Ngày 29/9, thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng Hưng Nguyên (Nghệ An) cho biết: Trên địa bàn xã Hưng Trung vừa xuất hiện ổ dịch bệnh dại, 40 người bị chó cắn đang hoang mang sau khi 1 người tử vong.
Ông Nguyễn Đình Thanh, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hưng Nguyên cho biết: “Ổ dịch bùng phát từ trung tuần tháng 7/2016, khi có 1 con chó mắc bệnh dại của một hộ dân ở xóm 2 đã cắn 2 người và nhiều con chó khác trên địa bàn. Tại thời điểm này đã có 1 người tử vong do mắc bệnh dại. Số ca bệnh lên đến 40 người do tình trạng chó dại lây lan nhau toàn xã”.
Nạn nhân tử vong là chị Hoàng Thị Hảo sinh năm 1978, ở xóm 2, xã Hưng Trung. Người nhà chị Hảo cho biết, chị này bị chó dại cắn vào gót chân khi đang trên đường đi thu mua phế liệu.
Sau đó chị Hảo đã đi khám nhưng chỉ tiêm phòng uốn ván thay vì phải tiêm phòng dại như khuyến cáo. Vì chị này đang cho con nhỏ bú nên sợ tiêm vắc xin ảnh hưởng tới nguồn sữa nuôi con… Chi Hảo tử vong ngày 27/9 do bệnh dại đã phát lan quá nặng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An.
Con chó cắn chị Hảo sau đó cũng đã chết trước lúc nó cắn một cháu nhỏ khác ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc sang chơi người thân ở xã Hưng Trung này. Theo báo cáo của Trạm Y tế xã Hưng Trung: Trên địa bàn xóm 2, đã có khoảng 10 người bị chó cắn từ trung tuần tháng 7 đến nay.
Thống kê số người bị chó dại cắn sau cái chết của chị Hảo – Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên cho biết: Có khoảng 40 người bị chó cắn trong thời gian này. Tất cả số người này đều tin và điều trị bằng thuốc nam của thầy lang. Tuy nhiên, khi hay tin có người chết vì bệnh dại thì người dân mới đồng loạt tự tìm đến Trung tâm y tế gần nhất xin tiêm vắc xin phòng dại.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Thanh, hiện thì Trung tâm y tế dự phòng huyện đã khống chế được ổ dịch, trực tiếp xuống tận từng người dân bị chó dại cắn tiêm thuốc phòng dại và đặc biệt là số chó trên địa bàn các xã xung quanh cũng được tiêm phòng.
Ông Nguyễn Hữu Vịnh – Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Trung thừa nhận: Trách nhiệm chính để xảy ra ổ dịch bệnh dại thuộc về chính quyền địa phương. Số lượng vật nuôi tiêm phòng tại xã này đang rất ít (chỉ 400/2.246 con được tiêm phòng dịch hàng năm).
Theo ông Vịnh, người dân xóm 2 và các xóm lân cận của xã Hưng Trung hiện có biểu hiện hoang mang, lo lắng về tình hình bệnh dịch. Tuy nhiên, chúng tôi đã phải đến tận từng nhà để vận động, giải thích cho người dân hiểu ngay sau khi được báo về bệnh, cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế huyện đã về họp cùng xã Hưng Trung để khống chế ổ dịch.
Theo Tiền Phong
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.