp máu và bị tổn thương. Cao huyết áp, chấn thương, dị dạng động tĩnh mạch não, dùng các thuốc chống đông máu có thể gây xuất huyết nội sọ. Dị dạng động tĩnh mạch não là bệnh bẩm sinh, hình thành một đám rối mạch máu bất thường trong não, khi vỡ sẽ gây xuất huyết não.
– Xuất huyết dưới màng nhện: Bệnh thường gặp ở người trẻ tuổi, do một động mạch trên hoặc gần bề mặt của não bị vỡ tràn vào khoang dưới nhện. Đau đầu dữ dội và đột ngột là dấu hiệu thường gặp của xuất huyết dưới nhện. Nguyên nhân hay gặp là vỡ phình mạch não. Phình mạch não là sự phình to của một phần thành mạch não tại nơi thành mạch máu bị yếu. Sau xuất huyết, có hiện tượng co thắt mạch não, nếu co thắt mạch nặng làm giảm lưu lượng máu não dẫn đến đột quỵ hoặc tử vong.
Thiếu máu não thoáng qua
Có các biểu hiện tương tự như nhồi máu não xảy ra khi gián đoạn tạm thời cấp máu cho một phần não bộ. Thiếu máu não thoáng qua thường kéo dài dưới 5 phút. Giống như nhồi máu não, thiếu máu não thoáng qua xảy ra khi một cục máu đông hoặc mảng xơ vữa gây tắc một phần của não. Nhưng thiếu máu não thoáng qua không để lại di chứng vì tắc nghẽn chỉ là tạm thời. Khi đã bị thiếu máu não thoáng qua, thì nguy cơ bị tai biến mạch não rất cao.
Yếu tố nguy cơ bệnh đột quỵ
Nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ TBMN. Một số yếu tố nguy cơ có thể điều trị được.
– Tăng huyết áp: nguy cơ đột quỵ bắt đầu tăng khi huyết áp cao hơn 120/80mmHg. Bác sĩ sẽ quyết định mục tiêu điều trị hạ huyết áp dựa vào tuổi của bệnh nhân, bệnh lý kèm theo như đái tháo đường và các yếu tố khác.
-Cholesterol máu cao (>200mg/dL hoặc > 5mmol/L).
– Bệnh đái tháo đường.
– Thừa cân hoặc béo phì.
– Không hoạt động thể chất.
– Ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn (rối loạn giấc ngủ, cung cấp oxy liên tục giảm xuống về đêm).
– Bệnh tim mạch, suy tim, dị tật tim, hoặc rối loạn nhịp tim.
– Sử dụng một số thuốc tránh thai hoặc điều trị bằng hormone như estrogen.
– Nghiện rượu hoặc sử dụng các loại thuốc gây nghiện như cocaine, amphetamine…
Các yếu tố nguy cơ khác:
– Tiền sử cá nhân hay gia đình bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc thiếu máu não thoáng qua.
– Tuổi trên 55 tuổi.
– Nam giới có nguy cơ đột quỵ cao hơn so với phụ nữ.
Các dấu hiệu ở giai đoạn biến chứng và di chứng
Biến chứng có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn, bao gồm:
– Liệt nửa người, liệt mặt, hoặc tay chân gây khó khăn với hoạt động sinh hoạt hàng ngày, như đi lại, ăn uống và mặc quần áo. Phục hồi chức năng có thể cải thiện tình trạng liệt và cơ lực.
– Rối loạn nuốt hoặc khó nói.
– Rối loạn trí nhớ và mất tập trung, khó kiểm soát cảm xúc hoặc trầm cảm.
– Đau, tê hay mất cảm giác, nhạy cảm với nhiệt độ thay đổi, đặc biệt là nhiệt độ lạnh. Biến chứng này thường gặp trong vài tuần sau đột quỵ và có thể cải thiện theo thời gian.
– Những thay đổi trong hành vi và tự chăm sóc bản thân. Những người đã bị đột quỵ khó có thể hòa nhập xã hội. Những trường hợp đột quỵ nặng, bệnh nhân không thể tự chăm sóc bản thân và phải cần có người chăm sóc để giúp họ những công việc hàng ngày.
Các xét nghiệm và chẩn đoán
Để điều trị tốt TBMN cần phải xác định chính xác là nhồi máu não hay xuất huyết não. Cần phải biết và dự phòng các yếu tố nguy cơ gây ra TBMN.
Khám và hỏi bệnh.
– Thời gian khởi phát các dấu hiệu đột quỵ
– Khám các dấu hiệu của tai biến mạch não.
– Đo huyết áp, khám tim mạch.
– Nghe tiếng thổi ở động mạch cảnh (trên cổ) là dấu hiệu của xơ vữa mạch cảnh.
– Khám chuyên khoa mắt: soi đáy mắt.
– Hỏi tiền sử gia đình và bệnh nhân có mắc bệnh tai biến mạch não hay bệnh tim mạch.
– Xét nghiệm máu: Đánh giá tình trạng đông máu, đường máu, xét nghiệm mỡ máu.
– Chụp cắt lớp vi tính (CT)/ cộng hưởng từ sọ não (MRI). Có vai trò rất quan trọng để chẩn đoán xác định vị trí và loại tai biến mạch não (nhồi máu não hay hay xuất huyết não) và các biến chứng của tai biến mạch não (phù não, tràn dịch não). Cũng có thể xác định được nguyên nhân như là phình mạch não hay dị dạng mạch não.
– Siêu âm động mạch cảnh phát hiện mảng xơ vữa và lưu lượng máu trong động mạch cảnh.
– Siêu âm tim có thể tìm thấy các cục máu đông trong buồng tim. Những cục máu đông trong buồng tim có thể đi theo dòng máu từ tim lên não gây tắc mạch não.
– Điện tâm đồ: phát hiện bệnh nhồi máu cơ tim hoặc những rối loạn nhịp tim như rung nhĩ…
Phương pháp điều trị và thuốc chữa bệnh đột quỵ
Điều trị nhồi máu não hay thiếu máu cục bộ
Mục tiêu của điều trị nhồi máu não là phải nhanh chóng khôi phục lại dòng chảy của máu đến não.
Các thuốc điều trị cấp cứu
Điều trị thuốc làm tan cục máu đông (huyết khối) phải bắt đầu càng sớm, càng tốt, bắt đầu dùng trong vòng 4,5 giờ tính từ khi xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên của đột quỵ Điều trị sớm không những cải thiện cơ hội sống sót của bệnh nhân mà còn làm giảm các biến chứng của đột quỵ. Bệnh nhân có thể được điều trị bằng các thuốc sau:
Aspirin có tác dụng ngăn ngừa cục máu đông hình thành. Thuốc phải được chỉ định ngay khi bị nhồi máu não hoặc TBMN thoáng qua.
Chất hoạt hoá plasminogen mô (tPA) là một loại thuốc làm tan cục máu đông, dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch. tPA phải được cho dùng trong vòng 4,5 giờ kể từ khi có những triệu chứng đầu tiên của nhồi máu não. Tuy nhiên, thuốc này còn có những tai biến như xuất huyết não, nên các bác sĩ phải thăm khám và làm đầy đủ các xét nghiệm để quyết định bệnh nhân có thể dùng được thuốc này hay không.
Phẫu thuật cấp cứu
Bơm thuốc tiêu sợi huyết trực tiếp vào não. Bác sĩ có thể bơm tPA trực tiếp vào động mạch não bị tắc qua một ống thông nhỏ luồn ở động mạch bẹn đến não. Cửa sổ thời gian của biện pháp này có thể kéo dài hơn biện pháp dùng chất hoạt hoá plasminigen mô tiêm tĩnh mạch.
Thủ thuật hút bỏ cục huyết khối bằng thiết bị cơ học trong thiếu máu não cục bộ: Bác sĩ dùng một ống thông nhỏ có cấu tạo đặc biệt đưa vào não để hút bỏ huyết khối.
Một số thủ thuật khác
Thủ thuật cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh là phẫu thuật loại bỏ các chất béo (mảng bám) ở động mạch cảnh (động mạch chạy dọc theo mỗi bên cổ đến não).
Nong và đặt stent động mạch cảnh: can thiệp nội mạch hẹp động mạch cảnh bằng cách nong và đặt stent.
Điều trị xuất huyết não
Mục tiêu: kiểm soát chảy máu và làm giảm áp lực trong não, có thể giúp giảm thiểu những nguy cơ sau này.
Biện pháp điều trị cấp cứu
– Nếu như bệnh nhân đang được dùng thuốc chống đông như sitrom hoặc hoặc thuốc chống ngưng tập tiểu cầu như clopidogrel (Plavix) mà bị xuất huyết não, cần được truyền chế phẩm máu như huyết tương tươi đông lạnh để phục hồi tình trạng đông máu.
– Dùng thuốc để làm giảm áp lực trong não (áp lực nội sọ), thuốc hạ huyết áp hoặc thuốc phòng chống cơn co giật.
– Khi xuất huyết não ngừng lại, các biện pháp điều trị là nghỉ ngơi và điều trị hỗ trợ chăm sóc y tế hỗ trợ.
– Nếu như vùng chảy máu tiếp tục lan rộng, phẫu thuật có thể được chỉ định để lấy bỏ máu tụ và làm giảm áp lực nội sọ.
Phẫu thuật sửa chữa mạch máu dị dạng
Phẫu thuật kẹp túi phình mạch não: giúp ngăn ngừa vỡ túi phình mạch não hoặc phòng chảy máu tái phát của túi phình mạch đã vỡ gây xuất huyết .
Can thiệp nội mạch hay đặt coil (dây xoắn) vào túi phình mạch não là thủ thuật dùng một ống thông luồn qua động mạch đùi ở bẹn và được đưa cẩn thận lên não, đưa các dây xoắn (coil) vào túi phình mạch từ bên trong để làm tắc nghẽn lòng mạch, nút túi phình.
Phẫu thuật cắt bỏ dị dạng động tĩnh mạch (AVM): bác sĩ phẫu thuật có thể cắt bỏ khối dị dạng động tĩnh mạch não (AVM) để loại bỏ các nguy cơ vỡ gây xuất huyết não.
Phục hồi chức năng vận động, chăm sóc tại nhà sau ra viện
Điều trị theo đơn: các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn, rối loạn lipide máu…
Đặc biệt phải kiểm soát huyết áp và các yếu tố nguy cơ.
Phục hồi chức năng sống, chức năng vận động, hạn chế các di chứng loét mục, cứng khớp, teo cơ, đề phòng nhiễm khuẩn và loét mục thứ phát.
Đảm bảo dinh dưỡng theo bệnh lý và theo tình trạng dinh dưỡng của người bệnh.
Các liệu pháp tâm lý phục hồi trí nhớ, duy trì sự minh mẫn.
Phòng chống bệnh đột quỵ
Kiểm soát huyết áp cao (tăng huyết áp). Bệnh nhân tăng huyết áp cần được khám đánh giá toàn diện, lựa chọn thuốc phù hợp với từng bệnh nhân để đạt huyết áp mục tiêu. Người tăng huyết áp phải dùng thuốc hạ huyết áp suốt đời, kết hợp với chế độ ăn giảm muối và tập thể dục đều đặn, khám định kỳ hàng tháng.
Hạn chế ăn thức ăn có các chất béo. Ăn chế độ ăn có ít chất béo bão hoà, chất béo chuyển dạng, cholesterol làm giảm các mảng xơ vữa trong động mạch. Thuốc uống làm giảm cholesterol sẽ được chỉ định nếu như thay đổi chế độ ăn không làm giảm được cholesterol.
Không hút thuốc lá và tránh bị hút thuốc lá thụ động.
Kiểm soát bệnh đái tháo đường. Kiểm soát bệnh đái tháo đường với chế độ ăn uống, tập thể dục, kiểm soát cân nặng và dùng thuốc hạ đường máu.
Duy trì một trọng lượng khoẻ mạnh. Thừa cân là một trong các yếu tố nguy cơ của đột quỵ, chẳng hạn như huyết áp cao, bệnh tim mạch và đái tháo đường.
Ăn một chế độ ăn uống giàu trái cây và rau quả. Chế độ ăn uống nhiều rau và trái cây có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ.
Tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục làm giảm nguy cơ đột quỵ bằng nhiều cách. Tập thể dục có thể làm giảm huyết áp, tăng nồng độ cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL, hay “tốt”), và cải thiện sức khoẻ tổng thể của các mạch máu và trái tim của bạn. Tập thể dục cũng giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường, kiểm soát được cân nặng và giảm bớt căng thẳng. Thời gian tập thể dục tăng dần đến 30 phút. Các môn thể dục như đi bộ, bơi lội, chạy bộ hoặc đi xe đạp.
Rượu vừa là một yếu tố nguy cơ và cũng là biện pháp phòng ngừa đột quỵ. Uống rượu mạnh tăng nguy cơ bị huyết áp cao, nhồi máu não và xuất huyết não. Tuy nhiên, uống một lượng rượu vừa phải có thể giúp phòng nhồi máu não, thiếu máu cục bộ và làm giảm khuynh hướng đông máu.
Điều trị hội chứng ngừng thở khi ngủ nếu có. Những bệnh nhân có hội chứng ngừng thở khi ngủ cần được khám và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Tránh dùng các thuốc gây nghiện. Một số thuốc gây nghiện như cocaine và methamphetamine, là yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Cocaine làm giảm lưu lượng máu và có thể gây hẹp các động mạch.
Thuốc phòng ngừa: Khi đã bị nhồi máu não hoặc thiếu máu não thoáng qua, bác sĩ sẽ khuyên nên dùng thuốc để giúp giảm nguy cơ bị tái phát đột quỵ. Các thuốc bao gồm:
+ Thuốc chống ngưng tập tiểu cầu. Tiểu cầu là các tế bào trong máu có nhiệm vụ khởi động quá trình hình thành cục máu đông. Thuốc chống ngưng tập tiểu cầu có tác dụng làm giảm tính kết dính của tiểu cầu và ít có khả năng tạo cục máu đông. Các thuốc chống tiểu cầu được sử dụng thường xuyên nhất là aspirin. Liều lượng thuốc do các bác sĩ chỉ định.
+ Bác sĩ cũng có thể kê đơn Aggrenox, là thuốc kết hợp giữa liều thấp aspirin và thuốc chống ngưng tập tiểu cầu dipyridamole, để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Nếu như aspirin không phòng được thiếu máu não thoáng qua hay nhồi máu não, hoặc bệnh nhân không thể uống aspirin được, bác sĩ sẽ xem xét kê đơn một loại thuốc chống tiểu cầu khác như clopidogrel (Plavix).
Thuốc chống đông. Bao gồm heparin và warfarin (Coumadin), làm giảm đông máu. Heparin là thuốc có tác dụng nhanh và thường chỉ định trong thời gian ngắn ở trong bệnh viện. Warfarin là thuốc có tác dụng chậm và được sử dụng để điều trị lâu dài.
Warfarin là thuốc chống đông máu tác dụng mạnh, vì vậy bệnh nhân cần phải thực hiện đúng theo chỉ dẫn và theo dõi các tác dụng phụ. Thuốc này được chỉ định dùng cho một số tình trạng tăng đông máu, bất thường cấu trúc động mạch, rối loạn nhịp tim hoặc một số bệnh lý tim mạch khác.
Cẩm nang truyền thông các bệnh thường gặp – Bệnh viện Bạch Mai
Chưa có bình luận.