Thứ Sáu, 11/05/2018 | 09:50

Viêm dạ dày ruột cấp là tình trạng viêm cấp niêm mạc của đường tiêu hóa, là nguyên nhân hay gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở các nước đang phát triển, vùng nhiệt đới, mật độ dân cư đông đúc, an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, trong đó có VIệt Nam. Bệnh xuất hiện với các mức độ khác nhau từ nhẹ đến rất nặng với các biểu hiện như: Nôn, ỉa chảy, phân toàn nước, đau bụng. Bệnh có thể tự khỏi sau 3 đến 4 ngày. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp mất nước nặng, sốc và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh?

Hầu hết các trường hợp viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em Việt Nam là do nhiễm vi rút, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, trong đó Rotavirus là tác nhân hay gặp nhất, chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi.  Có thể vì sau 5 tuổi, hệ miễn dịch của cơ thể đã hoàn thiện hơn, do vậy bệnh ít gặp hơn.  Adenovirus cũng là tác nhân hay gặp và cũng giống Rotavirus ít xảy ra ơ trẻ lớn.

Ngộ độc thức ăn cũng là nhóm nguyên nhân hay gặp. Bệnh lây truyền qua nguồn nước và thực phẩm bởi các vi khuẩn và độc tố do vi khuẩn sinh ra.  Các vi khuẩn hay gặp trong nhóm này là Salmonella, Shigella, Staphylococcus và E.coli.

Triệu chứng của bệnh Viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em:

Nôn và ỉa chảy là hai triệu chứng chính, thường gặp.  Xác định trẻ bị tiêu chảy khi phân nhiều nước và số lần đi ngoài nhiều hơn bình thường (ba lần trở lên trong 24 giờ), đôi khi trong phân có kèm theo nhày, máu.  Ở trẻ nhỏ, trẻ được xem bị tiêu chảy khi số lần đi ngoài gấp đôi bình thường.  Hầu hết các biểu hiện ở mức độ vừa và khỏi trong vòng vài ba ngày, đôi khi kéo dài đến cả tuần.  Trường hợp nôn và đi ngoài nhiều có thể dẫn đến mất nước nặng, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Các dấu hiệu kèm theo hay gặp: Đau thắt bụng, sốt cao và đau mỏi toàn thân, đau đầu, chân tay.

Cần phải đưa trẻ đi khám bệnh nếu:

Trẻ dưới 6 tháng tuổi bị Viêm dạ dày ruột cấp

Những trường hợp khác nếu bé có các biểu hiện sau:

Sốt trên 38 độ C

Trẻ đang mắc các bệnh: Bệnh tim, đái đường hoặc tiền sử đẻ non.

Trẻ bỏ ăn uống trong khi vẫn còn nôn, ỉa chảy

Trẻ nôn dịch màu xanh (mật) hoặc máu

Đi ngoài phân có máu

Đau bụng dữ dội

Khóc ngặt không dừng, ngủ nhiều, khó đánh thức và cảm giác mệt lả hoặc li bì

Các biểu hiện bệnh sau 24 giờ không thuyên giảm

Trẻ có dấu hiệu mất nước như:

Khát nước

Môi khô

Quá 6 tiếng thấy bỉm vẫn khô

Quá 8 tiếng không thấy đi tiểu

Da khô, nhăn nheo hoặc nhợt nhạt

Mắt trũng và / hoặc thóp lõm

Ít hoặc không có nước mắt khi khóc

BÁC SỸ SẼ LÀM GÌ KHI CON BẠN BỊ VIÊM DẠ DÀY RUỘT CẤP

Bác sỹ sẽ tiến hành thăm khám tổng thể, đặc biệt đo nhiệt độ, nhịp tim, đánh giá tình trạng mất nước, phản ứng thành bụng,…ngoài ra, để xác định nguyên nhân gây bệnh bác sỹ sẽ yêu cầu bạn cung cấp các thông tin liên quan như: bối cảnh xuất hiện các triệu chứng, các món ăn trước khi bị bệnh, các bối cảnh đã tiếp xúc như đi du lịch, tiếp xúc với người có bệnh cảnh tương tự trong gia đình, ở trường học… và có thể đề nghị làm một số xét nghiệm: máu, phân.  Cuối cùng, việc điều trị được chỉ định phụ thuộc và mức độ của bệnh.

CHĂM SÓC TRẺ BỊ BỆNH TẠI NHÀ:

Nguyên tắc cơ bản là bù lại dịch đã mất do trẻ bị nôn và tiêu chảy.

Dung dịch bù nước và điện giải, trên thị trường sẵn có nhiều loại như Oresol, Hydrite dạng gói cho trẻ em.  Bạn hòa tan một gói với 200ml nước uống hoặc theo chỉ định của bác sỹ. Cho trẻ uống theo nhu cầu cho đến khi trẻ ngừng tiêu chảy hoặc nôn.

Chế độ ăn kiêng cho trẻ bị Viêm dạ dày ruột cấp: Đối với trẻ bú mẹ hoặc uống sữa công thức: tiếp tục cho bú như bình thường nhưng bú làm nhiều lần hơn.  Đối với trẻ lớn hơn: cho ăn làm nhiều bữa nhỏ.

Tránh những quan niệm sai lầm: Ở Việt Nam, các bố mẹ thường cho rằng đối với các trẻ bị viêm dạ dày ruột cấp nên nhịn ăn, không uống, không bú sữa mẹ mà cho uống sữa đặc và Oresol đậm đặc.  Điều này có thể khiến tình trạng mất nước của trẻ trở nên tồi tệ hơn, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Nếu con bạn bị nôn hoặc ỉa chảy ngay sau khi uống thuốc, hãy hỏi ý kiến bác sỹ nếu cần phải thay thuốc khác vì thuốc này con bạn không hấp thụ được.

Nếu con bạn bị sốt, bạn cho con uống thuốc hạ sốt như paracetamol dạng nước uống hoặc đặt hậu môn với liều duy nhất trung bình là 10-15ml/kg theo cân nặng của con bạn, uống 3-4 lần/ngày.

Bạn không nên cho con uống bất kỳ loại thuốc nào mà không theo đơn của bác sỹ.

BẠN CÓ THỂ NGĂN NGỪA BỆNH VIÊM DẠ DÀY RUỘT CẤP KHÔNG?

Vi rút và vi khuẩn có thể lây lan từ người bệnh sang người khác bằng tay.  Thường xuyên rửa tay sẽ giúp ngăn ngừa bệnh lây lan.

Đảm bào con bạn chỉ ăn thức ăn được chuẩn bị sạch sẽ và bảo quản đúng cách.

Trẻ bú sữa mẹ sẽ ít bị bệnh viêm dạ dày ruột cấp hơn so với trẻ bú bình.

Tiêm phòng Rotavirus, nguyên nhân phổ biến nhất gây Viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em, luôn có sẵn và giúp bảo vệ con bạn không mắc phải bệnh này.  Tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội có sẵn hai loại vắc xin Rotavirus (ROTATEQ và ROTARIX), thích hợp cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên.

Bác sĩ Nguyễn Trung Hà – Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội

Để biết thêm thông tin về chăm sóc và tiêm phòng cho trẻ, vui lòng liên hệ theo số 84-24.35771100 hoặc website: www.hfh.com.vn hoặc email: contact@hfh.com.vn.  Địa chỉ: số 1 Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội

 

Bác sĩ Nguyễn Trung Hà – Trưởng khoa Nhi- Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội


Nguồn: SKĐS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook