Thứ Bảy, 05/11/2016 | 13:52

Nam diễn viên mắc bệnh đái tháo đường 28 năm nay, nhưng vẫn sống vui khỏe nhờ chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý.

Hội thảo “Sống khỏe mạnh và cân bằng cùng đái tháo đường” diễn ra sáng ngày 5/11 ở TP HCM, do Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam phối hợp với nhãn hàng Glucerna tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống đái tháo đường. Chương trình được tường thuật trực tiếp trên VnExpress.

Có mặt tại hội thảo, diễn viên Chí Tài chia sẻ kinh nghiệm vượt qua bệnh tiểu đường của bản thân. Anh kể, từ khi ngoài 30 đã phát hiện lượng đường trong máu cao. 

Diễn viên Chí Tài chia sẻ kinh nghiệm sống chung với bệnh tiểu đường

Diễn viên Chí Tài và Thạc sĩ, bác sĩ Diệp Thị Thanh Bình, Phó chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam chia sẻ về bệnh tiểu đường. Ảnh: Hà Mai

Thời gian đầu, anh gặp nhiều khó khăn, thường xuyên đói và thèm ăn, nhất là những đồ ngọt. Người lúc nào cũng khó chịu vì cảm thấy thiếu thiếu gì đó. Nhiều khi kiêng quá, người bị thiếu chất dinh dưỡng đến mức bị giảm đường huyết. Trong năm đầu tiên điều trị bệnh, anh chỉ ăn mỗi bữa 3 bát, trong khi trước lúc bị bệnh, nam diễn viên ăn đến 6 bát cơm mỗi bữa. Hiện mỗi bữa anh chỉ ăn hơn một bát.

Bị bệnh khá lâu nhưng anh vẫn sống vui khỏe nhờ kịp thời điều chỉnh chế độ ăn uống và luyện tập hợp lý. Sau khi bác sĩ cảnh báo về lượng đường cao trong máu, anh chú ý đến uống thuốc, luyện tập và ăn uống cân bằng hơn, như ăn nhiều rau, ăn ít chất béo và tinh bột, ăn nhạt, bỏ hẳn nhậu và thuốc lá… Bận rộn với lịch diễn dày đặc, anh vẫn tranh thủ để luyện tập thể dục. 

Anh cũng chia sẻ, mọi người nên vui vẻ lạc quan, bởi tinh thần lạc quan như liều thuốc giúp vượt qua bệnh tật dễ dàng hơn.

Thạc sĩ, bác sĩ Diệp Thị Thanh Bình, Phó chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam chia sẻ, bệnh tiểu đường đang tăng nhanh ở Việt Nam, với gần 3 triệu người mắc bệnh. Khoảng 65% người mắc đái tháo đường không biết mình bị bệnh. Tỷ lệ người mắc bệnh tăng hơn 200% trong 10 năm qua (2002-2012).

Người bệnh cần ăn đầy đủ thành phần các nhóm dưỡng chất đạm, béo, bột đường với tỷ lệ hợp lý. Nên chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, chứa cholesterol tốt, nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất. Khẩu phần ăn nên chia nhỏ và ăn nhiều bữa ăn trong ngày. 

“Người đái tháo đường được ăn tất cả mọi thứ, kể cả thực phẩm ngọt, nhưng cần phù hợp với thể trạng cơ thể theo chỉ định của bác sĩ”, bác sĩ Bình cho biết. Các loại sữa rất tốt cho cơ thể, tuy nhiên, người bị bệnh đái tháo đường không được uống sữa đặc.

Diễn viên Chí Tài chia sẻ kinh nghiệm sống chung với bệnh tiểu đường

Thạc sĩ, bác sĩ Diệp Thị Thanh Bình, Phó chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam. Ảnh: Hà Mai

Dấu hiệu nhận biết bệnh này gồm uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhanh, hay đói và mệt, mắt mờ.

80% người đái tháo đường tử vong do biến chứng tim mạch, 20% bị bệnh thận, suy thận, chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận, 5-7% người  đái tháo đường mắc biến chứng bàn chân.

Ổn định đường huyết là mục tiêu quan trọng nhất đối với người bị tiểu đường. Vùng đường huyết nguy hiểm của bệnh đái tháo đường xảy ra khi đường huyết quá thấp hay quá cao. Đường huyết được xem là bất thường khi lúc đói dưới 70 mg/dL (3,9 mmol/L), sau ăn 1-2 giờ mà lớn hơn 200mg/dL (11,1 mmol/L).

Theo Hiệp hội đái tháo đường Mỹ, mức đường huyết an toàn khi đói là 90-130 mg/dL (5-7,2 mmol/L), sau ăn 1-2 giờ dưới 180mg/dL (10 mmol/L), trước khi ngủ là 110 -150 mg/dL (6-8,3 mmol/L).

Thách thức lớn nhất đối với người bệnh là tuân thủ chế độ ăn để kiểm soát đường huyết. Thống kê cho thấy, 63% bệnh nhân thiếu kiến thức về chế độ ăn, 87% khó tuân thủ chế độ ăn.

Diễn viên Chí Tài chia sẻ kinh nghiệm sống chung với bệnh tiểu đường

Buổi hội thảo thu hút nhiều người tham gia. Ảnh: Hà Mai

Chế độ ăn kiêng không hợp lý dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý bệnh nhân. Tâm lý lo lắng khiến họ kiêng khem nghiêm ngặt và đột ngột, từ bỏ gần như mọi món ăn yêu thích. Nhiều người trước ăn 3 bát, thì nay chỉ dám ăn lưng chén cơm mỗi bữa, ưu tiên rau xanh mà bỏ quên các nhóm chất khác. Sai lầm này khiến không ít bệnh nhân sụt cân, chán ăn, stress, thiếu chất, suy dinh dưỡng, giảm miễn dịch.

