Viêm quanh khớp vai là bệnh khá thường gặp và gây ảnh hưởng nhiều nhất đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Viêm quanh khớp vai là thuật ngữ dùng chung cho bệnh lý của các cấu trúc phần mềm cạnh khớp vai: gân, túi thanh dịch, bao khớp; không bao gồm các bệnh lý có tổn thương đầu xương, sụn khớp và mạng hoạt dịch như viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp… Tổn thương hay gặp nhất là gân cơ trên gai và bó dài gân nhị đầu cánh tay.
Theo Welfling (1981) có 4 thể lâm sàng của viêm quanh khớp vai:
– Thể đau vai đơn thuần (thường do bệnh lý gân)
– Thể đau vai cấp (do lắng đọng tinh thể)
– Thể giả liệt khớp vai (do đứt các gân)
– Thể đông cứng khớp vai (do viêm dính bao hoạt dịch)
Trên thực thể lâm sàng các thể trên có thể xen lẫn với nhau.
Viêm quanh khớp vai là bệnh khá thường gặp và gây ảnh hưởng nhiều nhất đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nguyên nhân:
Thường do chấn thương, vì chấn thương kéo dài, thoái hóa
Chẩn đoán:
Chẩn đoán thể bệnh viêm quanh khớp vai
1. Thể đau khớp vai đơn thuần
– Nguyên nhân do viêm các gân vùng khớp vai: đầu dài gân nhị đầu, các gân củ mũ cơ quay (gân cơ trên gai, dưới gai, cơ vai và cơ tròn nhỏ). Trong đó viêm gân trên gai và đầu dài gân nhì đầu hay gặp nhất.
– Triệu chứng lâm sàng:
+ Thường gặp ở người trẻ chơi thể thao, hoặc người trên 50 tuổi.
+ Có thể đau khớp vai tự nhiên, song thường do vận động khớp vai quá mức, hoặc sau những vi chấn thương liên tiếp ở khớp vai. Đau kiểu cơ học, tăng khi làm một số động tác cử động vai, có thể đau tăng về đêm. Bệnh nhân khó nằm nghiêng, khi nằm tỳ vào vai đau tăng, đôi khi đau lan xuống cánh tay, cẳng tay.
+ Khám không thấy hạn chế vận động chủ động và thụ động, không giảm cơ lực.
– Triệu chứng cận lâm sàng.
+ Hình ảnh Xquang khớp vai bình thường, đôi khi thấy hình ảnh calci hóa tại gân.
+ Siêu âm khớp vai phát hiện tổn thương gân.
2. Thể đau vai cấp
– Nguyên nhân: viêm túi thanh mạc do vi tinh thể (hydroxy-apatite), gây nên bởi sự calci hóa mũ các gân cơ quay và sự di chuyển của các calci hóa này vào túi thanh mạc dưới mỏm cùng cơ Delta.
– Triệu chứng lâm sàng:
+ Đau vai xuất hiện đột ngột với các tính chất dữ dội, đau gây mất ngủ, đau lan toàn bộ vai, lan lên cổ, lan xuống tay, đôi khi xuống tận bàn tay. Bệnh nhân mất vận động khớp vai hoàn toàn.
+ Khám khớp vai: khớp vai sưng, nóng. Có thể thấy khối sưng ở trước cánh tay tương ứng với túi thanh mạc bị viêm. Đôi khi có sốt nhẹ.
– Cận lâm sàng
+ Xquang khớp vai: thường thấy hình ảnh calci hóa
+ Siêu âm khớp vai có thể thấy hình ảnh calci hóa ở gân hoặc phát hiện có dịch trong bao thanh dịch dưới mỏm cùng vai.
3. Thể giả liệt khớp vai
– Nguyên nhân: do đứt đột ngột cấp tính bó dài gân nhị đầu hoặc đứt các gân mũ cơ quay khiến cơ delta không hoạt động được.
– Triệu chứng lâm sàng
+ Đau khớp vai dữ dội kèm theo tiếng kêu răng rắc, có thể xuất hiện đám bầm tím ở phần trước trên cánh tay sau đó vài ngày. Đau kết hợp với hạn chế vận động rõ rệt. Đau khớp vai có thể hết song không làm phục hồi khả năng vận động.
+ Khám khớp vai: bệnh nhân mất động tác nâng vai chủ động, trong khi vận động thụ động hoàn toàn bình thường, không có các dấu hiệu thần kinh. Nếu đứt bó dài gân nhị đầu khám thấy khối cơ cuộn tròn mặt trước cánh tay khi làm động tác gấp cẳng tay.
