Thứ Tư, 16/03/2016 | 20:00

Một bệnh nhân bị cưa chân. Chưa có Hội đồng khoa học cũng như chưa có những thông tin chuyên môn chính thức, nhưng theo diễn biến và những thông tin từ báo chí, đây có thể là một sai sót y khoa nghiêm trọng, xuất phát từ sự yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ.

Mặc dù đã hơn 30 năm, nhưng những bài học từ năm thứ 3, năm thứ 4 và năm thứ 5 luôn bắt buộc tôi ghi như tạc vào lòng những dấu hiệu của chèn ép khoang, của tắc mạch. Việc xác định mạch mu chân được các thầy bắt buộc khi khám và theo dõi bệnh nhân gãy xương cẳng chân khi học môn triệu chứng học, đau sau khi bó bột cũng được đặc biệt lưu ý với những ví dụ lâm sàng hết sức đau xót… Từ khi ra trường, tôi đã không làm trong chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, nhưng những bài học ấy vẫn luôn in sâu trong trí nhớ.

Vụ cô gái xinh đẹp bị cưa chân vì bác sĩ tắc trách: Làm sao để không còn những câu chuyện đau lòng?
Mất một chân là một thiệt thòi không gì bù đắp được, nhưng nó không phải dấu chấm hết

Chuyện xảy ra thì đã xảy ra rồi. Việc xác định nguyên nhân và truy cứu trách nhiệm là việc của cơ quan quản lí y tế cơ sở. Có hai vấn đề mà chúng ta cần quan tâm lúc này, đó là làm gì cho người bệnh, và làm sao để đừng xảy ra những sai sót như vậy nữa.

Dù sao thì chúng ta cũng phải chấp nhận một thực tế, rằng cái chân mất đi của cô gái kia sẽ không bao giờ có trở lại, cho dù chúng ta có làm gì đi chăng nữa. Đây là thiệt thòi, và là mất mát không gì bù đắp nổi. Tôi cho rằng chúng ta cần giúp cô gái kia mau chóng hội nhập với cuộc sống bình thường. Mọi việc làm, mọi bài báo xoáy sâu vào những đau khổ, thiệt thòi đều chỉ làm cho cô gái kia và gia đình cô ấy thêm đau buồn và tuyệt vọng.

Mất một chân là một thiệt thòi không gì bù đắp được, nhưng nó không phải dấu chấm hết. Ba tôi có hai người bạn, một người mất cả hai chân, một người mất cả hai tay. Cả hai người đều là tấm gương sáng trong lao động và trong cuộc sống. Các bác vẫn tự tay cuốc đất, trồng cây, tự phục vụ mọi công việc. Những ai đã từng sống ở Khải Xuân, Phú thọ đều biết về hai bác thương binh này.

Tôi nghĩ rằng một cơ quan truyền thông liên quan đến y tế nào đó, như Báo Sức khỏe & Đời sống chẳng hạn, có thể đứng ra, thực hiện một cuộc đóng góp, để nhân viên y tế đóng góp, giúp đỡ cho cô gái kia có thêm điều kiện mau chóng hội nhập với cuộc sống bình thường. Tôi sẽ đóng góp với mong muốn giúp cô gái này mau chóng hội nhập trở lại với đời sống bình thường.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là làm sao để câu chuyện này không lặp lại, không xảy ra nữa. Việc xác định chính xác nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm và kỉ luật những nhân viên y tế liên quan là việc cần làm, nhưng chưa đủ. Chúng ta cần rà soát lại công tác đào tạo, cần xác định chuẩn đầu ra của một bác sĩ y khoa, và xem lại việc thực hiện chương trình CME (Continuous Medical Education – đào tạo y khoa liên tục) của chúng ta như thế nào.

Vụ cô gái xinh đẹp bị cưa chân vì bác sĩ tắc trách: Làm sao để không còn những câu chuyện đau lòng?
Cô gái bị cụt 1 chân đang được điều trị tại bệnh viện 

Về vấn đề đào tạo. Chúng ta có thể tuyển sinh đầu vào theo nhiều cách, chính qui, cử tuyển, ưu tiên, chuyên tu… vì những lí do liên quan đến chính trị, xã hội. Nhưng nhất thiết chúng ta phải có một chuẩn đầu ra, hoặc chuẩn hành nghề, thống nhất, vì điều này liên quan đến sức khỏe và mạng sống con người. Không thể để sức khỏe và tính mạng người dân bị ảnh hưởng bởi các chính sách mang tính chính trị, xã hội. Có thể ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, cho dân tộc thiểu số, cho các chương trình địa phương… được dễ dàng tiếp cận với chương trình đào tạo, nhưng bắt buộc khi ra trường phải là một bác sĩ đạt chuẩn.

Chúng ta cần thắt chặt hơn nữa công tác đào tạo chuyên khoa, đào tạo sau đại học, đặc biệt là công tác CME. Cần khảo sát chính xác năng lực của cơ sở đào tạo, và tính chặt chẽ trong đào tạo. Cần khắc phục tư tưởng dễ dãi trong đánh giá học viên. Đối với các khóa CME ngắn hạn, không thể cứ đăng kí học, đóng tiền là có chứng nhận. Cần phải có các test đánh giá năng lực tiếp nhận của người được chứng nhận, và có cả các biện pháp đánh giá năng lực của cơ sở đào tạo.

Có vẻ như những bàn luận về vấn đề đào tạo y khoa sau trường hợp bị cắt chân này giống như chuyện mất bò mới lo làm chuồng. Nhưng chúng ta không được quyền để cho sự kém may mắn của cô gái kia trở nên hoàn toàn vô nghĩa.

BS Võ Xuân Sơn  

Bài viết thể hiện quan điểm và cách nhìn của tác giả

Nguồn: Báo Tầm Nhìn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook