Theo Tổ chức Y tế thế giới, tính đến cuối tháng 8/2016, có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lây truyền của virus Zika, 11 quốc gia có sự lây truyền từ người sang người.
Tự diệt muỗi để phòng chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết.
(Nguồn: tuyengiao.vn).
Đặc biệt tại Singapore, ngày 28/8, trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên được thông báo thì trong 4 ngày sau (31/8), số ghi nhận đã ghi nhận này đã tăng lên đến 82 trường hợp. Bên cạnh đó, tình hình sốt xuất huyết vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và châu Mỹ La – tinh.
Tại Việt Nam, theo Cục Y tế dự phòng, đã ghi nhận 3 trường hợp nhiễm virus Zika và có một số trường hợp người nước ngoài được phát hiện nhiễm virus Zika sau khi đi du lịch trở về từ một số nước, trong đó có Việt Nam. “Hiện nay, mặc dù số trường hợp mắc sốt xuất huyết đã chững lại trong những tuần gần đây nhưng hiện đang vào thời điểm mùa mưa kèm theo các diễn biến bất thường của thời tiết tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh do virus Zika, sốt xuất huyết phát triển nên vẫn có nguy cơ gia tăng nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống” – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Để chủ động phòng, chống bệnh do virus Zika, sốt xuất huyết, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng, ngày 5/9, Bộ Y tế đã có Công văn số 6606/BYT-DP gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống bệnh do virus Zika, sốt xuất huyết.
Tại đây, Bộ Y tế đề nghị các địa phương triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy), huy động các ban, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội tích cực tham gia chiến dịch. Làm sao bảo đảm các hộ gia đình tại vùng dịch và có nguy cơ dịch bệnh phải được kiểm tra, giám sát các bể và dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức loại bỏ và tiêu diệt bọ gậy…
Đối với các cơ sở y tế, Bộ yêu cầu giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để tiến hành xử lý kịp thời các ổ dịch. Thực hiện lấy mẫu các trường hợp nghi nhiễm virus Zika, gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur khu vực tiến hành xét nghiệm, khẳng định, nhằm đánh giá sự lưu hành của virus Zika để từ đó chủ động triển khai các biện pháp phòng chống. Các cơ sở y tế tổ chức phun hoá chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật, 2-3 lần cách nhau 1 tuần để xử lý triệt để ổ dịch.
Đảm bảo 100% các hộ gia đình và 100% các phòng, các tầng trong nhà được phun hoá chất theo chỉ định của ngành y tế. Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt việc phân loại, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng bệnh nhân đến BV muộn không được cấp cứu điều trị kịp thời hoặc gây quá tải BV…
Để tăng cường giám sát dịch bệnh do virus Zika, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch tăng cường giám sát sử dụng Test Trioplex cùng lúc có thể phát hiện 3 tác nhân gây bệnh gồm: virus Zika, sốt xuất huyết Dengue, sốt Chikungunya.
Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, sắp tới, Bộ Y tế sẽ đưa vào sử dụng hơn 3.000 bộ test kit “3 trong 1” nhằm có thể cùng lúc xét nghiệm phát hiện 3 bệnh nêu trên trong cùng một test kit. Việc lấy mẫu xét nghiệm sẽ dựa trên các tiêu chí như: ưu tiên cho những địa phương, trường hợp nhiễm Zika, có liên quan dịch tễ với các trường hợp nhiễm Zika, có mật độ muỗi Aedes cao, có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết Dengue cao, có giao lưu đi lại nhiều trong nước và quốc tế.
Test Trioplex được Trung tâm Kiểm soát – Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) hỗ trợ cho Việt Nam. Đại diện US CDC tại Việt Nam cũng đánh giá cao sự đáp ứng nhanh nhạy của Việt Nam trước nguy cơ tiềm ẩn và diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Zika gây ra và nỗ lực giảm sự lây lan của dịch sốt xuất huyết, phòng chống sốt Chikungunya. Đồng thời khẳng định, US CDC sẵn sàng hỗ trợ hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, cung cấp test kit, sinh phẩm, dụng cụ lấy mẫu bệnh phẩm cho các điểm giám sát thông qua hệ thống các Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur tại Việt Nam.
Bước vào năm học mới, Sở GD&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu huớng dẫn các phòng GD&ĐT, trường học thực hiện công tác việc phòng, chống sốt xuất huyết. Trong đó yêu cầu huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh các trường học vận động nhân dân trên địa bàn tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) tại gia đình, trường học, cộng đồng theo hướng dẫn của ngành y tế. Tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường tại các trường học, các khu tập thể, tại gia đình và cộng đồng. Sở GD&ĐT yêu cầu trường học phải phối hợp tốt với ngành Y tế để tổ chức tốt hoạt động tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh về bệnh sốt xuất huyết. V.An |
Ngọc Kha – N.Quốc
Nguồn: Đại đoàn kết
Chưa có bình luận.