Chủ Nhật, 30/12/2018 | 22:53

Các bài tập phục hồi chức năng trật khớp vai hiệu quả và những lưu ý khi thực hiện

Cấu tạo của khớp vai

Cấu tạo của khớp vai được chia làm 4 phần:

–  Cấu trúc xương: Xương vai là xương dẹt hình tam giác, nằm phía sau bên của phần trên lồng ngực. Xương gồm có hai mặt, ba bờ và ba góc.

– Cấu trúc cơ: Các cơ tại khớp vai bao gồm:

Cơ delta: cơ đi từ gai vai, 1/3 ngoài xương đòn tới ấn delta ở xựơng cánh tay. Cơ này có tác dụng nâng vai, giang cánh tay, xoay cánh tayvào trong hay ra ngoài.

Cơ ngực to, cơ lưng to, cơ tròn to: cơ đi từ ngực hoặc lưng tới hai mép của rãnh cơ nhị đầu xương cánh tay giúp khép và xoay cánh tay vào trong.

Cơ nhị đầu: gồm có hai bó; bó ngắn đi từ mỏm quạ; bó dài đi từ diện trên ổ chảo đi qua rãnh nhị đầu và hợp với bó ngắn bám tận vào lồi củxương quay, có tác dụng gấp cẳng tay vào cánh tay.

Cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ tròn nhỏ: tất cả đi từ hố trên gai, hố dưới gai, cạnh ngoài xương bả vai tới mấu chuyển lốn xương cánh tay, có tác dụng xoay cánh tay ra ngoài.

Cơ dưới bả vai: cơ này đi từ mặt trước xương bả vai tới mấu động nhỏ, có tác dụng xoay cánh tay vào trong.

Mũ của các cơ quay (Rotato Cuff) do gân của các cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ tròn nhỏ, cơ dưới vai hợp thành. Mũ của các cơ quay (rotatocuff) bao bọc chỏm xương cánh tay nên rất hay bị tổn thương.

– Cấu trúc dây chằng: Hệ thống dây chằng khớp vai gồm có:

Dây chằng ổ chảo – cánh tay: đi từ ổ chảo đến đầu trên xương cánh tay gồm có các dây dưới, giữa, trên.

Dây chẳng cùng – quạ: đi từ mỏm cùng tới mỏm quạ.

Dây chằng quạ – đòn: đi từ mỏm quạ đến xương đòn.

Dây chằng quạ – cánh tay: đi từ mỏm quạ đến đầu trên xương cánh tay.

Bao khớp đi từ gò ổ chảo đến cổ giải phẫu (đường nối giữa mấu động lớn và mấu động nhỏ của xương cánh tay).

– Cấu trúc hệ thống mạch máu và thần kinh khớp vai:

Các mạch máu và thần kinh của khớp vai được nuôi dưỡng bởi các ngành bên và ngành tận của bó mạch, thần kinh cánh tay. Ngoài ra, vùng khớp vai còn liên quan đến các rễ thần kinh ở vùng cổ, ngực và các hạch giao cảm cổ. Tại đây có các đường phản xạ ngắn, vì vậy khi có một tổn thương các đốt sông cổ,ngực thì đều có thể kích thích gây biểu hiện ở khớp vai.

Trật khớp vai là gì?

Khớp vai gồm một trụ cầu (xương cánh tay có đầu hình cầu) và hõm chứa (rãnh cầu của xương bả vai) đầu cầu. Trật khớp vai xảy ra khi trụ cầu xương cánh tay trật khỏi hõm chứa ở bả vai. Khớp vai là khớp di động nhất của cơ thể, vì vậy nên bạn rất dễ bị trật khớp.

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trật khớp vai

+ Đau dữ dội;

+ Biến dạng có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường;

+ Sưng hoặc bầm tím vùng vai – cánh tay;

+ Không có khả năng di chuyển khớp;

+ Tê, co giật hoặc yếu ở cánh tay, bàn tay, ngón tay.

+ Vai trật khớp cũng gây tê, yếu hoặc ngứa ran ở gần vùng chấn thương, chẳng hạn như ở cổ hoặc dưới cánh tay. Các cơ bắp ở vai có thể bị co thắt và làm tăng cường độ đau.

Các bài tập phục hồi chức năng trật khớp vai

Bài tập 1:

Bạn nằm sấp người trên giường. Để cánh tay trái ngang tầm vai, khuỷu tay gập làm thành góc 90 độ so với thân mình và bàn tay hướng xuống đất. Giữ khuỷu tay gập như vậy rồi từ từ nâng tay trái lên cho tới ngang tầm vai thì dừng lại. Từ từ thả tay trái xuống vị trí ban đầu. Tiếp tục động tác này cho tới khi cảm thấy mỏi tay thì chuyển sang tay phải.

Bài tập 2:

Nằm nghiêng về bên phải. Để cánh tay trái dọc theo phần trên cơ thể. Gập khuỷu tay một góc 90 độ ngang với cơ thể. Để nguyên cẳng tay phải trên sàn. Xoay vai phải để nâng cẳng tay về phía ngực mình. Từ từ hạ cẳng tay xuống. Lặp lại động tác này cho tới khi thấy mỏi tay. Sau đó, chuyển sang tập với tay trái.

Bài tập 3:

Nằm nghiêng người về phía trái, nách phải kẹp một chiếc khăn bông cuốn tròn. Tay trái gập lên trên khuỷu tay tạo thành một góc 90 độ để sát ngực, lòng bàn tay úp. Xoay vai phải ra ngoài trong khi đưa cẳng tay phải lên trên cho tới khi ngang tầm vai thì dừng lại. Sau đó, hạ từ từ tay xuống. Cứ lặp đi lặp lại cho tới khi mỏi thì chuyển sang tay trái.

Bài tập 4:

Đứng thẳng lưng. Tay phải đưa ra phía trước một chút so với cơ thể, ngón tay cái chúc xuống dưới (tay trái có thể đưa lên để giữ thăng bằng). Sau đó nâng cánh tay phải lên cao, cánh tay làm thành một góc 45 độ sơ với cơ thể (giống như ta đang dốc ngược một chiếc hộp để đổ hết nước trong đó đi vậy).Đừng nâng tay quá cao tới mức bạn cảm thấy đau. Chậm rãi hạ tay xuống. Lặp lạiđộng tác này cho tới khi thấy mỏi tay. Sau đó tập động tác tương tự với tay trái.

Lưu ý khi thực hiện các bài tập phục hồi chức năng trật khớp vai:

– Khi luyện tập bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ. Tốt nhất nên thực hiện các bài tập với Kỹ thuật viên cho đến khi bạn nhuẩn nhuyễn và nắm chắc các kỹ thuật

– Để bắt đầu luyện tập bạn nên khởi động nhẹ nhàng.  

– Khởi động bạn có thể duỗi căng tay và vai, làm động tác đung đưa.

– Sau đó đứng thẳng người gập người xuống để cho hai tay buông thỏng.

– Hãy để mềm cơ tay và cơ vai tiếp đó đung đưa tay từ trước ra sau.

– Trong quá trình tập luyện nếu cảm thấy đau thì phải ngưng tập ngay.

– Bạn nên sử dụng những loại tạ nhẹ sao cho bạn có thể thực hiện mỗi bài tập từ 20-30 lần mới thấy mỏi tay. Sau đó tăng dần trọng lượng tạ sau mỗi tuần luyện tập.

– Khi hoàn thành bài luyện tập hãy chườm vai bằng túi đá trong vòng 20 phút.

– Thực hiện chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để việc hỗ trợ điều trị đạt hiệu quả cao.

Yhocvn.net

Bài cùng chủ đề:

+ Thông tin y học chuyên sâu về viêm quanh khớp vai

+ Quy trình phẫu thuật thay khớp vai

+ Phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp vai theo BYT

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook