Mắc lao gan trên bệnh Wilson, nữ sinh 20 tuổi tại Đồng Tháp phải điều trị hơn 3 năm tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Không còn vẻ tiều tụy như ngày đến viện, bệnh nhân giờ đã là cô sinh viên xinh xắn, khỏe mạnh. Ròng rã chạy chữa khắp nơi từ năm 16 tuổi, cô gái được phát hiện bệnh Wilson (rối loạn chuyển hoá đồng) rồi sau đó bước vào cuộc chiến chống lao gan. Đây là trường hợp thứ hai được biết đến trên thế giới.
Bác sĩ Lê Hữu Phước, Khoa Nghiên cứu và điều trị viêm gan Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân nhập viện ngày 10/5/2013. Trước đó bệnh nhân rối loạn kinh nguyệt, rồi vô kinh hoàn toàn mà không tìm được nguyên nhân. Cô gái cũng thường xuyên sưng đau khớp cổ chân, khớp gối, không cải thiện khi điều trị với thuốc giảm đau, kháng viêm. Bệnh nhân xuất hiện thêm nhiều triệu chứng thiếu máu và dần có các dấu hiệu tổn thương gan như vàng da, vàng mắt, phù chi, bụng chướng…
Hình ảnh giảm đậm độ hạ phân thùy IV ở gan. |
Đứng trước ca bệnh với nhiều biểu hiện lạ, các bác sĩ tiến hành nhiều xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả kiểm tra huyết học, sinh hóa cho thấy hàm lượng đồng trong nước tiểu tăng gấp 6 lần so với bình thường. Xét nghiệm virus cũng cho kết quả âm tính với các loại virus gây viêm gan thường gặp. Cùng với phân tích gen, siêu âm, CT… bệnh nhân được chẩn đoán bệnh Wilson.
Sau khi điều trị thải đồng, trợ gan, truyền máu… bệnh nhân dần hồi phục. Các biểu hiện bệnh dần biết mất hoàn toàn sau 12 tháng. Bệnh nhân cũng có kinh nguyệt trở lại sau 18 tháng. Tuy nhiên sau 24 tháng điều trị, lúc lâm sàng diễn tiến tốt thì bệnh nhân siêu âm bụng kiểm tra định kỳ lại phát hiện u gan. Sinh thiết gan cho thấy có sự hiện diện của loại tế bào gợi ý lao.
“Lúc phát hiện lao gan trên bệnh Wilson, các bác sĩ rất bất ngờ vì trường hợp này là cực kỳ hiếm gặp”, bác sĩ Phước chia sẻ. Sau khi được điều trị kháng lao, bệnh nhân hiện hồi phục sức khỏe tốt và duy trì đi học, sinh hoạt bình thường.
Bệnh nhân hồi phục trò chuyện cùng bác sĩ. Ảnh: Lê Phương. |
Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân, Trưởng Khoa Nghiên cứu và điều trị viêm gan cho biết trường hợp đầu tiên được phát hiện trên thế giới là bệnh nhân 16 tuổi tại Ma rốc. Lao gan hiếm xảy ra do gan là một tạng nghèo oxy, không thích hợp cho vi trùng lao phát triển. Bệnh thường xảy ra trên cơ địa suy giảm miễn dịch như bệnh nhân HIV. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây tử vong.
“Có khả năng thuốc điều trị Wilson ở 2 trường hợp này ngoài tác dụng thải đồng còn gây ức chế miễn dịch khiến bệnh lao gan có cơ hội phát triển”, bác sĩ Xuân phân tích.
Lê Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.