Bà Lê Phương, 50 tuổi bày tỏ nỗi lo lắng khi vừa mới phát hiện chớm bị tiểu đường. Dù đã cố gắng tuân thủ chế độ ăn kiêng theo bác sĩ chỉ dẫn nhưng thường xuyên bị đói, thèm ăn. 

Chia sẻ với bà Phương, bác sĩ Bình cho biết, việc cảm thấy đói và thèm ăn là dấu hiệu của việc mất cân bằng dinh dưỡng. Ăn kiêng không phải là ăn ít hay nhịn ăn mà vẫn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Một giải pháp cho bà Phương là chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa trong một ngày. Nếu bận rộn quá có thể sử dụng sản phẩm thay thế bữa ăn, để tránh những cơn đói khi không đủ chất trong cơ thể. Tập thể dục mà thấy hồi hộp thì nên giảm bớt cường độ lại ở những lần sau. Ăn, uống thuốc đúng giờ. Đây là nguyên tắc vàng giúp điều trị thành công bệnh đái tháo đường.

Bà Nguyễn Thị Thảo, 74 tuổi bị bệnh đái tháo đường 16 năm nay. Bà bị hôn mê một lần do uống thuốc và quên ăn. Hiện bà vẫn uống thuốc đều đặn, nhưng lo lắng gây ảnh hưởng đến mắt.

Bác sĩ Bình cho biết, việc bị hôn mê sâu do uống thuốc mà quên ăn rất nguy hiểm cho sức khỏe. Để tránh tình trạng hôn mê như vậy, bà cần phải ăn đầy đủ trước khi uống thuốc, tuyệt đối không được nhịn đói, khiến đường huyết dao động.

Bên cạnh đó, bà nên tuân theo lộ trình của bác sĩ, đặc biệt là không uống sữa đặc. Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng trực tiếp đến mắt, vì thế bà Thảo cần phải đi khám thường xuyên để phát hiện những vấn đề bệnh liên quan đến võng mạc. Việc khám như vậy sẽ giúp bảo vệ, phòng tránh những bệnh về mắt ở người già.

Diễn viên Chí Tài chia sẻ kinh nghiệm sống chung với bệnh tiểu đường

Đái tháo đường (tiểu đường) là bệnh mãn tính với biểu hiện lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường, do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.

Nguyên nhân gây bệnh hiện chưa được xác định rõ ràng. Các yếu tố bao gồm di truyền và lối sống không cân bằng, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, chất béo và hàm lượng bột đường cao, thừa cân béo phì… có nguy cơ cao dẫn đến tiểu đường.

Khi mắc bệnh, cơ thể không chuyển hóa các chất bột đường từ thực phẩm ăn vào hàng ngày một cách hiệu quả để tạo ra năng lượng. Từ đó gây ra hiện tượng lượng đường tích tụ tăng dần trong máu. Lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao qua thời gian làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, gây ra tổn thương ở cơ quan khác như mắt, thận, thần kinh và các bệnh lý nghiêm trọng khác. 

Có 2 loại tiểu đường, gồm tuýp 1 và tuýp 2. Tiểu đường tuýp 1 xảy ra khi người bệnh bị thiếu insulin do tuyến tụy không sản xuất đủ insulin. Tiểu đường tuýp 1 hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, người trẻ chiếm dưới 10% số người mắc bệnh. 

Diễn viên Chí Tài chia sẻ kinh nghiệm sống chung với bệnh tiểu đường

Bà Nguyễn Thị Thảo (74 tuổi, quận 12, TP HCM) nhờ tư vấn cách không bị ảnh hưởng đến mắt khi bị tiểu đường. Ảnh: Hà Mai

Những người bị tiểu đường tuýp 2 bị đề kháng với insulin. Nghĩa là cơ thể vẫn có thể sản xuất insulin nhưng nó không thể chuyển hóa được glucose. Khoảng 90-95% người bị tiểu đường trên thế giới là týp 2. Tiểu đường tuýp 2 thường gặp ở những người từ 40 tuổi trở lên. Nhưng hiện nay độ tuổi những người mắc bệnh đã bị trẻ hóa từ 30 tuổi trở lên.

10-15 năm trước, đái tháo đường thai kỳ ít xảy ra, nhưng hiện có dấu hiệu tăng, xảy ra do sự rối loạn dung nạp glucose ở phụ nữ mang thai. Ở tuần thai 24-28, thai phụ cần kiểm ra có rối loạn dung nạp đường không.

Bác sĩ Bình chia sẻ, gia đình, người thân là những người đồng hành, giúp người bệnh vượt qua bệnh đái tháo đường. Các thành viên trong gia đình cần thông cảm, chia sẻ khi người bệnh thay đổi tính tình, khó chịu và hay căng thẳng. Người thân cần khích lệ, động viên để người bệnh luôn vui vẻ. Những bữa ăn ngon, đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp bệnh nhân cân bằng lượng đường trong máu và góp phần trị dứt điểm bệnh.

Xem phần chia sẻ của bác sĩ

Diễn viên Chí Tài hát Và tôi cũng yêu em

Diễn viên Chí Tài chia sẻ kinh nghiệm sống chung với bệnh tiểu đường

Phát Đạt

Video: Vũ Đoan – Đức Huy

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook