Thường xuyên ăn, chơi cùng chó mèo, có thể tử vong do nhiễm giun sán từ chúng.
Bệnh giun sán chó mèo tấn công bạn như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh (Giám đốc Phòng khám Quốc tế Ánh Nga, Hà Nội – chuyên khoa Ký sinh trùng) cho biết, tuy chưa có số liệu chính xác về tình hình bệnh, nhưng khả năng lây nhiễm trứng giun đũa chó, mèo vào người tại Việt Nam là rất cao do việc nuôi chó, mèo trong nhà là phổ biến (để giữ nhà, làm thú cảnh, nguồn thực phẩm…). Đặc biệt, những thuốc sổ giun uống một liều dự phòng thông thường không diệt được Toxocara.
Ảnh minh họa |
Tác nhân gây bệnh là Toxocara canis hay Toxocara cati, một loài giun tròn thường được gọi là giun đũa của chó, mèo. Một khảo sát tình hình nhiễm giun tròn đường tiêu hóa trong 177 con chó tại một số địa phương tỉnh Thanh Hóa cho thấy, qua mổ khám, tỷ lệ chó nhiễm Toxocara canis chiếm từ 10-25% và qua xét nghiệm phân là từ 22,8- 40% . Ngoài ra, một khảo sát trên 90 mẫu rau sống bán tại các siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, số mẫu rau nhiễm trứng giun đũa chó, mèo chiếm đến 67,7% .
Giun đũa chó/mèo (sán chó) sẽ đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài môi trường và sau 1-2 tuần lễ các trứng này sẽ hoá phôi.
Đây là giai đoạn có thể gây bệnh cho người nếu nuốt phải trứng. Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất do thói quen đùa nghịch với đất cát, mà đất cát lại là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế bừa bãi của chó, mèo.
Sau khi nuốt trứng vào cơ thể, các ấu trùng giun sẽ được phóng thích, đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương. Ở ký chủ vĩnh viễn (chó hay mèo nhà), giun trưởng thành sống trong lòng ruột non. Người mắc bệnh khi nuốt phải trứng giun đũa chó, mèo đã hoá phôi.
Nhưng các ấu trùng từ trứng nở ra sẽ không phát triển được đến giai đoạn trưởng thành mà sẽ chu du trong cơ thể người trong vài tháng đến nhiều năm. Các ấu trùng này sẽ gây tổn thương tại những nơi mà chúng đến, làm nên bệnh giun đũa chó, mèo ở người.
Nguy cơ tử vong
Theo bác sĩ Ánh, mức độ tổn thương của cơ thể cùng với các triệu chứng tùy thuộc vào số lượng ấu trùng cũng như cơ quan mà chúng xâm lấn: gan, phổi, hệ thần kinh trung ương hay mắt…Trong đó, hai thể thường gặp nhất là thể ấu trùng di chuyển nội tạng và thể ấu trùng di chuyển ở mắt.
Ở nội tạng, chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi với các triệu chứng: sốt, gan to và bị hoại tử, lách to, triệu chứng hô hấp giống như hen suyễn. Ngoài ra, có thể gặp viêm cơ tim, viêm thận, hệ thần kinh trung ương bị thương tổn với các triệu chứng co giật, triệu chứng tâm thần kinh hay bệnh lý ở não do sán chó ký sinh. Trên thế giới cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong do toxocara di chuyển đến não.
Thể ấu trùng di chuyển ở mắt gặp ở trẻ từ 5-10 tuổi với triệu chứng giảm thị lực một bên mắt. Mức độ suy giảm thị lực tuỳ thuộc vào vùng bị thương tổn (võng mạc, điểm vàng), có thể dẫn đến mù loà.
Để điều trị bệnh cần có bác sĩ chuyên khoa ký sinh trùng và dựa vào từng xét nghiệm. Tùy theo các triệu chứng lâm sàng hiện có như ngứa da, nổi mề đay, ấu trùng di chuyển nội tạng mà bác sĩ sẽ có những toa điều trị khác nhau.
Quá trình điều trị rất phức tạp, đôi khi còn để lại nhiều biến chứng về sức khỏe cho trẻ. Chính vì vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia, cách tốt nhất là phòng bệnh và đưa trẻ vào ngay bệnh viện khi thấy các biểu hiện bất thường và tuyệt đối tránh tình trạng tự ý chữa bệnh dựa vào những biểu hiện bên ngoài.
Phòng bệnh như thế nào?
– Hàng tuần dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm.
– Phân chó, mèo phải được chôn lấp hay bỏ vào túi và vứt bỏ vào thùng rác.
– Không cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân.
– Rửa tay với xà phòng sau khi chơi đùa với chó, mèo, sau khi nghịch đất cát và trước khi ăn uống.
– Định kỳ tẩy giun cho chó, mèo.
Thanh Thanh
Chưa có bình luận.