Đêm 13/7, 10.000 liều văcxin Td được chuyển từ Nha Trang vào ổ dịch bạch hầu Bình Phước để tiêm cho nhóm có nguy cơ mắc cao; 500 người lớn và 250 trẻ em được cấp kháng sinh uống dự phòng trong 10 ngày.
Chiều 13/7, lãnh đạo Viện Pasteur TP HCM đã họp khẩn với Sở Y tế Bình Phước về giải pháp ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu ở tỉnh này.
Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Bình Phước cho biết ổ dịch khu trú ở 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú, huyện Đồng Phú, 37 trường hợp giám sát bệnh, trong đó 3 ca tử vong. Hiện 6 bệnh nhân đã xuất viện, 28 người đang theo dõi, điều trị tại các Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Chợ Rẫy (TP HCM), Đa khoa tỉnh Bình Phước, trạm y tế xã Thuận Lợi… Trong 36 mẫu đưa đi xét nghiệm, Viện Pasteur TP HCM xác định có 4 mẫu dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Theo đại diện Trung tâm y tế huyện Đồng Phú, sau khi phát hiện cụm bệnh bạch hầu tại 2 xã Thuận Lợi, Thuận Phú, huyện cung cấp kháng sinh phòng bệnh cho 500 người lớn và 250 trẻ em uống dự phòng trong vòng 10 ngày.
Một bệnh nhân bạch hầu được điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước. Ảnh: Phước Tuấn |
Phó giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM cho rằng đã 21 ngày kể từ trường hợp mắc đầu tiên, các ca bạch hầu khu trú ở 2 xã trong đó 4 người dương tính đều ở chung một xã. Do đó Sở Y tế Bình Phước có thể báo cáo UBND tỉnh để xem xét công bố dịch quy mô cấp huyện hay xã. Trong điều kiện cần thiết, cần điều động cán bộ y tế ở xã, huyện khác hoặc tuyến tỉnh đến hỗ trợ dập dịch trong thời gian sớm nhất để tránh lây lan trên diện rộng.
Cũng theo người đứng đầu Viện Pasteur TP HCM, 3 năm qua Bình Phước là địa phương có tỷ lệ tiêm phòng văcxin bạch hầu cao, song có tỷ lệ nhất định chưa tiêm ngừa tích lũy qua nhiều năm, hơn nữa hiệu lực tiêm ngừa văcxin giảm dần theo độ tuổi, tạo nên cộng đồng miễn dịch chưa đầy đủ. Các ổ dịch bạch hầu thường xuất phát từ những nơi đông đúc, miễn dịch chưa đầy đủ, điều kiện vệ sinh kém. Đặc biệt dịch bạch hầu vẫn xảy ra ở nhiều nước trong khu vực, việc giao lưu đi lại nhiều như hiện nay cũng làm gia tăng nguy cơ bùng phát bệnh.
“Để giúp đỡ tỉnh Bình Phước dập dịch, Viện Pasteur cử chuyên gia ở lại nằm vùng, tạo cầu nối trong các vấn đề chuyên môn, kỹ thuật”, ông Lân cho biết. Hiện huyết thanh kháng độc tố để điều trị bạch hầu đang hiếm và được tích cực huy động.
Viện trưởng Pasteur TP HCM Phan Trọng Lân đề nghị UBND tỉnh Bình Phước cần công bố dịch bạch hầu cấp huyện, xã. Ảnh: Phước Tuấn |
Bạch hầu là bệnh nhiễm cấp tính, lây lan theo đường hô hấp. Tuy nhiên ổ dịch tại Bình Phước hiện nay có tính chất khu trú tại 2 xã nên các chuyên gia khuyến cáo người dân nơi khác không cần quá hoang mang. Tại vùng dịch, Bình Phước đang triển khai nhanh chóng các biện pháp dập dịch. Ngành y tế địa phương đang kiểm soát các trường hợp mắc bệnh, cách ly triệt để tại cơ sở y tế, điều trị kịp thời, không để tử vong. Đặc biệt ca dương tính chỉ cho xuất viện khi có 2 lần kết quả xét nghiệm âm tính.
Người trong hộ gia đình, người tiếp xúc với bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm. Họ phải tự theo dõi trong 7 ngày, nếu có các biểu hiện mắc bệnh phải thông báo cơ sở y tế để khám và cách ly điều trị kịp thời. Tất cả trường hợp sốt, đau họng, viêm amidan (gọi là ca giám sát) trong vùng dịch đều phải xem như ca mắc bạch hầu để xử lý kịp thời, không cần đợi xét nghiệm.
Ngành y tế khuyến cáo cộng đồng tăng cường vệ sinh cá nhân, đặc biệt là xử lý môi trường tại các nơi mắc bệnh. Khử khuẩn áo quần, đồ chơi trẻ em, bề mặt tiếp xúc… Vi khuẩn này tồn tại lâu trong môi trường nhưng nhạy cảm với tác nhân lý hóa nên có thể dễ dàng xử lý.
Thực hiện uống kháng sinh dự phòng đối với người dân trong vùng dịch, người trong gia đình, người có tiếp xúc với bệnh nhân vào 7 ngày trước và 7 ngày sau khi người đó khởi phát bệnh. Đặc biệt là tất cả người dân tổ 4, 5, 6 của ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi, đều phải uống thuốc dự phòng vì đây là nơi tập trung ca nhiều nhất.
Tỉnh rà soát trẻ trong độ tuổi tiêm chủng để tiêm ngừa bạch hầu đầy đủ 4 mũi vào tháng thứ 2, 3, 4 và tháng thứ 18. Tại khu vực vùng dịch, trẻ từ 18 đến 48 tháng được tiêm thêm một mũi DPT. Nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao từ 6 đến 26 tuổi được tiêm văcxin Td. Toàn bộ chi phí dự phòng, xét nghiệm điều trị đều được miễn phí.
Cán bộ y tế tham gia chống dịch phải kiểm tra lại miễn dịch và uống văcxin, trong thời gian chưa đủ miễn dịch khi tiếp xúc với bệnh nhân phải uống kháng sinh dự phòng.
Phước Tuấn – Lê Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.