Thứ Bảy, 19/09/2015 | 03:40

Trong Dự thảo Luật dược (sửa đổi) cho biết sẽ không quy định tham khảo giá thuốc tại các nước có điều kiện y tế, thương mại tương tự Việt Nam vì không khả thi.

Chiều 18/9, trong phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đọc tờ trình dự thảo về Luật Dược (sửa đổi). Bộ Y tế cho biết, dự thảo này không quy định tham khảo giá thuốc tại các nước có điều kiện y tế, thương mại tương tự Việt Nam và không quy định công bố giá tối đa đối với thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả do việc đưa ra tiêu chí các nước có điều kiện y tế tương tự Việt Nam và xây dựng giá thuốc tối đa là không khả thi;

Dự thảo Luật quy định việc quản lý giá thuốc với các biện pháp quản lý cụ thể, thống nhất với quy định tại Luật giá, Luật đấu thầu và các văn bản khác có liên quan;

Theo Bộ Y tế, để bảo đảm công khai, minh bạch trong công tác quản lý giá thuốc và tăng cường hiệu quả của sự phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan trong công tác quản lý giá thuốc, dự thảo vẫn khẳng định trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc.

Tuy nhiên, dự thảo đã quy định rõ thẩm quyền quản lý nhà nước về giá thuốc của Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan, đồng thời, phân công cụ thể trách nhiệm của Bộ Y tế và các Bộ, ngành trong quản lý giá thuốc.

(Ảnh minh họa)

Lý do để sửa đổi vấn đề liên quan đến quản lý giá thuốc trong Luật dược hiện hành được Bộ Y tế cho biết, Luật dược quy định việc kê khai và kê khai lại giá thuốc phải “bảo đảm giá thuốc không cao hơn giá thuốc tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam”. Trên cơ sở đó, Nghị định số 79/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật dược quy định: “Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thương mại và các Bộ, ngành liên quan công bố cụ thể danh sách các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự Việt Nam”. Tuy nhiên, cho đến nay liên Bộ vẫn chưa ban hành được văn bản hướng dẫn nội dung này do khó khăn trong việc xác định điều kiện y tế, thương mại của các nước tương tự Việt Nam, đồng thời việc tham khảo giá thuốc tại các nước không có ý nghĩa đối với những mặt hàng cung ứng cho thị trường Việt Nam nhưng không bán tại các nước tham khảo.

Quy định “cơ quan nhà nước có thẩm quyền định kỳ công bố giá tối đa đối với các loại thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả” chưa thực hiện được vì các lý do sau: Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu sản xuất thuốc và trên 50% thuốc thành phẩm nên giá thuốc tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường nguyên liệu và giá thuốc quốc tế.

Số lượng thuốc sản xuất, lưu hành tại Việt Nam hiện có khoảng hơn 25.000 mặt hàng, với gần 1.000 hoạt chất. Mỗi hoạt chất có rất nhiều chủng loại, hàm lượng, quy cách đóng gói, dạng bào chế, nhà sản xuất khác nhau nên việc xác định mức giá tối đa cho tất cả các mặt hàng nêu trên là không khả thi. Mặt khác, cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn trong việc xác định cơ sở xây dựng giá tối đa vì nếu công bố giá tối đa theo giá mặt hàng thuốc thấp nhất thì sẽ không bảo đảm có đủ thuốc cung ứng nhưng nếu công bố giá tối đa theo giá mặt hàng thuốc cao nhất thì giá thuốc sẽ tăng theo.

Luật dược chỉ giao một Bộ (Bộ Y tế) làm đầu mối mà không phân công nhiệm vụ giữa các bộ, ngành trong quản lý giá thuốc nên quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, chưa bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động quản lý vì quản lý giá thuốc cần phối hợp đa ngành.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực thi Luật dược, một số luật có liên quan mới được ban hành như Luật giá năm 2012, Luật đấu thầu năm 2013 … do vậy, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định về quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc trong Luật dược với các quy định tương ứng trong các văn bản nêu trên, cần sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan tại Luật dược.

Phượng Hoàng

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook