Các bác sĩ phẫu thuật khoa nhi ở Mỹ đang phát triển phương pháp điều trị mới có thể cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót của trẻ sơ sinh mắc một dị tật tim bẩm sinh cực kỳ phức tạp: Hội chứng thiểu sản tim trái.
Bệnh tim bẩm sinh luôn là nỗi lo lắng của các bậc cha mẹ khi đón đứa con chào đời. Đây cũng là bệnh lý phức tạp với các bác sĩ nhi khoa. Các bác sĩ phẫu thuật khoa nhi thuộc Bệnh viện Nhi Boston và Viện Mayo ở Mỹ cho biết, họ đang phát triển phương pháp điều trị mới có thể cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót của trẻ sơ sinh mắc một dị tật tim bẩm sinh cực kỳ phức tạp: Hội chứng thiểu sản tim trái (tâm thất trái bị teo nhỏ – HLHS).
Vài chục năm trước, những bé bị dị tật tim bẩm sinh hầu như không thể sống đến tuổi thiếu niên. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), cứ 40.000 trẻ em Mỹ chào đời bị khuyết tật tim bẩm sinh mỗi năm thì có gần 1.000 bé mắc Hội chứng thiểu sản tim trái.
Căn bệnh này xuất hiện khi tâm thất của trẻ phát triển bất thường do có vấn đề về di truyền. Đối với một trái tim bình thường, tâm thất trái nhận máu có ôxy từ phổi để cung cấp cho não và các cơ quan khác. Sau khi bị lấy hết ôxy, máu sẽ trở về tâm nhĩ phải, xuống tâm thất phải rồi được bơm lên đến phổi và bắt đầu lại chu kỳ tuần hoàn máu. Trong trường hợp chỉ có một tâm thất phải, tim không thể nhận đủ máu có ôxy để nuôi cơ thể. Nếu không được phẫu thuật, trẻ bị Hội chứng thiểu sản tim trái thường tử vong trong vòng vài ngày hoặc vài tuần sau khi sinh. Ghép tim là một lựa chọn, nhưng cơ hội rất mỏng manh khi trẻ sơ sinh ít khả năng sống sót để chờ đợi được cấy ghép.
Đột phá mới trong điều trị dị tật tim bẩm sinh
Bé Harrison Fitch hiện sống khỏe mạnh cùng cha mẹ và anh trai. (Ảnh: viralnewschart)
Hiện tại, để giúp trẻ có thể sống sót với một tâm thất, các chuyên gia áp dụng 3 phương pháp phẫu thuật tiêu chuẩn được phát triển trong 30 năm qua, bao gồm: Norwood được thực hiện ngay sau khi sinh, Glenn khi trẻ được 4 – 6 tháng tuổi và Fontan lúc bé khoảng 3 tuổi. Nhưng mới đây, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Boston đã gặt hái được thành quả của mình sau 10 năm nỗ lực nghiên cứu, khi sử dụng kỹ thuật sinh học để giúp trẻ bị Hội chứng thiểu sản tim trái phát triển phần tâm thất bị khiếm khuyết.
Bác sĩ Sitaram Emani cho biết, phương pháp này đã được áp dụng điều trị trên 34 bệnh nhi và có 13 trường hợp đang sống với hai tâm thất hoạt động bình thường. Một trong số trẻ may mắn đó chính là cậu bé Harrison Fitch (hiện 6 tuổi) đến từ thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia.
Năm 2006, sau khi siêu âm và được chẩn đoán bào thai có dấu hiệu bất thường, bố mẹ bé Harrison đã quyết định đăng ký thử nghiệm phương pháp điều trị mới của Bệnh viện Nhi Boston – phẫu thuật can thiệp từ giai đoạn bào thai, thời điểm mà các chuyên gia cho là có thể tận dụng được khả năng tái tạo của cơ thể. Trong ca phẫu thuật này, các bác sĩ đã luồn thành công một quả bóng vào trong khoang tim và bơm phồng nó để mở một van tim bị tắc nghẽn. Van tim sau đó bắt đầu mở và đóng, cho phép máu đi qua tâm thất trái.
Khi Harrison chào đời, tâm thất trái của bé bắt đầu phát triển nhưng chưa đủ khả năng hoạt động độc lập. Các bác sĩ tiếp tục tiến hành 3 phương pháp phẫu thuật Norwood, Glenn và Fontan. Khi Harrison được 4 tuổi, vài tháng sau ca phẫu thuật thứ 3, cậu bé được phẫu thuật lần thứ tư để giúp tâm thất trái hoạt động bình thường. Hiện bé Harrison hoàn toàn khỏe mạnh và có thể tham gia các trò chơi vận động mạnh như bóng đá, bóng vợt.
Các bác sĩ cho biết không phải tất cả bệnh nhân đều đạt được kết quả mong muốn như trường hợp của bé Harrison. Do đó, bác sĩ Emani cùng cộng sự đang nghiên cứu thêm về kỹ thuật này để chắc chắn đây là một biện pháp an toàn, bao gồm cả việc chăm sóc sau phẫu thuật. Mặc dù hiệu quả của phương pháp này có thể phải mất nhiều năm mới được xác nhận nhưng bác sĩ phẫu thuật Harold Burkhart hy vọng đây có thể là “cứu cánh” cho trẻ mắc dị tật HLHS, nhất là khi các bé không có đủ thời gian cũng như sức khỏe để chờ được ghép tim.
Theo Wall Street Journal tháng 7/2013)
Chưa có bình luận.