– Cận lâm sàng
+ Chụp Xquang khớp vai cản quang phát hiện đứt các gân mũ cơ quay
+ Siêu âm khớp vai phát hiện đứt gân nhị đầu hoặc gân trên gai.
4. Thể đông cứng khớp vai
– Nguyên nhân: co thắt bao khớp, bao khớp dày, dẫn đến giảm vận động khớp vai.
– Triệu chứng lâm sàng
+ Đau khớp vai kiểu cơ học, đôi khi đau về đêm. Sau vài tuần đau giảm dần nhưng vai cứng lại
+ Khám khớp vai: bệnh nhân hạn chế vận động khớp vai mọi động tác cả động tác chủ động và thụ động.
– Cận lâm sàng.
+ Xquang: chụp khớp vai với thuốc cản quang thấy khoang khớp bị thu hẹp.
+ Siêu âm khớp vai thấy hình ảnh dày bao khớp.
Chẩn đoán phân biệt
Viêm quanh khớp vai cần được chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác cũng có đau khớp vai và hoặc kèm theo hạn chế vận động như: đau thắt ngực, u phổi, hoại tử vô khuẩn đầu xương cánh tay, viêm mủ khớp vai, viêm khớp vai do lao, viêm khớp vai trong các bệnh khớp viêm mạn tính như: viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vẩy nến …
Điều trị viêm quanh khớp vai
Nội khoa
– Thuốc giảm đau thông thường. Sử dụng thuốc theo bậc thang của Tổ chức Y tế thế giới. Chọn một trong các thuốc sau:
+ Floctafenine (Idarac), acetaminophen (paracetamon, dolodon, tylenol…)
+ Acetaminophen kết hợp với codein (effralgan – codein), acetaminophen kết hợp với tramadol (ultracet)
– Thuốc chống viêm không steroid chỉ định một trong các thuốc sau:
+ Diclofenac (voltaren…), piroxicam (felden, brexin…), meloxicam (mobic…) celecoxib (celebrex …), etoricoxib (acoxia…)
– Tiêm corticoid tại chỗ theo phương pháp tiêm mù kinh điển hoặc tiêm dưới hướng dẫn của siêu âm: áp dụng cho thể viêm khớp vai đơn thuần, thể đau vai cấp tính. Thuốc tiêm tại chỗ (vào bao gân, bao thanh dịch dưới cơ delta) thường sử dụng là các muối của corticoid như Depomedrol 40mg; Diprospan; tiêm 1 lần duy nhất; sau 3-6 tháng có thể tiêm nhắc lại nếu bệnh nhân đau trở lại. Tránh tiêm corticoid ở bệnh nhân có đứt gân bán phần do thoái hóa. Tiêm corticoid ở bệnh nhân này có thể dẫn đến hoại tử gân và gây đứt gân hoàn toàn.
– Nhóm thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm
+ Glucosamin sulfat (Viartril-S)
– Thuốc hỗ trợ: thuốc giãn cơ: mydocalm, myomal…
Vật lý trị liệu
– Giai đoạn không có sưng nóng có thể áp dụng liệu phát nhiệt: hồng ngoại, sóng ngắn, sóng siêu âm…
– Giảm đau tại chỗ bằng xoa bóp
– Tập vận động: trong giai đoạn viêm cấp có sưng đau nhiều thì phải hạn chế vận động vùng gân bị tổn thương như dùng nẹp, băng chun cố định trong thời gian ngắn, sau đó phải tập phục hồi các động tác để bảo tồn chức năng vận động của khớp vai.
Ngoại khoa
– Nội soi khớp vai: vừa để chẩn đoán chính xác tổn thương, vừa để điều trị.
– Phẫu thuật khớp vai: Áp dụng cho thể giả liệt: đặt biệt ở người trẻ tuổi có đứt các gân vùng khớp vai do chấn thương. Phẫu thuật nối gân bị đứt. Ở người lớn tuổi, đứt gân do thoái hóa, chỉ định ngoại khoa cần thận trọng
Phòng bệnh viêm quanh khớp vai
– Giáo dục bệnh nhân về các tư thế lao động sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt những bệnh nhân chơi thể thao như tennis, phòng tránh chấn thương dù rất nhẹ nhưng nếu lặp đi lặp lại cũng gây tình trạng viêm.
– Quản lý và điều trị tốt các bệnh nội khoa phối hợp như đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, bệnh mạch vành, bệnh phổi, tai biến mach máu não…
Yhocvn.net
Bài cùng chủ đề:
+ Phương pháp thủy châm điều trị bệnh viêm quanh khớp vai
+ Quy trình phẫu thuật thay khớp vai
+ Bài tập phục hồi chức năng trật khớp vai hiệu quả
Chưa có bình luận.